GỢI Ý GIẢNG LỄ THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2007

(tiếp chủ đề “sống đạo hôm nay” của thư chung HĐGM VN)

 

Kể về Bữa Tiệc Ly của Chúa, các Tin Mừng Matthêu, Maccô, Luca đều nói đến việc Đức Yêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, khi biến đổi bánh nên Mình Ngài và rượu nên Máu Ngài. Trong khi đó, thánh Gioan không nói gì đến Bí tích Thánh Thể, nhưng chỉ kể lại việc Chúa Yêsu rửa chân cho các tông đồ. Có điều là thánh Gioan kể lại sự kiện ấy một cách hết sức trang trọng, khiến ta phải nghĩ rằng việc Chúa rửa chân cho các tông đồ có nhiều ý nghĩa rất sâu sắc .

- Trước hết theo thánh Gioan viết, hôm ấy Đức Yêsu biết rõ Yuđa sắp nộp Ngài, Ngài cũng ý thức Chúa Cha đã trao cho Ngài mọi sự, và Ngài thấy đã đến Giờ rời bỏ thế gian về cùng Cha, Ngài liền chỗi dậy khỏi bàn ăn, bỏ áo xống đi và lấy khăn thắt lưng mình. Đoạn Ngài đổ nước vào chậu và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ. Việc Chúa chỗi dậy diễn tả việc Ngài đứng lên, thực hiện cuộc Vượt qua mới, ra khỏi thế gian này để về cùng Chúa Cha, vừa đưa Ngài ra khỏi thân phận thế tục, vừa thực hiện cuộc Xuất hành thứ hai, giải phónh nhân loại khỏi quyền lưc ma quỉ và sư chết, như chương trình cứu thế của Chúa Cha. Việc Ngài bỏ áo xống đi diễn tả hành vi Ngài lột xác, Ngài bỏ mìnhhoàn toàn. Và việc Ngài rửa chân cho các môn đệ diễn tả tinh thần khiêm nhường và phục vụ thẳm sâu.

- Ý nghĩa thứ 2 là tuy việc rửa chân chỉ xảy ra trong một ít phút, nhưng nó biểu tượng cho sự hiến mình hoàn toàn của Chúa, nó báo trước sự kiện Chúa lấy chính Mình Máu Ngài làm lương thực nuôi dưỡng nhân loại và báo trước cái chết trên thập giá. Vì cả Bí tích Thánh Thể và cái chết của Chúa đều là sự bỏ mình hoàn toàn, sự lột xác tuyệt đối của Chúa. Chính vì thế Thánh Gioan không cần nói thêm về việc Chúa Yêsu lập phép Thánh Thể, mà chỉ cần kể nguyên một việc Chúa cởi bỏ áo xống, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

- Ý nghĩa thứ ba là hành vi “Chúa Yêsu cúi xuống, rửa chân cho các môn đệ” là hành vi nối tiếp chính lối sống và hành vi của Chúa Cha, Đấng là Tình Yêu, Đấng hằng yêu thương nhân loại, hằng cúi xuống trên thân phận của con người. Đó là điều Thiên Chúa  đã chứng tỏ trong suốt lịch sử nhân loại và cách riêng trong lịch sử dân Israel.

  Thật vậy, đối với nhân loại nói chung, tình thương của Thiên Chúa  luôn dạt dào, tuy vô hình, nhiều người không nhận ra,   qua việc Thiên Chúa  cho con người được xuất hiện trên trái đất, qua việc Người ban mưa nắng, mùa màng, hoa trái cho con người sinh sống, qua việc thực hiện biết bao điều kỳ diệu, như ban trí khôn, sự hiểu biết, ban tình yêu nam nữ, ban khả năng truyền sinh v.v….

Còn đối với Dân Israel. tình thương của Thiên Chúa   có thể nói là trở nên như rờ đụng được, qua sự quan tâm và dấn thân Người dành cho Israel. Người gầy tạo họ thành một dân tộc, Người đáp cứu họ khi gặp nguy khốn ở Ai cập. Người giải phóng họ, đồng hành bên họ, dẫn đưa, săn sóc trên sa mạc, đưa vào Đất Hứa.

Đúng là Thiên Chúa  đã hằng quan tâm đến con người , đã hằng cúi xuống trên đời sống con người để mà xót thương, để mà âu yếm, để mà săn sóc và phục vụ. Chúa Yêsu cúi xuống diễn ta chính Thiên Chúa  cúi xuống. Chúa Yêsu rửa chân cho môn đệ diễn ta chính Thiên Chúa  phục vụ con người  đến cùng, đề cao con người đến cùng.

