CHÚA NHẬT THỨ NHẤT MÙA VỌNG NĂM C

TẬN THẾ, NGÀY HÂN HOAN HAY NGÀY ĐÁNG SỢ ?

 

Mùa Vọng, khởi đầu một Năm Phụng vụ mới, lại đến với chúng ta. Vọng là chờ. Đây là Mùa gợi đến 3 sự đợi chờ : gần nhất là đợi chờ lễ Giáng sinh. Chúng ta  được mời gọi chuẩn bị tâm hồn, xưng tội rước lễ, sốt sắng hơn mọi khi để hướng về ngày đại lễ. Xa hơn, đó là sự đợi chờ của Dân Chúa thời Cựu Ước, chờ ngày Đấng Thiên sai xuất hiện và sự đợi chờ biến cố Quang Lâm, ngày Đức Kitô sẽ đến lại lần thứ hai vào lúc niên cùng tháng tận.

 

Chúng ta vừa nghe lại lời ngôn sứ Giêrêmia loan tin vui cho Nhóm người đồng hương của  ông đang bị lưu đày ở Babilon. Ông cho biết Thiên Chúa sắp giải thoát Dân Người, ban cho họ một Đấng Công Chính, xuất thân từ chi tộc Giuđa. Ngài sẽ cai trị trong công bình chính trực, làm cho Giuđa được cứu thoát và Giêrusalem được an cư lạc nghiệp. Chúng ta hiểu vị ngôn sứ muốn báo trước về Đấng Cứu thế mà Đức Chúa Cha sẽ sai đến.

Còn Đức Yêsu, trong bài Tin Mừng,  báo trước về Ngày tận thế, với nhiều sự kiện khiến người ta phải kinh khiếp hoảng sợ.

Theo hiểu biết và suy nghĩ của chúng ta ngày nay, tận thế có thể có nhiều nguyên do và  có nhiều hình thức : về nguyên do, tận thế có thể do những sự đổi thay, những vận hành lộn xộn ngay trên hành tinh chúng ta là trái đất – hoặc trong hệ mặt trời – hoặc trong vũ trụ rộng lớn. Trái đất chúng ta có thể đảo lộn do một cuộc va chạm với một hành tinh từ xa đi tới hoặc do những trận động đất với cường độ mạnh.

Tận thê` có thể xảy đến chung cho toàn cả trái đất và toàn thể nhân loại, do một hành tinh lớn đụng vào, do bị mặt trời hút lại gần hoặc đẩy ra xa, làm trệch quỹ đạo hiện nay, giống như sự kiện cách đây 60 triệu năm, khiến toàn bộ loài khủng long bị tận diệt. Tận thế cũng có thể cướp đi sinh mạng của một tập thể lớn, như nhiều trận động đất hoặc sóng thần, từng làm cho hàng trăm ngàn người bị chết  Gần đây người ta nói nhiều đến chiến tranh nguyên tử, chiến tranh vi trùng với nỗi lo là rất nhiều người bị chết. Và tận thế còn được hiểu theo nghĩa hẹp là lúc tận số của một cá nhân, của mỗi người trong chúng ta. Dù sao, tận thế cũng luôn là biến cố đầy bí ẩn và bất ngờ, khó có thể biết trước được, trừ giờ chết của một số cá nhân đang hấp hối do một cơn bệnh trầm trọng.

 

Đứng trước biến cố tận thế,mọi người thường hoảng lọan, khiếp sợ.  Chính Đức Yêsu nói trước là người ta sẽ bị “hồn xiêu phách lạc”. Thế nhưng đối với những ai đã sẵn sáng và xứng đáng, biến cố tận thế hay cuộc Quang lâm của Chúa lại là nguồn hy vọng và hân hoan vĩ đại, bởi lẽ biến cố ấy  báo hiệu giờ phút họ được hạnh phúc sắp đến, giống như giờ phút Dân Israel xưa được lên đường thoát tay Vua Pharaông, hoặc được ra khỏi chôn lưu đày Babilon, để được tiến bước về Quê hương.

Vấn đề là chúng ta không nản lòng vì thấy Chúa lâu đến rồi để cho lòng mình ra nặng nề vì chiều theo thói hưởng thụ hoặc quá lo toan việc đời này – như Chúa cảnh cáo – trái lại biết bền đỗ trong lòng tin đối với Chúa, kiên trì trong nếp sống đạo hạnh và nỗ lực tiến triển thêm, như thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Thêxalônica. Đúng là đời sống tốt lành là đời sống sẽ đón chờ và gặp được Ngày quang lâm của Chúa như một ngày hội hân hoan. Còn đời sống bất xứng và tội lỗi sẽ đầy âu lo và hoảng sợ khi nghe nói càng lúc càng có những dấu hiệu báo trước là ngày tận thế hay cuộc ngự đến của Chúa đã gần đến.

 

Antôn Trần thế Phiệt, DCCT


GỢI Ý GIẢNG LỄ C