GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT 3C MÙA CHAY

Nghĩ về Thiên Chúa nhiều người thường hay cho rằng Thiên Chúa là Đấng ưa trừng phạt và giáng họa. Họ thường lý luận dựa trên xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng chí thánh, nghĩa là không thể chấp nhận sự tội và những con người tội lỗi. Một số chuyện được kể lại trong Cựu ước, như chuyện Thiên Chúa đuổi ông bà A Đam và E Va ra khỏi vườn địa đàng sau khi họ ăn trái cấm, chuyện lụt đại hồng thủy, chuyện tru diệt thành Sôđôma và Gômôra, chuyện Thiên Chúa có ý định tiêu diệt thành Ninivê, cũng như chuyện những người Do Thái trong sa mạc đã trách móc Thiên Chúa, như Thánh Phaolô vừa nhắc đến trong bài đọc 2  v.v… có vẻ chứng thực cho quan niệm Thiên Chúa là Đấng hay trừng phạt kẻ có tội.

Đối với sự kiện vào thời Chúa Giêsu, nhiều người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết hoặc bị Philatô giết chết lúc đang khi họ dâng tế vật, người ta cũng cho rằng Thiên Chúa là Đấng độc ác. Thay vì người dùng quyền năng để ngăn cản tháp Si-lô-ác đổ xuống cũng như ngăn cản việc Philatô đổ máu những người đang dâng tế vật, thì có vẻ chính Thiên Chúa đã để cho những tai họa ấy xảy ra, vì theo nhiều người suy nghĩ, không có sự gì xảy ra ngoài ý định của Thiên Chúa, mọi sự xảy ra đều có Thiên Chúa biết, có Thiên Chúa muốn, thậm chí do Thiên Chúa an bài và định đoạt tóm lại, khi đứng trước những tai ương hoạn nạn trong đời sống con người, nhiều người thường chỉ thấy một Thiên Chúa ưa giáng họa và ác độc.

Thế nhưng thật ra phải quả quyết rằng Thiên Chúa là Đấng đầy tình thương và lòng thương xót nhiều hơn là ý muốn trừng phạt, đặc biệt là trong trường hợp con người bị khốn đốn hoặc có tội.

 Bài đọc I  hôm nay chứng minh Thiên Chúa tuy vô hình và có vẻ xa xăm, lại là Đấng rất gần gũi với dân Israel đang ở Ai cập. Người quan tâm đến tình cảnh của họ và quyết ra tay cứu giúp. Người đã kén chọn Môsê đang lẩn trốn trong sa mạc Ma-di-an, (sau khi ông giết một quan cai Ai cập với ý định giải thoát Dân mình nhưng bị lộ và có thể bị tố cáo),  và Thiên Chúa trao cho ông sứ mạng giải phóng dân khỏi tay Pharaông.

Đến Chúa Giêsu, giữa lúc những kẻ đến gặp Ngài cho rằng những nạn nhân của vụ tháp Si-lô-ác sập xuống hoặc vụ Philatô tàn sát là những người tội lỗi đáng bị tru diệt, thì Chúa Giêsu cho biết thật ra mọi người, những kẻ đã chết đó cũng như chính những người còn đang đứng nói với Ngài đây-đều là những tội nhân và đáng bị chết như nhau, nhưng những người còn sống là những người còn được Thiên Chúa xót thương, còn gia hạn cho được tiếp tục sống để có cơ hội thay đổi đời sống và thoát tai họa.

Cũng như cây vả có thể nói rõ ràng là đáng chặt bỏ, nhưng được người làm vườn xin hoản ngày phá bỏ, để nó được chăm sóc tưới bón thêm và có hy vọng cho trái để tiếp tục được sống.

Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để tất cả chúng ta kiểm điểm quãng đời quá khứ và cố gắng cải thiện, vì ý thức Chúa là Đấng yêu thương và đầy lòng thương xót đang hoản ngày ta phải chuốc lấy những hậu quả xấu do các sai phạm của mình. Ta hãy biết thời gian hồng phúc Chúa còn ban và biết tận dụng, không để mất dịp may còn có được, giống như cây vả biết trổ sinh hoa trái, chứ không một lần nữa để qua đi quãng thời gian người chủ vườn còn xót thương nó, chưa ra tay chặt bỏ và quăng vào lửa.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C