GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM C (2016)

Sau khi Đức Giêsu sống lại, về trời và thiết lập Hội Thánh, Tin Mừng và ơn cứu độ của Người ngày càng lan rộng.

Chúa nhật trước, Lời Chúa đã cho chúng ta thấy hoạt động làm chứng và truyền giáo của thánh Phêrô và nhóm Tông đồ của Đức Giêsu. Nhờ các ngài, can đảm làm chứng,  Đức Giêsu đã được nhiều người trong Dân chọn biết đến và nhờ hoạt động truyền giáo của các Ngài, Hội Thánh đã phát triển tại các nước Tiểu Á chung quanh Địa trung hải.

Hôm nay, qua các bài đọc, chúng ta được gặp một lớp sứ giả mới của Chúa: đó là lớp môn đệ của các Tông đồ. Nhờ nhóm kế thừa này, công việc của các Tông đồ  được tiếp tục, Tin Mừng được loan báo cho cả Dân Ngoại. Vì do lòng ưu ái và kế  hoặch của Thiên Chúa, dân Do thái là dân được kén chọn cách đặc biệt giữa muôn dân và là Dân được đón nhận Đấng Thiên sai và ơn cứu độ của Người trước mọi dân tộc khác chính Đức Giêsu, trong ba năm hoạt động công khai, đã chỉ đi lại rao giảng bên trong nước Israel. Người cũng dặn nhóm Tông đồ của mình đi đâu cũng ưu tiên loan báo về Nước Trời cho bà con đồng hương Do thái của mình. Đến nỗi, có vẻ những hồng ân của Thiên Chúa chỉ được dành riêng cho dân Do thái là con cái của Thiên Chúa, họa hiếm Dân Ngoại mới được hưởng.

Thế nhưng, khi đi rao giảng các Tông Đồ ngày càng đụng đầu với thái độ cứng cõi và thù nghịch của người Do thái đối với Tin Mừng. Đó là một nỗi đắng cay và một sự thất bại cho các Tông Đồ, đến nỗi thánh Phaolô phải đau lòng tuyên bố là họ đã để mất diễm phúc của mình và tự làm cho mình không còn xứng đáng hưởng sự sống đời đời, đồng thời Tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa từ nay được ban cho Dân Ngoại.

Từ thực tế đó, nhân loại sẽ gồm hai thành phần: một nhóm tin nhận Đức Giêsu và một nhóm không tin nhận. Trước mắt Đức Giêsu sẽ có hai hạng người, giống như hình ảnh hai nhóm con chiên: một nhóm chiên thuộc về Người, tức là những kẻ biết đón nhận Tin Mừng, biết nghe lời Người và đi theo Người – một nhóm ở ngoài ràn chiên của Người, tức là những người không tin nhận Người, không chấp nhận giáo huấn của Người và đi theo một đường lối khác.

Có lẽ thực trạng đó sẽ còn tồn tại cho đến tận thế, nghĩa là cho đến ngày, như đoạn sách Khải huyền mô tả đoàn người được cứu rỗi sẽ hân hoan tề tựu trên cõi trời, trước ngai Thiên Chúa và trước Chiên Con tức là Đức Giêsu Phục Sinh.

Số người nhiều ít hay tỉ lệ giữa hai nhóm vừa nói – nhóm thuộc về Chúa Giêsu và nhóm không thuộc về Người – sẽ do tác động của Chúa và cũng là nhiệm vụ của các kẻ tin trong Hội Thánh. Người ta làm cho nhóm của Đức Giêsu ngày càng đông số hơn bằng hai cách: một là mỗi Kytô hữu cố gắng có một đời sống đạo đức, can cường chống lại tội lỗi và các tiêu cực, trung thành với đức tin, để cuối cùng nên giống những người vẽ vang chiến thắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Cách thứ hai là các cá nhân đáp lại ơn gọi Chúa ban và dấn thân trong đời tu, hoặc bậc phụ huynh trong các gia đình dâng con làm tu sĩ hay linh mục cho Chúa, qua việc động viên con em mình mở lòng đón nhận tiếng gọi của Chúa, giáo dục cho con em có các đức tính nhân bản, có tinh thần quảng đại, hy sinh, chịu khó, có lòng đạo đức, nghĩa là chuẩn bị cho con em mình sẵn sàng trước đời sống tu trì một đời sống cao cả nhưng sẽ có nhiều đòi hỏi và thử thách.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C