Lễ Đức Mẹ Mân Côi 2019

 

Trong tháng TRUYỀN GIÁO NGOẠI THƯỜNG này Lời Chúa trong Thánh Lễ Đức Mẹ Mân Côi giúp chúng ta hiểu được tính cấp bách và ý nghĩa của việc thiết lập THÁNG TRUYỀN GIÁO NGOẠI THƯỜNG này của Đức Thánh Cha :

1.    Trước hết câu chuyện tiên tri Giona vẫn còn rất hiện thực ngay thời đại chúng ta. Chúa dạy tiên tri “Ngươi hãy chỗi dậy đi sang Ninivê, một thành rộng lớn,và giảng tại đó, vì tội ác của nó thấu đến Ta”. Thời tiên tri thì chỉ thấy một thành Ninivê mà tội ác của nó thấu tận trời, hôm nay, từ hang cùng ngõ hẻm miệt thôn quê cho đến khắp mọi thành thị ở mọi nước, chỉ cần tính nguyên tình trạng phá thai (tội giết người) mà thôi chúng ta đã phải rùng mình sợ hãi. Nghĩa trang thai nhi ở Thanh Xuân – Lộc thanh vỏn vẹn chưa đầy 5 năm mà con số đã lên tới hàng chục ngàn. Từ đó có thể dễ dàng nhân lên bao nhiêu thứ tội tràn lan trên cả mặt đất này. Dù vậy Thiên Chúa vẫn muốn sai các tôi tớ Ngài ra đi để rao giảng sự sám hối. Và đó là lời sai thật quá cấp bách. Điều đáng buồn là cũng như Giona “trốn sang Tharsê lánh xa mặt Chúa” chúng ta cũng lẩn tránh lời kêu gọi của Chúa vì nhiều lý do, kể cả lý do nghe tưởng là chính đáng vì kẻ tội lỗi không đáng được tha thứ. Họ phải bị kết án, vì họ không nhận biết Thiên Chúa. Và vì thế như Đức Thánh Cha nói khi khai mạc tháng này “Chúng ta phạm tội bằng cách lơ là, nghĩa là chống lại sứ vụ được trao phó. Chúng ta phạm tội chống lại sứ vụ khi chúng ta chịu khuất phục trước thái độ chủ bại: “Tôi không thể làm điều này: Tôi không làm nổi đâu”… Chúng ta phạm tội chống lại sứ vụ khi chúng ta phàn nàn và cứ lải nhải rằng mọi thứ đang chuyển từ xấu đến tồi tệ hơn, trên thế giới và trong Giáo Hội. Chúng ta phạm tội chống lại sứ vụ khi chúng ta trở thành nô lệ cho những nỗi sợ khiến chúng ta bất động, …  bằng cách nghĩ rằng “mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi”. Chúng ta phạm tội chống lại sứ vụ khi chúng ta sống cuộc sống như một gánh nặng chứ không phải là một ân sủng, khi chúng ta đặt bản thân và những mối quan tâm của chúng ta ở vị thế trung tâm chứ không phải anh chị em của chúng ta

2.   Đó cũng là tâm trạng của các môn đệ khi từ “núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem”, họ sợ người Do Thái, họ đóng kín cửa chờ đợi lời Chúa hứa. Họ chỉ còn biết cầu nguyện. Cũng may họ có “bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su” ở giữa. Đức Maria là người cũng đã trải qua sự “bối rối” khi nghe sứ điệp của sứ thần, nhưng Mẹ đã mau mắn trình bày cho Sứ Thần hoàn cảnh cụ thể của Mẹ và được sứ thần loan báo chi tiết TÌNH YÊU THIÊN CHÚA dành cho Mẹ. Cách đặc biệt Mẹ hiểu Mẹ chỉ cần để Chúa Thánh Thần làm cho Mẹ mọi sự để hoàn thành sứ vụ, nên mẹ đã thưa lời “xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Do đó Đức Thánh Cha mới chỉ cho chúng ta “Bằng cách sống như những chứng nhân: hãy làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta như những người đã biết đến Chúa Giêsu. Chứng nhân là từ chủ yếu: đó là một từ có cùng gốc gác với từ “tử đạo”. Các vị tử đạo là các chứng nhân chính của đức tin: không phải bằng lời nói nhưng bằng chính cuộc sống của các ngài.” “bằng cách truyền bá an bình và niềm vui, bằng cách yêu thương mọi người, thậm chí là kẻ thù của mình, vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu.” Và Đức Thánh Cha khẩn khoản xin với hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh rằng Thiên Chúa “đang yêu cầu anh chị em không chỉ đơn giản là đi qua trong cuộc đời này, nhưng là cho đi cuộc sống; không phải là phàn nàn về cuộc sống, nhưng là để chia sẻ trong nước mắt của tất cả những người đau khổ. Hãy can đảm lên! Chúa mong đợi những điều tuyệt vời từ anh chị em.” Và đó là Truyền Giáo vậy theo gương Đức Maria Mân Côi.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C