GỢI Ý GIẢNG THỨ SÁU TUẦN THÁNH 2007

(chủ đề : sống đạo)

 

Các bài thương khó ta nghe trong Tuần Thánh này giúp ta đoán biết điều đã diễn ra ở các toà án Dothái và ở sân tiền đường dinh Philatô vào những ngày cuối cùng của Chúa : đó là một cảnh tượng ồn ào, huyên náo, vì rất đông người Dothái từ khắp mọi miền đất nước tuốn về Giêrusalem nhân dịp lễ Vượt qua để mừng lễ. Họ tụ tập kín cả các khoảng sân để tham dự vụ xử án một người làng Nagiaret tên là Yêsu.

 

Cảnh tượng này có nhiều khía cạnh khác nhau, tuỳ cái nhìn và sự hiểu biết của mỗi người. Có nhiều người chỉ thấy Đức Yêsu là một con người và theo cái nhìn này, khi đứng trước các toà án Dothái và Rôma

-         Đức Yêsu đúng là kẻ thất thế, đang bị bắt, sắp bị xử và không còn cách nào thoát thân, không thể nào làm gì khác được

-         rồi Đức Yêsu đang là một phạm nhân thật cô đơn, thật lẻ loi, bị chính quyền Dothái và chính quyền Rôma luận xét vì vi phạm pháp luật

-         Đức Yêsu cũng hoàn toàn thất bại trong mọi chương trình hành động của mình

-         Thế nhưng Đức Yêsu không phải chỉ là một con người , mà Ngài là chính Đấng Thiên sai, chính Con Một Thiên Chúa . Khi hiểu ra tư cách này của Ngài và suy nghĩ về sự kiện xảy ra ở toà án Dothái và ở dinh Philatô, ta sẽ thầy sự việc khác hẳn

-         trước hết, Đức Yêsu không phải là đang thất thế, đang chịu thua kẻ thù, đang không làm gì được, trái lại chính Ngài đang làm chủ tình hình, đang để cho mọi chuyện xảy ra như vậy, vì Ngài muốn như thế, vì Ngài tự nguyện chịu như thế. Trước kia, khi còn ở bên các tông đồ, Ngài đã từng nói :  “Không ai cất mạng sống Ta được, nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta. Ta có quyền thí mạng sống Ta và cũng có quyền lấy lại. Đó là lệnh truyền Ta đã lãnh nơi Cha Ta” (Yn 10,18). Theo bài Thương khó của thánh Yoan mà ta vừa nghe, Chúa Yêsu dư sức thoát tay quân dữ, vì khi chúng đến, Ngài chỉ hỏi chúng tìm ai, và phán một lời, chúng liền “giật lùi đàng sau và nhào xuống đất” (18,6). Như thế, Ngài có để cho chúng tra tay, thì chúng mới bắt Ngài được. Cũng như Ngài nói với Philatô “Ông không có quyền gì trên tôi”

-         thứ hai : Ngài không phải là một phạm nhân cô đơn lẻ loi, đang bị xét xử, mà lại chính là Quan Toà đang xét xử mọi người. Hàng trăm hàng ngàn người đang đứng trước mặt Ngài đều đang là kẻ có tội, mỗi người một cách. Tất cả đều là tội nhân đang đồi diện với Đấng Thánh, Đấng tuyệt đối trong sạch. Không phải người ta đang được xử tội Ngài, mà chính Ngài mới đang là Đấng xét xử. Trước mặt Ngài, lộ ra mọi giống tội của loài người : từ tội của Biệt phái, luật sĩ là tội kiêu ngạo, đề cao mình, ghen tị với mọi kẻ  uy tín hơn mình, đụng chạm đến quyền lợi mình , và tìm mọi cách loại trừ – đến tội của Caipha, của Hêrôđê, của Philatô, dùng quyền hành để áp bức, để xử oan – hoặc tội của dân chúng, dễ thay lòng đổi dạ, hôm qua hoan hô, hôm nay đả đảo, a dua theo giới lãnh đạo nhỏ nhen, thù hằn, ác độc.

-         Biết bao người cũng tưởng Đức Yêsu đã hoàn toàn thất bại. Tất cả các lời tuyên bố của Ngài về Thiên Chúa , về Nước Trời, về sự sống đời đời đều rỗng không. Tất cả hy vọng Ngài khơi lên đều tan thành mây khói. Dân chúng đã từng nườm nượp đi theo  Ngài vì tưởng Ngài sẽ làm Vua, sẽ đánh đuổi quân Rôm, sẽ dành độc lập cho nước nhà. Những kỳ vọng ấy đã tiêu tan hết.

