GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C

Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay chứa đựng nhiều niềm vui:

-               Niềm vui của cảm nghiệm mình được giải phóng dứt khoát và hoàn toàn

-               Niềm vui của sự hòa giải với Thiên Chúa

-               Niềm vui của việc tìm thấy cái đã mất, tìm thấy người con đi hoang nay trở về

Theo bài đọc thứ nhất, sau khi ông Giô-suê đưa  dân vượt qua sông Giođan để vào Đất Hứa, ông và toàn dân đã được ăn hoa màu của Đất Hứa, trên đồi Giê-ri-khô, sát gần biên giới. Hôm ấy, họ được vui mừng chẳng những vì lần đầu tiên được hưởng dùng hoa màu của miền đất mà Thiên Chúa báo trước là miền đất “chảy sửa và mật”, mà còn hân hoan vì thấy Thiên Chúa đã giải phóng mình một cách hoàn toàn và dứt khoát. Đất Ai cập của bạo Chúa Pharaông và bọn cai thợ hà khác đã lùi xa tít xa táp, những đồi cát khô cháy, không một cây cỏ, không một giọt nước của sa mạc mênh mông cũng đã lùi xa, như Thiên Chúa phán với ông Giô-suê: hôm nay Ta đã cất nỗi nhục cho các ngươi.

Đoạn thư Cô-rin-tô trong bài đọc hai thì đề cập đến niềm vui của sự hòa giải trong Đức Kitô. Nghĩa là nhờ Đức Kitô, Đấng vô tội, đã trở nên sự tội vì chúng ta, để nhờ Ngài Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, không còn chấp nhất tội lỗi chúng ta và ban cho ta được làm hòa với người, chấm dứt sự lên án chúng ta, để từ nay nhìn chúng ta bằng con mắt thiện cảm và yêu thương của một Người Cha. Nhờ sự tha bổng và hòa giải này, kể như Thiên Chúa đã nắm lấy tay chúng ta mà kéo ra khỏi chốn tội lỗi, từng làm cho ta xa cách Người và ở trong tình trạng bất hạnh nguy ngợp.

Bài Tin Mừng cũng nói đến niềm vui, mà là một niềm vui vỡ lở và đụng chạm đến chính con tim của con người: đó là niềm vui của Người Cha kể như đã héo hon tuyệt vọng khi nhìn thấy người con bỏ nhà ra đi, bây giờ dạt dào vui sướng khi thấy bóng giáng đứa con đang trở về. Bài Tin Mừng này là một dụ ngôn Đức Giêsu muốn kể cho Biệt phái và Luật sĩ là nhóm người kêu căng, đề cao mình và khinh miệt những người khác, tự cho mình là xứng đáng với Nước Trời mà Thiên Chúa sẽ thiết lập và coi mọi kẻ khác là tội lỗi bất xứng với Nước ấy. Đức Giêsu kể dụ ngôn này vừa để biện minh cho cách cư xử của Ngài đối với hạng tội lỗi, vừa để kêu gọi Biệt phái và Luật sĩ chia sẻ niềm vui với Ngài là đón nhận cảm thông với kẻ tội lỗi. Dụ ngôn Ngài kể còn dở dang ở đoạn cuối: người nghe không biết người con cả có chấp nhận lời kêu mời của người cha hay không, có vào nhà để cùng chia sẻ bữa đại tiệc hân hoan, hay là nhất định không tha thứ cho người em với tư cách là anh cả.

Dụ ngôn này cũng là lời Đức Giêsu gửi đến chính chúng ta, mời gọi chúng ta đi theo thái độ của Ngài và chấp nhận những người tội lỗi như Ngài tha thứ và tiếp đón họ. Thật ra, ai trong chúng ta cũng đều lúc này lúc khác là người con thứ phụ bạc lòng cha, làm buồn lòng cha.

Mùa Chay là mùa để chúng ta sám hối trở về, để niềm vui của Thiên Chúa là Cha được trọn vẹn. Vì đối với Người, có thể nói, một Người mất đi do tội lỗi, không phải là Thiên Chúa chỉ mất một người con và niềm vui của Thiên Chúa chỉ thiếu đi một mảng nhỏ, trái lại một người mất đi, là kể như Thiên Chúa mất  tất cả. Vì mỗi cá nhân chúng ta có một giá trị vô cùng trước mặt Thiên Chúa.

Muốn có một ví dụ gân gũi và dễ hiểu về vấn đề này, ta có thể lấy trường hợp một tình yêu nam nữ mới mẻ và say đắm giữa hai người nam nữ: đối với người nam, người nữ kia là tất cả, đối với người nữ, người nam kia là tất cả. Mất nhau, không phải là người nam chỉ mất một người nữ ấy, nhưng là mất tất cả, vì đối với người nam, người nữ là chính lý tồn tại, chính nên tảng của hạnh phúc và lý lẽ cuộc đời của anh ta. Và ngược lại, khi người nữ mất người nam cũng thế: không phải là mất một người, mà kể như mất tất cả….

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt, DCCT


GỢI Ý GIẢNG LỄ C