GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Lễ chính ngày

Theo suy nghĩ của rất nhiều người, Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng bí ẩn và khó hiểu. Người có vẻ hoàn toàn vô hình và có vẻ im tiếng. Người khác hẳn với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Bởi vì Đức Chúa Cha, tuy cũng là Đấng Thiêng Liêng và vô hình, không bao giờ có ai được trông thấy, nhưng Người đã mạc khải mình bằng nhiều cách như: tạo dựng vũ trụ bao la hùng vĩ, với ức ức triệu triệu giải ngân hà, người đã tạo dựng nhân loại và muôn loài trên trái đất, Người đã kén chọn tổ phụ Araham để gây dựng Dân Chọn Israel cũng như hướng dẫn tất cả lịch sử dân ấy, Người đã sai gởi Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô vào trần gian để thực hiện việc cứu chuộc cả nhân loại.

Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, cũng chính là Ngôi Lời trong Thiên Chúa đã mạc khải mình bằng lời nói: Ngài nói cho nhân loại biết về Đức Chúa Cha, về chính Ngài, về Chúa Thánh Thần, về nước trời, về ơn cứu độ. Ngài cũng mạc khải mình qua các phép lạ và qua chính đời sống, cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài.

Về Phần Chúa Thánh Thần, không phải Người là Đấng hoàn toàn im tiếng hoặc “vô ngôn” nghĩa là không có lời nói, không lên tiếng. Người cũng tỏ mình qua cách của Người: Người là Quyền Năng và tình mến bởi đó, Người đã luôn luôn hiện diện trong Đức Chúa Cha. Có thể nói, sở dĩ Đức Chúa Cha tạo dựng vũ trụ bao la và nhân loại cũng như muôn loài, chính là bởi quyền năng và tình mến là Chúa Thánh Thần. Đức Chúa Cha gầy dựng Dân chọn và điều khiển tất cả lịch sử  của họ là nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Đức Chúa Cha thực hiện công trình cứu độ là nhờ tình mến đối với nhân loại và quyền năng Chúa Thánh Thần Tất cả cuộc sống trên cõi trời bên cạnh Chúa Cha và trên dương thế, với tư cách Ngôi Hai nhập thể cũng đều do Chúa Thánh Thần, Đấng là tình mến và quyền năng. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Ngôi Hai đời đời là Con chí hiếu của Đức Chúa Cha, làm cho Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, hoàn toàn sống vì Chúa Cha và vì nhân loại, cũng như làm các phép lạ, rao giảng nước trời và hy sinh chịu chết vì nhân loại. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Ngài chỗi dậy từ cõi chết và lên trời, về lại với Đức Chúa Cha. Cũng chính Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh của Chúa Kitô hình thành và phát triển. Chính Người là linh hồn của Hội Thánh và hiện diện tác động nơi mọi phần tử của Hội Thánh.

Các bài Kinh Thánh trong thánh lễ hôm nay gợi đến những biểu hiện của Chúa Thánh Thần là hơi thở, làn gió mạnh, là những lưỡi lửa đậu trên đầu Đức Mẹ và các tông đồ trong phòng tiệc li, là những ân sủng đa dạng và phong phú trong các phần tử của Hội Thánh.

Hơi thở và làn gió gợi đến cuộc tạo dựng Thiên Chúa đã thực hiện lúc khởi nguyên của vũ trụ và của nhân loại. Với việc Chúa Giêsu phục sinh thổi hơi trên các tông đồ, Thiên Chúa đã thực hiện cuộc tạo dựng thứ hai, để có một nhân loại mới với những con người có trái tim đầy tình mến, được tượng trưng bởi những ngọn lửa nồng cháy.

Làn gió mạnh vừa gợi đến cuộc tạo dựng, cuộc xuất hành ngày xưa, vừa tỏ lộ tác động của Chúa Thánh Thần là mở toang Hội Thánh cho thế giới, là đẩy các tông đồ của Đức Giêsu ra khỏi tình trạng khép kín, co cụm, sợ hãi, để như những cánh chim tung bay khắp mọi phương trời, loan báo cho muôn dân biết Tin Mừng cứu độ.

Ân sủng đa dạng và phong phú diễn tả sự chiếm ngự các tâm hồn và hoạt động muôn hình vạn trạng, đắp ứng với mọi cảnh huống và đòi hỏi của đời sống.

Lễ hiện xuống là lễ cuối cùng của Mùa Phục Sinh. Điều này muốn cho thấy Chúa Thánh Thần là Ơn Huệ cao vời và quý giá nhất mà Chúa Cha và Chúa Giêsu ban phú cho loài người. Nhận được Chúa Thánh Thần là con người chúng ta có mọi sự: chúng ta có điều kiện trở nên những tạo vật mới, có điều kiện nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, người con yêu dấu của Đức Chúa Cha, mọi lúc nồng nàn yêu mến Đức Chúa Cha và làm đẹp lòng Người. Nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn và đời sống, chúng ta trở nên những con người được cứu độ, thoát khỏi ma quỷ, tội lỗi và sự đọa đầy, chúng ta cũng trở nên những chứng nhân của nước trời, góp phần với Chúa Thánh Thần trong việc đổi mới trần gian, thánh hóa và cứu độ nhân loại.

Trong ngày lễ hân hoan hôm nay, chúng ta thiết tha cảm tạ tình thương của Chúa Cha và chân thành yêu mến, mật thiết gắn bó với Chúa Thánh Thần, Đấng đầy tình thương và quyền năng, có thể làm nên mọi điều kỳ diệu cho chúng ta.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C