GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT III PHỤC SINH, NĂM C

 

Như cây nến lớn được thắp bằng lửa mới lúc đầu thánh lễ tối thứ bảy Tuần Thánh và tỏa lan ánh sáng, xua tan bóng tối, Đức Giêsu Phục Sinh đã ngày càng chiếu tỏa ảnh hưởng của Ngài trong nhân loại và đẩy lùi đêm đen của tội lỗi, sự chết và trầm luân.

Sở dĩ được như thế, đó là nhờ tác động của Ngài nơi các tông đồ. Chính Ngài, sau ngày Phục Sinh, đã ngự trong tâm hồn các tông đồ, làm cho các ông trở nên bạo dạng và đầy nhiệt huyết truyền giáo. Theo đoạn sách Công vụ, thánh Phêrô và các bạn đã không lùi bước trong sứ mạng làm chứng của mình, tuy bị hàng lãnh đạo Do thái đe dọa, rồi ngăn cấm trong việc làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh. Thánh nhân thẳng thắn tuyên bố là mình không thể không loan báo về việc lạ lùng Thiên Chúa đã thực hiện là cho Đức Giêsu trổi dậy từ cõi chết. Người và các tông đồ khác chẳng những không run sợ, trái lại còn hân hoan vì phải chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Các ngài nhớ lại những gian khó mà chính Thầy Giêsu của mình đã từng trải qua khi rao giảng về nước trời cho bà con đồng hương của mình. Cụ thể là Ngài đã phải cay đắng và thất bại ngay tại quê nhà Nazaret của mình: nhiều bà con đồng hương của Ngài đã coi thường Ngài cũng như sứ điệp Ngài muốn giới thiệu với họ, thậm chí còn nghĩ đến chuyện ám hại Ngài, băng cách dẫn Ngài ra triền dóc ngoài làng với ý định xô Ngài xuống vực thẳm. Hoặc nhiều lần khác trông ba năm hoạt động công khai, Ngài đã bị nhóm Biệt phái luật sĩ và những bè nhóm khác càng lúc càng khó chịu và ác cảm với sự hiện diện, với lời rao giảng và các phép lạ của Ngài. Đến nỗi họ vượt lên trên những sung khác vốn có giữa họ, để huồ tập với nhau tìm cách loại trừ Ngài. Khi phải đương đầu với những khó khăn do đối thủ mình gây ra, các tông đồ càng ý thức mình đang được chia sẻ số phận gian khó khi trước của Thầy mình.

Bên cạnh thái độ dạn dĩ và can đảm vừa nói, các tông đồ còn là những con người đầy tinh thần truyền giáo. Câu chuyện về lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra bên bờ hồ Ti-bê-ri-a cho thánh Phêrô và sáu người bạn khác có lẽ ám chỉ đến bảy Hội Thánh đã hình thành tại miền Tiểu Á và gợi đến công cuộc truyền giáo của các tông đồ cũng như của các Hội Thánh đó. Sự kiện bảy tông đồ đánh lưới suốt đêm mà không bắt được con cá nào ám chỉ sự bất lực của con người trong việc truyền giáo: mặc dù đã có sự đồng tâm nhất trí giữa các ông, nhưng sự nhất trí đó vấn vô hiệu. Phải đến khi các tông đồ nghe theo hướng dẫn của Đức Giêsu Phục Sinh, các ông mới có một mẽ lưới đầy cá, gồm 153 con cá lớn nghĩa là tất cả mọi loại cá có trong biển cả, theo hiểu biết còn giới hạn của người thời đó.

Vậy chính do tác động và ơn huệ của Đấng Phục Sinh nơi các tông đồ của Ngài mà ảnh hưởng của Ngài ngày càng lan rộng và Hội Thánh của Chúa ngày càng lớn mạnh. Đến cuối thể kỷ thứ nhất, Hội Thánh Chúa đã ra khỏi biên giới nước Israel và có mặt ở các nước Địa Trung Hải, thậm chí đến tận Rôma thủ đô của đế quốc Rôma rộng lớn. Hội Thánh Chúa sẽ không chỉ có mặt và phát triển tại nhiều quốc gia, trên mặt địa cầu, mà đích điểm của Hội Thánh sẽ còn là một cộng đoàn huy hoàng và đông vô kể trên cõi trời. Sách Khải Huyền mô tả cảnh cõi trời thật tưng bừng và trang trọng: ức ức triệu triệu thiên thần, cũng như vô số những người được cứu độ, cùng với các vị Bô lão và bốn con vật quây quần trước ngai thiên Chúa uy linh và Con Chiên, tượng trưng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Lúc lúc, các thiên thần và cộng đoàn đông đảo lại sấp mình thờ lại Thiên Chúa và Con Chiên, dâng tiến lên các Ngài muôn lời ca ngợi chúc khen.

Nhìn lại Hội Thánh Đức Kitô từ những ngày đầu, chúng ta thán phục tác động của Chúa Phục Sinh và phần cộng tác đặc lực của các tông đồ, nhờ đó Hội Thánh đã ngày càng phát triển cho đến thời đại chúng ta. Gương sáng của các thánh tông đồ mời gọi chúng ta ý thức rằng mỗi người chúng ta hiện nay cũng đang được Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi trở nên cộng sự viên nhiệt thành của Người và dấn thân vào công cuộc mở mang Hội Thánh. Xin cho chúng ta biết sẵn sàng bước theo Đức Giêsu và các tông đồ, qua việc đón nhận những khó khăn và đắng cay của những người muốn làm chứng cho Đức Giêsu và phục vụ phần rỗi của anh chị em mình. Niềm vui lớn lao của Chúa Giêsu và các tông đồ – giống như niềm vui của người thợ gặt sau những tháng ngày vất vả, được chứng kiến thành quả tốt đẹp của mình – cũng sẽ là niềm vui của chúng ta.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C