GỢI Ý GIẢNG LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA  NĂM C

Chiều thứ năm Tuần Thánh, Giáo Hội chúng ta đã cử hành và tưởng niệm bữa tiệc ly của Chúa Giêsu, nhắc nhớ lại việc Chúa rửa chân cho các tông đồ, lập Bí Tích Thánh Thể và đi vào cuộc Khổ nạn. Hôm đó, chúng ta chưa có điều kiện suy niệm lâu về bí tích Thánh Thể. Bởi đó, hôm nay Giáo Hội cử hành lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, như để chiếm ngắm và suy niệm bí tích Thánh Thể một cách đặc biệt.

Bí Tích này là một mầu nhiệm rất lớn lao trong đạo chúng ta, và cũng là mầu nhiệm chúng ta hiểu biết được một cách sâu xắc nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Đây cũng là mầu nhiệm trung tâm của niềm tin và  đời sống Kitô hữu và chứa đựng nhiều ý nghĩa.

Trước khi Đức Giêsu thiết lập bí tích này trong bữa tiệc ly, đã có những sự kiện báo trước và chuẩn bị. Ví dụ sự kiện xảy ra ngay lúc đầu lịch sử dân Do Thái: Tổ phụ Abraham của họ, từ chiến trường trở về, đã gặp vua thành Sa-lem là Men-ki-xê-đê, cũng là vị tư tế tối cao của Thiên Chúa. Vị tư tế này đã chúc phúc cho Abraham và được Abraham biếu một phần mười chiến lợi phẩm mình đã đoạt được sau khi thắng trận. Hoặc sự kiện Giavê giao ước với dân Israel ở Si-na-i, đồng thời ban 10 giới răn được ghi khác trên hai bia đá. Hai bia đá này được Môsê đặt trong Hòm Bia giao ước và đi đến đâu trong sa mạc, Dân cũng khiêng Hòm Bia đi theo với mình. Nhất là phép lạ Đức Giêsu làm cho năm cái bánh và hai con cá hóa ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn người được no nê, như bài Tin Mừng vừa tường thuật.

Những sự kiện vừa kể và một số sự kiện khác như mana Thiên Chúa ban để nuôi sống dân Do Thái trong sa mạc, chuẩn bị cho sự kiện trọng đại trong bữa tối cuối cùng của Đức Giêsu, trước khi Ngài đi chịu chết.

Suy nghĩ về Bí tích này, chúng ta thấy Thánh Thể là sáng kiến kỳ diệu của Chúa. Bí tích này cho thấy quyền năng cao vời và tình thương lớn lao của Chúa: Ngài biến bánh thành Mình Ngài, biến rượu thành Máu Ngài, để có thần lương nuôi sống linh hồn ta và để có Giao Uớc Mới. Bí tích này thể hiện tình thương lớn lao của Chúa, vì Ngài quan tâm đến các môn đệ và đoàn con cái của mình, những kẻ sẽ có cảm tưởng bơ vơ lạc lỏng sau khi Thầy của mình ra đi.

Bí tích Thánh Thể sẽ mãi mãi kéo dài sự hiện diện của Đức Giêsu, Đấng sẽ luôn gắn bó mật thiết và đồng hành với đoàn con cái, như xưa kia Thiên Chúa có mặt mọi lúc nơi Hòm Bia Giao Ước và đồng hành với dân Do Thái trên mọi nẻo đường sa mạc, để hướng dẫn, bảo vệ, trấn an họ.

Càng suy nghĩ về bí tích Thánh Thể, ta càng thấy nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa:

-          Thánh Thể là bí tích trong đó Chúa Giêsu thật sự hiện diện. Ngài hiện diện với tư cách Đấng Cứu tinh đã khải hoàn, với tư cách là vị lãnh đạo dân mới tức là Hội Thánh, với tư cách là Đấng chăn chiên lành mọi lúc săn sóc, bảo vệ đoàn chiên là các kẻ tin, với tư cách là hiện thân của Nước Trời, là Ngai tòa Cha ngự giá, cai trị cả vũ hoàn.

-          Thánh Thể cũng là nơi Đức Giêsu hiện diện để chứng tỏ Ngày vui Cánh chung đã đến, lúc cùng với Chúa Cha, Ngài  trị vì làm Vua các Vua và thiết lập Nước Trời thiên thu vững vàng, đồng thời cũng là lúc Ngài tiếp tục cứu độ những người con chưa thoát khỏi tội lỗi và đọa đầy.

-          Cuối cùng, nói Đức Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể cũng là nói Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đang mọi lúc cùng hiện diện với Ngài.

Bởi đó bí tích Thánh Thể là nền tảng và trung tâm của đời sống Kitô giáo chúng ta. Các tín hữu đến cùng Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ nhận lãnh được mọi ơn đáp ứng các nhu cầu khác nhau của mình, giống như ngày xưa người Do Thái ăn mana Thiên Chúa ban trong sa mạc có thể hưởng nếm những mùi vị mà mình thích được hưởng nếm, vì mana lúc đó  là thứ bánh Thiên Chúa làm cho “có đủ mọi mùi thơm ngon”.

Từ khi được Đức Giêsu thiết lập trong bữa tiệc ly,  bí tích Thánh Thể đã tồn tại và nuôi sống Giáo Hội từ thế hệ này đến thế hệ kia, đã hiện tại hóa bữa tiệc ly và sự hiện diện, cũng như tình thương của Ngài. Nghĩa là mỗi thánh lễ mà một hay nhiều linh mục cử hành đều làm cho giờ khắc Đức Giêsu thiết lập Bí Tích đó trở nên hiện tại trong chính lúc thánh lễ ấy được cử hành, chẳng những do việc chính các lời Đức Giêsu đọc trên tấm bánh và chén rượu được lập lại, mà còn vì chính lúc đó Chúa Giêsu đang được hiện thân nơi linh mục, là kẻ đang đọc những lời những lời truyền phép của Chúa Giêsu. Do đó, mỗi lần cử hành thánh lễ là Giáo Hội lại công bố Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa với loài người, và thực hiện lời căn dạn của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly “anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” đồng thời loan truyền cuộc Khổ nạn và Phục sịnh của Ngài, trong niềm mong chờ Ngày Cánh Chung, lúc Ngài lại đến.

Hơn lễ nào hết, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt tất cả chú ý vào một công trình kỳ diệu và tuyệt vời của Chúa, để chúng ta cảm tạ tình thương, sự quan tâm, lòng ưu ái của Chúa đối với chúng ta, và thiết tha xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được thêm sự hiểu biết và lòng mộ mến đối với Bí Tích kỳ diệu này.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C