KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

CHÚA NHẬT 29 TN 2019

 

 

Bài sách tiên tri Isaia được đọc trong Thánh Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo là một Kim Chỉ Nam cho mọi hoạt động Tông Đồ Truyền Giáo:

Trước hết mọi hoạt động truyền giáo phải bắt đầu từ chính bản thân “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra”, nhưng quan trọng là “sự sáng của ngươi” chính là “vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi”. Từ đó chúng ta phải tra vấn xem “vinh quang của Chúa” là gì và đến từ đâu.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan đã nói “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.” Lời của Chúa cho thấy vinh quang của Thiên Chúa đến trong GIỜ của Người. Đó là GIỜ Người chết trên Thánh Giá, chết vì YÊU THƯƠNG đem ơn Cứu Độ đến cho anh chị em mình. Thánh Irênê vì vậy mới có thể khẳng định “Vinh quang của Chúa là con người được sống”, vinh quang của Chúa được tỏ hiện khi ý muốn của Người như thánh Phaolô viết cho Timôthê “Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý” được hoàn tất trong việc Con của Người “đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người”.

Như vậy chỉ là hoạt động truyền giáo đích thực khi chúng ta để cho Tình Yêu Cứu Độ của Chúa Giêsu sáng lên trong chính bản thân mình. Nói cách khác khi chúng ta dám với lòng yêu mến “cùng chết với Người”.

Và khi làm được điều đó thì chính “Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi”, lý do đơn giản vì họ đang bị dìm trong “tối tăm … bao bọc địa cầu, và u minh phủ kín các dân” họ sẽ tìm đến nguồn sáng. Bản chất của tối tăm hay u minh chính là mọi thứ dục vọng cô lập con người trong cái tôi ích kỷ, độc tôn, độc ngã, coi mọi người khác chỉ là những bậc thang cho mình leo lên đỉnh vinh quang. Và cái tối tăm u minh đó hôm nay là nguồn gốc của mọi sự tàn phá gây ra bệnh tật, và chết chóc trên khắp mặt địa cầu này.

Do đó chúng ta được mời gọi “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! vì sự sáng của ngươi đã tới, và vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.” Hãy để cho ánh sáng vinh quang của Chúa, tình yêu cứu độ của Người bừng dậy nơi mình chúng ta : một cuộc sống làm chứng tá như Đức Giêsu đã “nên chứng tá trong thời của Người”, có nghĩa là “phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người” với tình yêu cho đến cùng. Chỉ khi đó chúng ta mới “có Chúa cùng hoạt động với”.

Nói cách khác, việc truyền giáo không phải là việc “đi rao giảng khắp nơi” nhưng cơ bản là việc dù ở đâu, đi đến đâu, chúng ta phải làm cho chính bản thân, cho gia đình, cho cộng đoàn trở thành “nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

Lịch sử hơn 2000 năm của Giáo Hội làm chứng thật rõ ràng : không phải những đền thờ nguy nga, không phải những phụng tự hoành tráng, không phải những cơ cấu tổ chức uy quyền đã đem lại bình an cho muôn dân, mà chính là những giòng máu tử đạo, những hy sinh chôn vùi mình trong sự cầu nguyện âm thầm, những tấm lòng biết cúi xuống chữa lành cho những cảnh đời bất hạnh, mới làm cho vinh quang của Thiên Chúa được “cầu nguyện, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn”.

Vậy phải nói thế nào về hoạt động truyền giáo vốn là ơn gọi, là sứ vụ chính yếu của người Kitô hữu nếu hoạt động ấy lại không mang trong mình bản chất của Mầu Nhiệm Thánh Thể. Vì đấy là GIỜ Thiên Chúa được tôn vinh, và là GIỜ con người cũng được tôn vinh. Phải nói rằng ĐÓN NHẬN VÀ SỐNG MẦU NHIỆM THÁNH THỂ người Kitô hữu mới hoàn tất cuộc đời của mình như là “chứng tá trong thời của” mình vậy.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C