Gợi Ý Giảng Lễ

CN 5 PS – C (2016)

Đường đời có muôn vạn nẻo đi. Người ta thường than thở là không biết chọn con đường nào. Là Kitô hữu, chúng ta không phải bối rối tìm một con đường. Đức Kitô đã đi trước, con đường Người đã đi sẽ là con đường chúng ta theo. Nhưng là con đường nào?

Chúng ta nhớ lại quang cảnh Bữa Tiệc Ly. Khi Giuđa vừa đi ra, Đức Giêsu tuyên bố ngay, y như thể việc Giuđa đi ra là dấu hiệu loan báo một điều quan trọng: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31). Theo ngôn ngữ đời thường, “được tôn vinh”, hay “có vinh quang” là được giàu sang, hùng mạnh, danh tiếng; nhưng theo Kinh Thánh, “vinh quang” là chính phẩm chất của con người, trọng lượng, uy tín. Theo nghĩa này, “vinh quang tối cao”, nền móng của mọi vinh quang, chỉ thuộc về Thiên Chúa và Ngài thông ban cho ai tùy Ngài. Mỗi người, nhờ thuộc về Thiên Chúa khi thực hiện chương trình của Ngài về mình, thì đưa lại giá trị cho chính mình, thì lớn lên trong vinh quang.

Đức Giêsu sẽ bị bắt, bị xử tử đau đớn và nhục nhã trên thập giá, nhưng Người vẫn nói được là “Con Người được tôn vinh”, vì Người biết đó là dự định của Chúa Cha, và Người sẽ đi đến cùng. Khi sáng suốt chấp nhận cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha nơi chính bản thân Người, vì biết Chúa Cha, Đấng là Tình Yêu, đã quyết định rằng Người sẽ chịu đau khổ để kéo mọi người đến cùng Cha. Và Cha sẽ tôn vinh Người bằng việc cho Người sống lại.

Bây giờ, chúng ta chưa theo Người được, nhưng Người vạch ra một lối đi cho chúng ta, đó là chúng ta hãy yêu thương nhau, như Người đã yêu thương chúng ta. Đây không phải là một tình cảm thường tình, mà là tình yêu siêu nhiên. Yêu thương anh chị em cách siêu nhiên không phải là yêu một cách lạnh lùng, từ xa, “để lập công”, mà là yêu với cả tâm hồn, không phải vì họ đáng yêu, duyên dáng, tốt lành, nhưng bởi vì họ là một chi thể quý báu của Đức Giêsu Kitô, là một người con được Thiên Chúa yêu thương, một người anh em cũng đã được gột rửa trong máu Đức Giêsu.

Trong một thế giới đầy ích kỷ, trong đó người ta chỉ chạy theo tiền bạc, bóc lột kẻ yếu, thì Kitô hữu phải làm sáng lên như một ngọn đuốc lớn tình yêu đối với người anh em, lòng trắc ẩn đối với người yếu đuối và khốn cực, lòng dịu dàng và tha thứ đối với những kẻ thù. Kitô hữu phải biết hy sinh cho anh chị em, như thánh Phaolô đã nêu gương.

Phaolô không quản ngại gian nan, khi đi đem Tin Mừng đến cho dân ngoại. Ngài cũng hiểu rằng mình cứ đi gieo Tin Mừng, còn hạt giống nảy mầm khi nào thì tùy Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới là Đấng sẽ mở lòng dân ngoại ra với đức tin. Để trung thành với đức tin và sứ mạng đã lãnh nhận, cộng đoàn sơ khai cũng phải trải qua gian truân thử thách, phải đi qua con đường thập giá.

Phải chăng Kitô giáo là một tôn giáo quá sầu thảm? Không! Chúng ta hoan lạc trong hy vọng, kiên trì trong thử thách, là để đạt tới phục sinh vinh quang. Thánh Gioan đã thấy niềm hy vọng của chúng ta thành tựu vào Ngày Chúa quang lâm, mà ngài diễn tả bằng hình ảnh “một trời mới và một đất mới”, “thành Giêrusalem mới”, và “tân nương”. Bởi vì các Kitô hữu đã hợp cùng đau khổ của Đức Kitô, họ đã được thanh luyện, nên đã xứng đáng có Đức Kitô ở mãi với, xứng đáng là con Thiên Chúa.

Trong thánh lễ này, chúng ta cùng hiệp thông vào mầu nhiệm Khổ Nạn của Đức Kitô, và cùng “tuyên xưng Chúa sống lại”, để mọi người có thể thấy được niềm vui rạng rỡ, và vinh quang chiếu soi trong tâm hồn, trong cộng đoàn chúng ta. Rồi tiến đi sống bác ái. Chính nếp sống bác ái sẽ chứng tỏ người môn đệ chân chính của Đức Kitô và lôi kéo mọi người đến với Đức Kitô. Vì cuối cùng chỉ có tình yêu mới có thể xây dựng được quê hương huynh đệ mà nhân loại ước mơ.

 

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C