GỢI Ý GIẢNG THỨ NĂM TUẦN THÁNH

(“Thầy là Thầy và là Chúa, mà còn…”)

Thánh lễ chiều nay nhắc nhớ đến nhiều sự kiện quan trọng: Đức Giêsu ưuu ái, thương riêng các môn đệ của mình, Ngài ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ trước khi giã từ họ/Ngài rửa chân cho các môn đệ/Ngài lập Bí tích Thánh Thể/Ngài quả cảm vâng ý Chúa Cha, dấn thân đương đầu và đón nhận sự ám hại của đối thủ.

Thế mà nhiều người trong chúng ta đều biết những hành vi, việc làm, lời nói nhất là những lời trối trăng của một người sắp qua đời có một tầm quan trọng đặc biệt. Nhất là trong trường hợp Đức Giêsu, Ngài không chỉ là một người thường, một người thầy hay người đứng đầu của các Tông Đồ, mà Ngài còn là chính Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, và là chính Thiên Chúa vô hình đã đến trần gian và đang hiện diện giữa nhân loại cũng như giữa nhóm Tông Đồ của Ngài.

Bởi đó, khi tham dự thánh lễ chiều nay, chẳng những chúng ta cần mở mắt xác thịt theo dõi những sự kiện trong thánh lễ, mà còn phải mở mắt tâm hồn và dùng tất cả trí khôn để nhớ về một Đức Giêsu là Thiên Chúa, để chiêm ngắm chính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đang làm một số việc, đang nói một số lời, đang thổ lộ những lời trối trăng, mà chúng ta biết và tin thật đó là những việc những lời của chính Thiên Chúa, để mà kinh ngạc, để mà sững sờ. Nếu suy nghĩ thật sâu xa, chúng ta sẽ thấy không thể nào tưởng tượng được, không thể nào ngờ được, bởi vì mọi điều Chúa làm đây thật quá lạ lùng.

Nếu suy nghĩ trong sự trầm ngâm và trong đức tin

  1. chúng ta phải vô cùng kinh ngạc và sung sướng vì thấy Đức Giêsu là Thiên Chúa mà có sự quan tâm, sự ưuu ái đối với nhóm môn đệ của Ngài cũng là đối với nhân loại chúng ta nói chung, đến nỗi phải nói là Ngài thương riêng, yêu riêng, các môn đệ và nhân loại chúng ta, giống như ngày xưa trong Ai cập, Thiên Chúa yêu riêng dân Do thái, tách riêng họ khỏi dân Ai cập và do đó truyền cho ông Môsê báo tin riêng cho một mình họ biết về ngày Thiên Chúa giải phóng họ, chỉ dẫn riêng cho họ cách chọn chiên, mổ chiên, không làm gẫy cái xương nào của con chiên, cũng như cách ăn chiên trong tư thế sẵn sàng nghe lệnh và lên đường ra khỏi Ai cập. Hiểu như thế chúng ta mới thấy sự thương riêng sự ưuu ái, tình thương xót thẳm sâu của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta thật quá đặc biệt.
  2. chúng ta phải quý trọng và nhớ kỹ những việc làm, những lời trối, những gương sáng Đức Giêsu để lại đến mức nào, cụ thể là về sự khiêm nhường và bác ái, như Chúa nói với các Tông Đồ: “ nếu Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy Chúa khiêm nhường và bác ái đến mức tuy là Thiên Chúa thật, Chúa đã quên mình hoàn toàn, đã từ bỏ cương vị Thiên Chúa của Mình mà cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ,  kể cả cho Giuđa kẻ sẽ phản nộp mình. Chúa đã khiêm nhường và bác ái đến nỗi bỏ mình, thí thân chịu chết treo trên thập giá. Chúa đã khiêm nhường và bác ái đến mức tuy là Thiên Chúa quyền năng, có thể biến bánh thành Mình Chúa, biến rượu thành Máu, nhưng Chúa đã chấp nhận ẩn mình thầm lặng tuyệt đối và đồng hành với nhân loại  cho đế tận thế trong bí tích Thánh Thể,  như Thiên Chúa hiện diện trong Hòm Bia Giao ước và keo sơn đồng hành với Dân chọn trong sa mạc ngày xưa, Chúa cũng chấp nhận mọi thái độ lẵng quên coi thường xúc phạm đối với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể.
  3. chúng ta phải quý trọng, đón nhận và sống Giao Ước mới mà lại cũng vì khiêm nhường và bác ái, Chúa biến mình nên con chiên tế hiến và đổ máu để ký kết.
  4. chúng ta phải quý trọng và đón nhận yêu mến hàng giáo sỹ là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục lình Mục mà Chúa đã đặt làm những đại diện của Ngài, để nối tiếp công việc của Ngài cách riêng để cử hành Bí Tích Thánh Thể mọi nơi và mọi ngày cho đến tận thế, vừa để thể hiện sự khiêm nhường thẳm sâu của Chúa, vừa để minh chứng lòng bác ái yêu thương của Chúa qua việc hiến ban Thịt Máu mình làm lương thực nuôi sống linh hồn con người.

Vậy thánh lễ chiều nay thật là một mầu nhiệm vô cùng cao cả, một Hồng Ân vô cùng lớn lao. Chúng ta hãy sâu xa biết ơn Đức Giêsu, Chúa chúng ta, hãy chúc tụng và kính thờ Ngài lát nữa lại đến với chúng ta trong mầu nhiệm bàn thờ, hãy kết hiệp với tâm tình Ngài trong lễ nghi linh mục rửa chân cho một số người đại diện cộng đoàn chúng ta để nhắc chúng ta sống tinh thân khiêm tốn và quảng đại phục vụ. Và cuối thánh lễ, chúng ta kết hiệp với Ngài khi linh mục kiệu Mình Thánh Chúa qua nhà tạm phụ, tưởng niệm lúc Ngài vâng ý Chúa Cha, lên đường đi vào cuộc khổ nạn để cứu độ nhân loại.

Antôn Trần Thế Phiệt

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C