GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C (2016)

Nhờ tác động của Đấng Phục Sinh và Chúa Thánh Thần, Hội Thánh Chúa đã phát triển thêm một đợt nữa: Dân Ngoại đón nhận Tin Mừng và gia nhập Hội Thánh. Sự kiện này vừa là một niềm phấn khởi sâu xa cho các Tông đồ vừa tạo ra một sự va chạm giữa  cộng đoàn đã có và nhóm người mới gia nhập. Bởi lẽ các Kitô hữu gốc Do thái từng sống theo lề luật Môsê và từng chịu phép cắt bì không chấp nhận tình trạng khác biệt của những anh em gốc dân ngoại, là những người không cắt bì.

Đối với tín hữu gốc Do thái, cắt bì là một điều kiện không thể thiếu để được thuộc về Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ họ không thể quan niệm kẻ tin Thiên Chúa và kẻ đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô lại không tuân giữ truyền thống ngàn đời của Dân Chọn. Phản ứng gay gắt này của khá nhiều người trong  nhóm tín hữu gốc Do thái đã khiến các nhà truyền giáo tại chỗ, như Phaolô và Banaba, phải suy nghĩ. Hai Ngài và một số đại diện của địa phương Antiôkia đã lên Giêrusalem trình bầy vấn đề với Phêrô và những tông đồ đang lãnh đạo Hội Thánh.

Hẳn là nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, hội nghị và tranh luận giữa các Tông đồ đã giúp các Tông đồ hiểu ra là sở dĩ nhóm Dân Ngoại đang ngỏ ý gia nhập Hội Thánh chính là vì Thiên Chúa đang lôi kéo họ và các ngài hiểu ra là Thiên Chúa vẫn từng yêu thương họ, cũng như yêu thương và muốn cứu độ mọi người, đồng thời chính niềm tin của họ trong tôn giáo riêng của họ đã chứa đựng một số mạc khải của Chúa và  là những sự chuẩn bị chờ đón mạc khải toàn vẹn của Thiên Chúa tuy không thuộc dân Do thái và chưa chịu phép cắt bì, họ cũng ở trong điều kiện thuận lợi để nhận ơn cứu độ. Đạo mà Chúa Kitô thiết lập và các Kitô hữu đang sống theo không tiêu diệt các tin ngưỡng khác, mà chỉ điều chỉnh, và bổ túc cho các tín ngưỡng đó. Bởi vậy hội nghị của các tông đồ tại Giêrusalem cho rằng để được hưởng ơn cứu độ anh em Dân Ngoại không bắt buộc phải chịu phép cắt bì, vì cắt bì không phải là điều kiện không thể thiếu, nghĩa là buộc phải có. Chính vì thế khi Phaolô và Banaba về lại với anh em dân ngoại, các tông đồ chỉ nhờ các ngài yêu cầu anh em gốc Dân Ngoại tuân giữ một số điều cần thiết.

Như thế, nhờ  sự hưởng dẫn của Đấng Phục Sinh và Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã có thái độ cởi mở và cảm thông với những anh em đang muốn gia nhập Đạo thánh. Nhờ sự kiện này và các  sự kiện tiếp theo sau đó nữa, một khi đã có  thái độ cởi mở và thức thời của các Tông đồ, số các tín hữu ngày càng gia tăng.

Thế nhưng số lượng đông hay ít các tín hữu không quan trọng cho bằng tinh thần sống của họ. Đó chính là điều Đức Giêsu muốn nhẫn mạnh. Theo bài Tin Mừng, Đức Giêsu mong muốn môn đệ của Ngài là những kẻ biết giữ lời Ngài, vì xác tín lời Ngài là lời của chính Thiên Chúa, đồng thời họ cũng luôn biết bám chặt vào Ngài, để trong mọi cảnh huống gian khó hay yên ổn, họ luôn được bình an sâu xa, như chính Ngài giữa lúc đối diện với cuộc thương khó cận kề, vẫn bình tâm thanh thản, vì biết có Thiên Chúa Cha đang ở với Ngài.

Chúng ta cầu xin Chúa cho ngày càng có nhiều người nhận biết Tin Mừng của Chúa và đi vào Hội Thánh. Ta biết rằng Hội Thánh không bao giờ thiếu chỗ cho ai, nhưng có thể đón nhận muôn muôn người. Thị kiến của tác giả sách Khải Huyền cũng gợi đến Hội Thánh theo Thánh Gioan, Thành Thánh Giêrusalem mà Người trông thấy khi xuất thần là một Thành cực kỳ rộng lớn diễm lệ, mỗi hướng đông, tây, nam, bắc có ba cửa, Thành được xây trên 12 nền móng tượng trưng cho 12 Tông đồ là hình ảnh Hội Thánh Chúa luôn mở ngỏ cho tứ phương thiên hạ, cho muôn dân và bất kỳ ai chấp nhận đi vào cũng sẽ lãnh nhận được ơn cứu độ dồi dào từ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C