Gợi Ý Giảng Lễ:  CN IV PS – C, 2016

 

          Trong ngày cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho các bậc chủ chăn đang hướng dẫn đoàn chiên, để các ngài luôn sáng suốt dẫn dắt đoàn chiên đi theo đường ngay nẻo chính. Chúng ta cũng cầu nguyện cho có thêm những chủ chăn sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên.

          Hình ảnh con chiên và đàn chiên với người mục tử là những hình ảnh bắt rễ sâu xa trong kinh nghiệm dân Israel, nên rất quen thuộc với Kinh Thánh. Người mục tử vừa là thủ lãnh, vừa là bạn đồng hành, một người hùng mạnh có sức bênh đỡ đoàn chiên chống lại ác thú (x. 1 Sm 17,34-37). Người mục tử lại tế nhị với chiên, biết lối sống của chúng (x. Cn 27,23), thích nghi với hoàn cảnh của chúng (x. St 33,13t). Quyền bính của mục tử được đặt trên nền tảng là sự tận tụy và yêu thương.

          Trong Cựu Ước, nếu Đức Chúa hầu như không bao giờ mang tước hiệu chủ chăn, thì vẫn có những lời mô tả những liên hệ giữa Người với dân Người bằng ngôn ngữ du mục. Thời Xuất Hành, “còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu, đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên” (Tv 79,52); “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11; x. Tv 81,2).

          Thiên Chúa đã giao phó đàn chiên Người cho các thủ lãnh như Môsê, Giôsuê, Đavít. Qua dòng lịch sử, đã có những chủ chăn bất trung với sứ mạng. Họ đã không tìm Đức Chúa (Gr 10,21), lại phản loạn chống lại Người (2,8), bỏ bê đàn chiên (Ed 34,3), khiến chiên phải tan tác (Gr 23,1t; Ed 34,1-10). Vì vậy, Đức Chúa tuyên bố Người sẽ lại làm chủ đàn chiên (Gr 23,2), tập trung chúng lại (Mk 4,6), dẫn chúng về (Gr 50,19) và gìn giữ chúng (Gr 31,10; Ed 34,11-12). Các ngôn sứ loan báo rằng sẽ có một Vị Mục Tử được Thiên Chúa phái đến làm công việc này.

          Vị Mục Tử đó chính là Đức Kitô, Người tự giới thiệu là “Vị Mục Tử tốt” trong TM Gioan, ch. 10. Người đã đến để đáp ứng lòng mong đợi của Israel. Ngay trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Người đã nhiều lần coi mình như chủ chăn được sai đến với các con chiên lạc của Israel (Mt 10,6; 15,24; Lc 19,10). Người quan trọng hơn cả Môsê, Người là “Vị Mục Tử tối cao” (1 Pr 5,4). Đức Giêsu xác định rất minh bạch: Người là Đấng Trung gian duy nhất, là “cửa” vào ràn chiên (Ga 10,7) và dẫn đàn chiên đến đồng cỏ (Ga 10,9). Một cuộc sống mới được xây dựng trên sự hiểu biết lẫn nhau (10,3.14). Chúng ta đi tới đỉnh của bình diện hiện sinh. Biết là yêu mến, yêu mến là chia sẻ tư tưởng và dự phóng của Chúa Cha. Và hôm nay chúng ta nghe Người khẳng định lần nữa: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Đức Giêsu biết các con chiên không phải với tư cách một Thiên Chúa thông suốt mọi sự, nhưng là với tấm lòng của một mục tử nhân lành yêu thương đàn chiên, săn sóc, lo lắng, nuôi dưỡng và bảo vệ đàn chiên. Biết con chiên như thế là biết các nhu cầu của đàn chiên. Tuy nhiên, lòng yêu thương âu yếm này đòi hỏi một sự hiểu biết hỗ tương: con chiên cũng phải biết chủ chăn, nhận ra tiếng của chủ chăn (x. Ga 10,3-4.14), “theo” chủ chăn (10,27), tức là làm theo, hành động như Người, sống nếp sống của Người. Và nếp sống của Đức Kitô Mục Tử mới làm cho ta e ngại làm sao! Đi theo Đức Kitô không dễ dàng gì, sống theo Chúa Kitô thật sự không thoải mái gì. Mỗi lần Người kêu gọi ai đi theo Người thì đồng thời Người bảo họ từ bỏ mọi của cải, từ bỏ đến cả bản thân, rồi vác thập giá mỗi ngày mà theo Người (x. Mt 16,24). Như vậy, đi theo Chúa Kitô là tự do quyết định đi ngược lại những khuynh hướng tự nhiên vị kỷ thấp hèn của mình. Một công việc lột xác rất đau đớn! Thế mà đó lại là con đường mà con chiên Chúa Kitô phải theo. Tuy nhiên, nếu sẵn sàng khép mình vào “con đường Giêsu” này, chúng ta sẽ được sống và sống dồi dào, vì nhận được sự sống của chính Người: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (10,28). Mà bởi vì tình thương hỗ tương ấy dựa trên tình thương liên kết Cha và Con (10,30), nên rất bền vững: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (10,29).

          Khi đó yêu mến, “biết”, và bước theo Vị Mục Tử cũng là sống đời sống mới Đức Giêsu mang lại cho chúng ta bên kia cái chết, bên kia mọi cái chết. Đức Chúa Phục Sinh đang hiện diện ở giữa chúng ta và ở giữa mọi nỗ lực của chúng ta để làm cho thế giới này hạnh phúc hơn, bởi vì có Người hiện diện.

          Thánh lễ chúng ta cử hành chính là cử chỉ của Vị Mục Tử nhân lành tự hiến mình và tạo ra một thế giới có loại quan hệ mới, dựa trên việc tự hiến, dựa trên việc phục vụ lẫn nhau.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C