          Thật ra, Đức Yêsu  không thất bại. Chính lúc bị xử án này, lại là lúc Ngài thực hiện các lời loan báo về thời Thiên Sai và Ngày Yavê. Chính lúc này, Ngài sắp thực hiện cuộc Vượt qua mới, cuộc Xuất hành mới, không phải đưa nhân loại ra khỏi đau khổ lầm than thể xác, như cuộc Xuất hành Thiên Chúa  thực hiện cho Dân Israel trong Ai cập ngày xưa, mà giải phóng nhân loại khỏi gông cùm của ma qui và mãnh lực của sự chết. Cuộc xuất hành ngày xưa đã có việc Dân được lệnh giết chiên vượt qua, lấy máu bôi lên cửa làm dấu, nay Đức Yêsu là chính Con Chiên Vượt qua, vì thánh Gioan thấy khi Đức Yêsu chết trên thập giá, không một cái xương nào của Ngài bị đánh gãy.

          Cũng vào chính lúc người ta tưởng Đức Yêsu “phá sản”, chẳng thực hiện được kế hoạch nào của mình, lại là lúc Ngài đã chu toàn sứ mạng Người Tôi Tớ Yavê và thực hiện công cuộc cứu chuộc cho cả nhân loại. Nhờ Ngài, tội nhân loại được thứ tha và tẩy xoá, nhân loại được giao hoà cùng Thiên Chúa , được hưởng sự sống đời đời. Đúng vào lúc toàn dân sắp tưng bừng kỷ niệm và mừng nhớ cuộc Vượt qua cũ, thì cuộc Vượt qua mới đã xảy ra và thay đổi số phận của tất cả nhân loại.

 

Vậy những tiền đường trước các toà án Dothái và trước dinh Philatô không phải là nơi kết liễu cuộc đời và sự nghiệp Đức Yêsu như nhiều người đã tưởng và vẫn tưởng. Trái lại, những nơi đó trở thành “đại công trường” của công trình cứu chuộc, đã trở thành biểu tượng và thực tế của tấn kich cứu độ : nơi con người tội lỗi đối diện với Thiên Chúa  chí thánh – nơi Thiên Chúa  lên ngự trên toà phán xét, nhưng là phán xét trong yêu thương và thứ tha cho mọi kẻ nhận ra tội mình và thành tâm sám hối – nơi Thiên Chúa  công bố và thực hiện cuộc Giải phóng vĩ đại, đưa nhân loại ra khỏi vương quốc của ma quỉ và sự chết.

 

Do đó chiều hôm nay, chúng ta không còn nhìn cảnh tượng sân tiền đường dinh Philatô như nơi Đức Yêsu bị thảm bại, mà như nơi Ngài bắt đầu chiền thắng – như nơi Ngài tỏ mình là Thiên Chúa  - như nơi Ngài trở thành Môsê mới dẫn đầu nhân loại bước sang thế giới mới.

Và chiều nay, chính chúng ta đang đối diện với Ngài và đang phải tỏ rõ lập trường và sự chọn lựa của mình. Tư cách Kitô hữu và việc sống đạo thôi thúc ta chọn Đức Kitô , đứng về phía Ngài, không đứng về phía thế gian và ma quỷ, cho dù phải lội ngược giòng, sống khác xã hội, bị xã hội loại trừ, cho dù phải cô đơn thất thế như Đức Yêsu lúc bị xử án.

Sồng đạo chính là chọn Đức Yêsu, là noi theo tình mến đến hy sinh tất cả của Ngài, là ý thức về tội và quyết liệt xa tránh. Sống đạo là “nhìn lên Đấng chúng đã đâm” (Yn 19, 37), nhìn nhận Đức Yêsu chính là Thiên Chúa  và xác tín Thiên Chúa  là Đấng yêu thương đến cùng, để ta thấm nhuần và thực thi tinh thần của Người.

 

Lát nữa đây, khi kính cẩn đặt nụ hôn lên chân Chúa, chúng ta cảm tạ Chúa đã huỷ mình ra không để thực hiện cuộc cứu chuộc vì ta. Chúng ta đoan hứa sẽ gắn bó với Chúa và ra sức noi theo tinh thần yêu mến, hy sinh, quảng đại của Chúa.

 

Lm. Antôn Trần thế Phiệt, dcct


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà