GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM C

(2016)

“Hỡi anh là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh một ít lâu nữa thôi”: lời tâm sự này của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly với các tông đồ mà đoạn Tin Mừng vừa ghi lại cho thấy giờ khác chia tay đã thấp thoáng và cận kề. Chúa Giêsu và các môn đệ thân thiết của Người sắp đến lúc chẳng còn được sống bên nhau như trước nữa. Cuộc chia ly sẽ gồm hai đợt: đợt đầu tiên là lúc Đức Giêsu đi vào cuộc khổ nạn để thực hiện việc Cứu Thế và đợt thứ hai là khi Người về trời với Đức Chúa Cha.

Khi Người về trời, chấm dứt thời gian hiện diện cách hữu hình bên các môn đệ, Người mong muốn những gì? Theo đoạn sách Công Vụ, Người mong muốn Hội Thánh mà Người thiết lập được quy củ, trật tự, thánh thiện và nên hiện thân của Thành Thánh Giêrusalem trên Trời.

Trước hết Hội Thánh của Chúa cũng là một cơ chế xã hội như nhiều cơ chế khác. Bởi đó Hội Thánh cũng phải được tổ chức cho có nề nếp và tôn ti trật tự. Chính vì mục đích đó, sau khi đón nhận và quy tụ những người đã chấp nhận Tin Mừng và gia nhập cộng đoàn những kẻ tin, thánh Phaolô và thánh Banaba thường lui tới nhiều lần để thăm viếng các cộng đoàn tín hữu mà các Ngài đã thiết lập ở nơi này nơi kia, để cũng cố đức tin của họ, để gầy tạo sự liên kết huynh đệ giữa họ với các cộng đoàn khác, nhất là để chọn lựa những tín hữu xứng đáng tại mỗi địa phương, đạt họ làm người thay mặt các Ngài coi sóc và hưởng dẫn cộng đoàn. Cách thức làm việc này của các Ngài sẽ được tiếp tục áp dụng sau đó một cách ngày càng hoàn hảo hơn, như lịch sử Hội Thánh cho thấy. Cụ thể là đã từ rất lâu cho đến thời chúng ta hiện nay tổ chức của Hội Thánh đã gồm vị đứng đầu là Đức Giáo Hoàng, người kế vị thánh Phêrô, rồi ớ mỗi giáo phận có một Đức Giáo Mục, ở mỗi giáo xứ có một linh mục quản xứ và một hội đồng giáo xứ, giống như thời đầu các tông đồ đã đặt những vị kỳ mục ở mỗi địa phương.

Mong muốn thứ hai của Đức Giêsu là Hội Thánh trở nên hiện thân của thành Giêrusalem trên trời. Người ta có thể hiểu thị kiến của thánh Gioan theo nghĩa Hội Thánh dưới đất chính là thành Giêrusalem trên trời đã được đưa xuống cõi thế, trở thành đền thờ nơi Thiên Chúa ngự giữa nhân loại và diễm lệ như cô dâu được trang điểm để đón chàng rể là Đức Kitô. Và người ta cũng có thể hiểu thị kiến của thánh Gioan theo nghĩa Đền thờ trên trời được đưa xuống cõi đất và từ đền thờ ấy, phát sinh các thánh đường được xây dựng tại rất nhiều nơi trên thế giới và cũng được trở thành những nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con cái mình là các cộng đoàn tín hữu. Về điểm này, ta thấy rất nhiều thánh đường được xây dựng thật nguy nga, tráng lệ, trở thành dấu chỉ tỏ tường của đạo chúng ta.

Thế nhưng những tổ chức quy củ và những thánh đường lộng lẫy của Hội Thánh chưa hản là mong muốn chính yếu nhất của Đức Giêsu. Dĩ nhiên những tổ chức và những thánh đường hữu hình là cần thiết, nhưng điều sâu xa nhất làm nên giáo hội của Chúa lại chính là tình thương mến trong cộng đoàn kẻ tin, như Đức Giêsu nhắn nhủ “anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em”. Chính tình mến ấy là yếu tố chính cho thấy Đức Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện, mặc dù người đang vắng mặt, không còn hiện diện hữu hình bên các môn đệ và các kẻ tin của Người. Đó cũng chính là điểm giúp mọi người phải nhận ra các kẻ tin là những môn đệ đích thực của Đức Giêsu.

Có điều chúng ta phải xác định ngay rằng việc “yêu thương nhau mà Đức Giêsu nói ở đây không chỉ là loại tình thương mến ở mức thông thường và hơi mơ hồ như ta vẫn thường hiểu. Vì nếu chỉ có như thế, biết bao người trong nhân loại và mọi tín đồ trong các tôn giáo khác đều có thứ tình mến ấy và tình mến như thế cũng là bằng chứng họ thuộc một tôn giáo. Thế nhưng Đức Giêsu đã nhấn mạnh “yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em”, nghĩa là yêu thương cách cụ thể và tột mức như chính người nêu gương trong bữa tiệc ly và trong cả đời sống của người: đó là khiêm nhường, bỏ mình, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, ban Thịt Máu Mình là lương thực nuôi họ, hy sinh mạng sống, chịu chết treo trên thập giá, thể hiện chính tình thương tuyệt đối của Thiên Chúa.  

Lời nhắn nhủ có tính cách một lời trối trăng này của Đức Giêsu luôn mời gọi mọi thành phần trong Hội Thánh Chúa kiểm điểm và điều chỉnh không ngừng lối sống hằng ngày của mình, nếu mình muốn là môn đệ đích thực của Đức Giêsu và là con cái dấu yêu của Thiên Chúa.

Đồng thời lời nhắn nhủ đó cũng nhắc nhở ta luôn xác tín rằng các cộng đoàn tín hữu chúng ta không hấp dẫn anh em ngoài đạo qua cách tổ chức hay qua các cơ sở bề thế, mà chủ yếu qua chính đời sống đầy tình bác ái và nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô,Đấng yêu thương tuyệt đối và hy sinh tất cả vì Tình Yêu đối với nhân loại.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C