Gợi Ý Giảng Lễ

CN 10 TN – C

 

Bà Mẹ Nain

 

          “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương” (Lc 7,13). Hai đoàn người đi ngược chiều, tưởng chừng không gặp nhau, lại gặp nhau, chỉ vì “Chúa chạnh lòng thương”. Rồi phép lạ chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng đã xảy ra vì Đức Giêsu động lòng trắc ẩn trước nỗi đau đớn của người quả phụ mất đưa con trai duy nhất. Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng Người đến để đưa lại sự bình an và niềm vui. Đấng Mêsia của Thiên Chúa đến khai mạc một kỷ nguyên mới. như thánh Phaolô đã nói trong thư gửi ông Titô: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người” (Tt 3,4).

          Con Thiên Chúa không thể dửng dưng trước những nỗi khốn quẫn của nhân loại (Hr 4,15-16). Nếu các phép lạ, nhất là một phép lạ cho người chết sống lại, diễn tả một cách cao độ và đặc biệt nhất sự can thiệp nhân lành của Chúa, thì chúng ta có thể tin rằng Người sẽ không để các con tim sầu khổ vì tang tóc hay chìm đắm trong những lắng lo mà không an ủi. Vì chính Người đã nói về sứ vụ của Người khi lấy lại lời ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19; x. Is 61,1t).

          Khi cho người con trai một của bà góa sống lại, Đức Giêsu hành động như ngôn sứ Êlia trong trường hợp bà góa Sarépta (x. 1 V 17,17-24), như ngôn sứ Êlisa đối với người phụ nữ xứ Sunam (x. 2 V 3,32-37).

 

          Hôm nay, chúng ta ghi nhận được các bài học:

          1. Chỉ Thiên Chúa là chủ sự sống và sự chết, có thể gọi kẻ chết trở về cõi sống. Thế mà Đức Giêsu đã có thể làm được như thế bằng chính uy quyền của Người, vì thế Người đã tỏ ra là Thiên Chúa.

          2. Đức Giêsu làm phép lạ không phải để khẳng định uy thế của mình, nhưng là để đưa mọi người đến chỗ “tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 7,16). Phép lạ không bao giờ được thực hiện để tìm vinh dự cho riêng mình, nhưng để quy về Thiên Chúa, là Đấng thực hiện những việc lạ lùng qua bàn tay con người.

          3. Đức Giêsu thương người mẹ của chàng trai, đặc biệt là vì bà đã góa chồng lại mất đưa con duy nhất. Qua bài Tin Mừng này, Đức Giêsu muốn nói riêng với các bà mẹ, nhất là những người mẹ đã mất con, vì nhiều lý do, là Người thương các bà. Người không bao giờ để cho những giọt nước mắt của những người mẹ đau khổ ấy rơi đi vô ích. Người đã an ủi những con tim đau khổ, thì Người sẽ còn tiếp tục thoa dịu nỗi đau thương của các bà. Và Người có thể biến những giọt lệ cay đắng nhất thành niềm hân hoan (x. Kh 3,17).

Lm. Fx. Vũ Phan Long, ofm


GỢI Ý GIẢNG LỄ C