CHÚA NHẬT 1 MC 2019

Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy Chúa “đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng” của mỗi gia đình và của cả nhân loại như bài sách Đệ Nhị Luật vừa trình bày. Giáo Hội Việt Nam trong năm Phụng Vụ này cũng muốn đồng cảm với Chúa để nhìn vào những hoàn cảnh khó khăn của biết bao gia đình con cái mình. Mang trong lòng con tim thao thức của Chúa và của Giáo Hội, Giáo Xứ cũng muốn được đồng hành với trên 30 gia đình đặc biệt khó khăn của giáo xứ để cầu nguyện và nâng đỡ.

Thật sự cùng với hơn 30 gia đình anh chị em của chúng ta, tất cả mọi gia đình trong giáo xứ, đều chung một số phận mà bài đọc vừa nhắc đến, đó là thân phận của những con người đang phải sống trong miền đất “Ai-cập”, miền đất của nô lệ, của bạo quyền, nhưng lại đầy dẫy những cám dỗ của mọi thứ thần tượng. Thần tượng của “cơm bánh”, “thờ lạy” những thần tượng quyền lực tối tăm, chạy theo những thần tượng đem lại đủ thứ thú vui, nhưng lại không nhận ra đó là những cái gốc của thân phận nô lệ. Cái não trạng nô lệ này đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta, đến nỗi ngay cả khi bước vào nhà Chúa, hồn trí chúng ta còn luôn bị phân tán bởi bao thứ hình ảnh và ước mơ trần tục, nói chi khi chúng ta ra khỏi nhà Người.

Cũng là con người mang xác thân kiếp nô lệ ấy, nhưng Chúa Giê su trong bài Tin mừng lại “được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày”. Ngài biết tìm về một góc hoang vắng, điều này làm tôi chợt nhớ đến một người, mới chỉ là 1 thanh niên khi còn ở Việt Nam đã nhiễm bệnh ghiền sì ke, nhưng trước khi vượt biên đã đến khấn ở núi Đức Mẹ với lời hứa nếu thành công sẽ hoán cải. Anh đã ra đi và đã đến được miền đất mới. Năm 2000 tôi có dịp gặp anh, khi đó đã là một người giàu có, làm quản lý cho một nông trại. Đến thăm nông trại, và đến nhà gia đình anh, tôi rất ngạc nhiên không chỉ là cách anh điều hành nông trại, mà ngạc nhiên hơn nữa khi anh dẫn tôi vào thăm một căn phòng rất biệt lập và rất riêng của anh trong khu biệt thự sang trọng của gia đình. Căn phòng có Thánh Giá, có tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse, có một bàn quỳ và một cuốn Phúc Âm. Anh giới thiệu và nói với tôi : mỗi ngày anh đều dành thời gian một mình đến căn phòng này để cầu nguyện. Chính nơi này anh tìm được trong Lời Chúa những kế hoạch, những cách quản trị, và nhờ thế người chủ tín nhiệm và trao cho anh toàn quyền chăm sóc nông trại. Câu chuyện thật gần với bài Tin Mừng mô tả bước khở đầu 3 năm loan báo Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu : vào hoang địa 40 đêm ngày để đối thoại với Chúa Cha, và đã vận dụng Lời Chúa để chiến thắng mọi thứ thần tượng cám dỗ. Kinh nghiệm này khiến Chúa luôn thường tìm đến nơi vắng vẻ để cầu nguyện trong tất cả hành trình rao giảng. Thậm chí ngay trước ngày bị bắt, Người cũng tìm vào vườn Giệtsimani để cầu nguyện thấm đẫm mồ hôi máu mắt, và ngay cả trên Thánh Giá Người cũng đã cầu nguyện.

Trong ít ngày đến họp với các giáo họ, tôi đã thử hỏi có bao nhiêu gia đình cầu nguyện kinh sớm tối, con số thật đáng buồn, có lẽ chưa đến 10%. Không lạ gì mọi việc trong giáo xứ này luôn gặp khó khăn.

Thánh Phaolô vừa nói với chúng ta “nếu miệng ngươi tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi...Vì là cùng một Chúa của mọi người, Ngài rộng rãi đối với tất cả mọi người khẩn xin cùng Ngài. Vì mọi kẻ cầu khẩn Danh Ngài, đều được cứu độ”.

Trong Mùa Chay này, chớ gì mỗi gia đình biết chuẩn bị bàn thờ như một nơi yên tịnh để gia đình mỗi ngày có thể cầu nguyện : lắng nghe Lời Chúa và nhờ Lời Chúa soi dẫn cho ngày sống của gia đình.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C