THỨ NĂM TUẦN THÁNH: THÁNH LỄ TIỆC LY

Anh chị em rất thân yêu,

Lời Chúa trong Thánh Lễ Tiệc Ly chiều nay có thể gói ghém lại trong lời mở đầu của bài Tin Mừng : “Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng.

Với bài sách Xuất Hành nói về nghi thức bữa Tiệc Vượt Qua của dân Do Thái trong đó việc sau khi giết con chiên thì phải bôi máu chiên “lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên” làm dấu hiệu để “khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập”. Đó chẳng là dấu hiệu và bằng chứng của Tình Yêu Chúa dành cho Dân Người sao?

Thánh Phaolô lại nói tới bữa tiệc Vượt Qua mới khi Con Thiên Chúa thiết lập Bí Tích Thánh Thể theo như được chính Chúa truyền với những lời thật rõ ràng “Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết” việc Chúa chịu nộp cho án chết là “vì các con”, đó chẳng là Tình Yêu cho đến cùng đó sao?

Thánh Gioan thay vì tường thuật việc Chúa lập Bí Tích Thánh Thể mà các Tin Mừng Nhất Lãm đã tường thuật, thánh tông đồ của Tình Yêu nhận biết và loan báo cái ý nghĩa thẳm sâu của Bí Tích này bằng một hành vi mang nhiều ý nghĩa nội tại của Bí Tích :

Tình yêu Thánh Thể là tình yêu Hạ Mình của một vị Thầy, một vị Chúa trở thành người tôi tớ, đúng hơn phải nói là trở thành kẻ nô lệ cho anh em mình khi cúi xuống RỬA CHÂN cho môn đệ. Vì hiểu điều đó đúng theo hoàn cảnh phong tục luật lệ đương thời mà Thánh Phêrô đã hỏi “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?. Ông định nhất quyết từ chối. “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”.

Sở dĩ Ông từ chối, chỉ vì ông chỉ nghĩ đến cái ý nghĩa thể lý, ông không hiểu rằng Tình yêu Thánh Thể là tình yêu muốn thanh tẩy và tha thứ mọi tội lỗi cho môn đệ, cho họ nên trong sạch xứng đáng là bạn nghĩa thân tình của Người “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Nó phải trở nên luật sống cho người môn đệ “Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”, nghĩa là để mọi người có thể cũng được “dự phần với Thầy” tạo nên việc hiệp thông cùng một số phận là bạn nghĩa thân tình của nhau.

Việc đón nhận sự hạ mình và rửa chân của Chúa cho người môn đệ được dự phần với Thầy trong chức vụ cử hành Lễ Vượt Qua của Chúa để yêu thương, thanh tẩy và tha thứ cho anh chị em mình, quy tụ họ vào Dân Mới của Chúa. Mà hôm nay chúng ta gọi là chức vụ Linh Mục thừa tác. Không đón nhận sự hạ mình và rửa chân của Chúa, dù được thụ phong linh mục, người linh mục đó cũng sẽ chỉ đi vào vết xe giả hình của các tư tế thời Chúa Giêsu. Chúng tôi, cũng như anh chị em luôn chỉ muốn nói như Phêrô “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”, vì thế để khởi đầu và sống chức vụ linh mục, chúng tôi luôn phải biết thưa “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em”, một lời nói luôn rất khó, vì thế xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi, cũng như chúng tôi luôn tha thiết cầu nguyện và nài xin anh chị em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa và làm hòa với nhau nhờ năng đến “điểm hẹn”

Chúa hẹn chúng ta nơi bí tích Giải Tội.

          Và chúng ta cũng thấy đó từ thời Giao Ước Cũ đến thời Giao Ước Mới, sự hạ mình của Thiên Chúa luôn chỉ mong đạt tới đích điểm là cho tất cả chúng ta được cùng dự phần với Con của Người, làm thành Dân Mới được yêu thương và yêu thương. Thường cũng nhiều linh mục, tu sỹ và đa số giáo dân lại không nghĩ đến đích điểm này. Người ta thường sống cô lập, thờ ơ với công đoàn Dân Chúa. Cũng vì thế khi canh tân Phụng Vụ, Giáo Hội quan tâm đến việc tham gia tích cực của cộng đoàn, để thúc đẩy ý thức mới trong tư cách là kitô hữu là như Chúa dạy “cũng phải rửa chân cho nhau” để giao hòa và làm nên một thân thể duy nhất.

          Xin anh chị em hãy suy nghĩ thêm 2 điều trên đây trong các giờ chầu đêm nay.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C