CHÚA NHẬT 14 TN 2019

 

1.   Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem” vì “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ.” Lời tiên tri Isaia có ý nghĩa gì, trong khi lịch sử của Israel và cùng với Giêrusalem thủ đô của nó cho đến tận hôm nay vẫn là một lịch sử không có bình an? Và hơn thế nó còn phải hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc? Dân chúng thì bị phân tán khắp địa cầu. Câu hỏi này cũng là câu hỏi của các Kitô hữu suốt 2000 năm qua, bởi vì ở mọi thời và mọi nơi, người Kitô hữu luôn bị bách hại, hằng triệu triệu người đã bị giết, bị tù đầy. Ngay tại Việt Nam chúng ta, 300000 tín hữu đã bị giết, và hôm nay họ vẫn bị coi là nguy hiểm cho quyền bính thế tục. Nhìn vào khung cảnh nhỏ bé của một gia đình Kitô hữu hôm nay, phần đa số nào có sự bình an.

2.   Ngay cả 72 môn đệ trong bài Tin Mừng cũng nghĩ sự bình an mà Chúa nói với họ “sự bình an của các con” chính là việc qua họ mà “cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Bình an họ nghĩ đó là một trật tự xã hội mà do quyền năng họ nhận được nơi Chúa đã hình thành một xã hội an bình mới. Và chính 12 tông đồ cũng luôn nghĩ như thế trên đường đi theo Chúa, do đó có lúc các ông đã hỏi nhau “xem ai là người lớn nhất” hoặc muốn “một chỗ bên tả hay bên hữu Thầy trong nước Thầy”. Nhiều tín hữu hôm nay cũng nghĩ như thế, họ đến với Chúa ở nơi này hay nơi khác là để được những ân huệ của đời này.

3.   Nhưng đó không phải là “bình an” của Chúa cho Israel và cho Giáo Hội. Sự Bình An mà Isaia cũng như Chúa Giêsu muốn trao ban là SỰ BÌNH AN trong mầu nhiệm các thiên thần đã hát vang trên cánh đồng Belem “và bình an dưới thế cho người thiện tâm”, bình an là chính con người Đức Giêsu đã đến và là điều Tin Mừng nói cũng là chính “'Nước Thiên Chúa đã đến gần”.

4.   Theo Thánh Phaolô đó là Bình An được ban tặng trong mầu nhiệm Thập Giá “Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian”. Và cũng là sự bình an của chính bản thân thánh nhân “vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu”, sự bình an nhờ thập giá ấy đã hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau. Sự bình an nhờ Đức Giêsu mà con người tội lỗi đã bị tiêu diệt để một con người mới được sinh ra, con người được nên một với Đức Giêsu và là con Thiên Chúa. Con người mới này không sinh ra từ những phép lạ chữa lành, không sinh ra từ những thể chế quyền lực thế gian, không sinh ra từ sự giàu sang, nhưng chỉ được sinh ra nhờ ân sủng Thánh Thần của Đức Giêsu đã tuôn đổ xuống trong mầu nhiệm thập giá của Người.

5.   Vì thế sự bình an ngay cả cho gia đình chúng ta nó phải được tìm kiếm trong dấu thánh của Chúa Giêsu, dấu thánh của Tình Yêu hiến mạng sống để tha thứ và để giải thoát khỏi mọi mầm mống của tội lỗi. Mỗi một hành vi tha thứ vì yêu thương đều là một viên gạch xây nên đền thờ Bình An của Chúa trong gia đình.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C