- Trong thánh lễ chiều nay, chúng ta thật phải xúc động trước tình thương lạ lùng Thiên Chúa  dành cho ta là loài phàm hèn, bất xứng. Chúng ta chiêm ngắm Chúa, suy nghĩ về hành vi của Chúa để mà ca khen, cảm tạ và cũng để sống theo tấm gương của Chúa.

Chúa là Chúa của ta mà đã là như thê, mà đã cư xử như thế, thì ta cũng được mời gọi sống như thế. Thiên Chúa  chúng ta là một Thiên Chúa  yêu thương. Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong bầu khí yêu thương, trong nếp sống của Thiên Chúa  là yêu thương, là quên mình, là hy sinh, thì đến lượt ta, ta cũng thừa hưởng cõi lòng quảng đại và tinh thần hy sinh, quên mình của Thiên Chúa . Con tim của Đấng dựng nên ta đã rộng lớn thì con tim của ta là con cái cũng rộng lớn. Chính vì thế, làm Kitô hữu là chúng ta có ơn gọi trở thành những con người yêu thương. Sống đạo – như hội đồng Giám mục VN hiểu và định hướng – chính là yêu thương và phục vụ.

Mỗi Thứ Năm Tuần Thánh, cả Hội thánh chúng ta lại tưởng niệm  Bữa Tiệc Ly của Chúa, lại thấy Phụng vụ làm sống lại chính những việc Đức Yêsu đã làm. Gương sống và lời dạy qua các hành vi của Ngài trở thành kim chỉ nam cho mọi thành phần trong Hội thánh. Hàng giáo sĩ được lập ra, không phải để Hội thánh có một lớp người đè đầu cỡi cổ ai, mà chỉ là để Hội thánh có thật nhiều những con người xả thân, quên mình vì tha nhân, nối tiếp sự xả thân của ThầyYêsu. Bậc giáo dân được lập ra để giữa nhân loại nhiều khi hay ích kỷ, nhỏ nhen, vụ lợi, tàn nhẫn, Hội thánh sẽ cung cấp những con tim yêu thương, những cánh tay xoa dịu nỗi khổ, những đoàn người canh cánh với quyết tâm dẹp tan sự dữ

Ai trong Hội thánh cũng có ơn gọi sống yêu thương và phục vụ. Và chỉ khi nào yêu thương và phục vụ bằng hành động cụ thể. nhắm đến những con người cụ thể, nhất là những người nghèo hèn, Hội thánh mới đúng là Hội thánh Chúa Kitô, cũng như kitô hữu chúng ta mới đúng là môn đệ Chúa Kitô.

Có điều là tự sức riêng, chúng ta khó có thể sống mãi tinh thần ấy.Lúc nào ta cũng dễ bị cản trở bởi tính ích kỷ cố hữu, bởi cái thói ớn sợ phải hy sinh, mất mát. Để có sức mạnh và sự kiên trì, chúng ta cần thường xuyên đến với Đức Yêsu. Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể vì ta. Không gì cần thiết và hữu ích cho ta cho bằng đến với bí tích Thánh Thể, vì chính nơi bí tích ấy, Chúa Yêsu lúc nào cũng thực sự có mặt để ta gặp – lúc nào cũng đang là Đấng yêu thương và phục vụ, là tấm gương sống động về một Đấng chỉ biết hy sinh và tìm thấy niềm hạnh phúc khi hy sinh, một Đấng khích lệ an ủi ta khi ta sợ bị thiệt thòi, một Đấng bảo đảm với ta là ai thí mạng vì tha nhân như Ngài, thì cũng nên giống Thiên Chúa  Cha và cũng nhận gấp trăm. Đến với Đức Yêsu, ta luôn sống lại niềm tự hào sâu xa nhất của ta là đã được biết và tin một vị Thiên Chúa chân thật, Đấng chỉ biết yêu thương, sống lại niềm tự hào là chính ta lại cũng đang trở nên những con người biết yêu thương.

Giờ đây chúng ta tham dự nghi thức rửa chân. Chúng ta chiêm ngắm Đức Yêsu, cũng là chính Thiên Chúa,  hằng cúi mình hầu hạ nhân loại – (chúng ta nhớ đến những con người quảng đại góp phần vào nhiều việc chung trong giáo xứ , trong xã hội…giờ đây sẽ được rửa chân…)

 

Antôn Trần thế Phiệt, dcct


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà