GỢI Ý GIẢNG LỄ

 CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH (NĂM C)

 

Theo đức tin của chúng ta, Màu nhiệm Đức Yêsu Phục Sinh là sự kiện trung tâm của Lịch sử cứu độ và Lịch sử cả nhân loại. Màu nhiệm ấy thể hiện việc Đức Yêsu hoàn tất sứ mạng Thiên sai của Ngài và việc Đức Chúa Cha thực hiện chương trình cứu thế Người dự liệu từ đời đời. Màu nhiệm Phục Sinh cũng đánh dấu lúc Nước Trời đến và lúc lịch sử nhân loại mở sang một trang mới với cuộc hiển trị của Đức Kitô Phục Sinh và sự xuất hiện của một cộng doàn mới. Đây là cộng doàn những kẻ tin vào Đức Yêsu Kitô, một cộng doàn có một dức tin có cơ sở vững chắc– có một nếp sống mới.

+ Trước hết, đức tin của cộng doàn này là một dức tin có cơ sở, vì xuất phát từ đức tin của các tông đồ, những vị đã có diễm phúc được đich thân gặp Chúa Phục Sinh, được trông thấy tay và cạnh sườn Ngài, còn vết lỗ đinh, lỗ đòng thâu qua.

   Năm nào, vào Chúa nhật thứ 2 Phục Sinh, Phụng vụ cũng cho ta nghe về thánh Tôma. Nói đến Người, tự nhiên chúng ta nghĩ ngay đến một con người cứng tin và đòi hỏi. Người không chấp nhận ngay lời chứng của các tông đồ khác, mà đòi chính mình phải được gặp Đấng Phục Sinh. Có lẽ rất nhiều người mong muốn rằng điều mà dạo công giáo mình tin phải có bảo đảm hẳn hoi, chẳng hạn đòi các tông đồ phải thấy Chúa thật, phải kiểm chứng được rằng đó chính là Đức Yêsu, phải tận tay rờ vào thể xác Ngài, các vết thương của Ngài. Họ không thoả lòng khi đức tin của Đạo mình chỉ lơ mơ, chỉ do tưởng tượng. Thì đây, trường hợp của thánh Tôma đáp lại chính mong muốn ấy . Do đó thánh Tôma không đáng chê, như ta vẫn nghĩ, mà chính thái độ cứng tin của Ngài lại góp thêm một cơ sở rất vững mạnh cho đức tin của ta. Để từ đó, ta có quyền mạnh bạo xác nhận rằng  việc chúng ta tin Đức Yêsu Phục Sinh không phải là chuyện ảo tưởng, thiếu khoa học, ngược lý trí, nhưng là chuyện có nền tảng đàng hoàng. Vì việc chúng ta tin Đức Yêsu Phục Sinh được hỗ trợ bởi các lời báo trước trong thời Cựu Ước, được bảo đảm bởi đức tin chắc chắn của các tông đồ và của các thế hệ kẻ tin trong Hội thánh.

+ Đặc điểm thứ 2 của cộng doàn kẻ tin mới xuất hiện sau ngày Đức Yêsu Phục Sinh , đó là họ có một nếp sống mới. Tuy tiếp tục sống giữa những người đồng hương Do thái khác, tuy tiếp tục giữ niềm tin cổ truyền, nhưng từ đây, họ như nổi bật lên giữa đám đông dân chúng. Theo đoạn Công vụ ta vừa nghe, họ thường tập họp tại hành lang Salômôn, vây quanh các tông đồ trong tình keo sơn thân mật, trong khi không ai khác dám gần gũi các tông đồ như thế.

          Nếp sống của họ từ đây có những thay đổi lớn lao : họ đi theo một niềm tin mới, họ thương mến nhau như anh chị em ruột thịt, họ có một nền phụng tự và một nền đạo đức mới, mà nét nổi bật là đề cao Ngày Chúa nhật  , Ngày của Chúa. Họ coi trọng Ngày Chúa nhật , vì đó là Ngày cao điểm, Ngày trung tâm chẳng những của mỗi tuần lễ, mà còn của cả đời sống Đạo. Bởi vì đó là ngày cộng doàn tưởng niệm biến cố Phục Sinh, cử hành Lễ Bẻ Bánh và lắm khi cũng là ngày kẻ tin nhận được nhiều ơn của Chúa.

          Ai ai cũng còn nhớ mãi là chính vào ngày thứ nhất trong tuần, Đức Yêsu đã hiện ra cho 10 tông đồ sau khi Ngài vừa từ cõi chết sống lại, ban cho các ông lời chúc bình an và sứ mạng tha tội – rồi đúng vào Chúa nhật sau đó, Ngài lại hiện ra cho các tông đồ , lần này có thêm Tôma, để thoả mãn nguyện vọng của ông là được đích thân gặp gỡ, rờ đụng Đấng Phục Sinh. Rồi theo đoạn sách Khải huyền cũng thế, chính vào một ngày Chúa nhật , thánh Yoan đang ở đảo Patmô đã được  xuất thần, được trông thấy “Đấng giống như Con Người, mặc áo dài và ngang lưng thắt một giây nịt bằng vàng, xưng mình là Đấng đã chết, nhưng vẫn sống đến muôn đời và nắm giữ chìa khoá sự chết và địa ngục” và Đấng ấy truyền cho Yoan viết  những điều đang và sẽ xảy ra.

          Trường hợp của thánh Tôma và thánh Yoan minh chứng rằng khi có mặt trong Ngày Chúa nhật , người ta có cơ may nhận được nhiều ơn đặc biệt, ngược lại, vắng mặt trong ngày đó, người ta có thể lỡ dịp gặp Chúa hoặc mất những ơn mà kẻ khác được hưởng

+ Hội thánh và chúng ta ngày nay cũng đang là cộng doàn mới do Đức Kitô Phục Sinh quy tụ. Chúng ta cũng có một niềm tin khác biệt và một nếp sống mới mẻ so với niềm tin và nếp sống của bao người chung quanh. Chúng ta được mời gọi bước vào kỷ nguyên mới do Đấng Phục Sinh khai trương và làm cho thế gian trông thấy chúng ta là những  con người mới : mới không nhất thiết ở quyền năng chữa lành các bệnh hoạn tâït nguyền và ở uy thế khiến ai ai cũng phải khiếp sợ như thánh Phêrô ngày xưa – nhưng ở cách sống mới, thái độ mới bắt nguồn từ đức tin sâu xa đặt vào Đức Kitô và từ đời sống đạo đức, thi thố ra trong việc keo sơn với Hội thánh, chuyên chăm cầu nguyện, khát khao gặp gỡ Chúa và đề cao Ngày Chúa nhật , tham dự thánh lễ một cách nghiêm túc, lắng nghe Lời Chúa một cách chăm chú, loại trừ mọi kiểu sống đạo hời hợt và mọi hình thức coi thường bất kính đối với Ngày Chúa nhật cũng như thánh lễ Chúa nhật.

          Từ thời Đức Yoan-Phaolô 2, Chúa nhật hôm nay cũng được gọi là Chúa nhật về lòng thương xót của Thiên Chúa . Khi lập ra lễ này, hẳn Đức Thánh Cha muốn chúng ta nhớ đến và ngợi khen tình thương của Thiên Chúa  đối với nhân loại nói chung và đối với những kẻ tội lỗi nói riêng, như được Đức Yêsu diễn tả trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” và như được thể hiện trong màu nhiệm Vượt qua của Con Thiên Chúa  làm người. Chính việc Đức Yêsu Phục Sinh hiện ra cho các tông đồ và thánh Tôma cũng là một bằng chứng về tình thương của Chúa, vì đó là dấu Ngài vẫn thứ tha và chấp nhận những con người hèn yếu, tội lỗi, như các ngài tỏ ra trong cuộc Thương Khó của Chúa. Hiện nay,  lòng sùng kính bức ảnh Đức Yêsu chiếu toả luồng ánh sáng thương xót và việc lần chuỗi Lòng thương xót đang được thi hành hoặc khuyến khích ở nhiều nơi trong Hội thánh. Việc đạo đức này đang giúp bao người nhớ lại và tin tưởng hơn vào tình xót thương vô biên của Thiên Chúa , cho dù cuộc sống mình đầy bất xứng hoặc tuyệt vọng, và đang mang lại cho nhiều người thành tâm rất nhiều ơn lạ, vượt quá ngờ tưởng của họ.   

 

          Antôn Trần thế Phiệt, DCCT


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà