GỢI Ý GIẢNG LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU NĂM C

Nơi con người, trái tim là bộ phận chủ chốt của sự sống.

Từ khi được hình thành trong lồng ngực của thai nhi còn trong bụng mẹ, trái tim bắt đầu đập những nhịp đầu tiên và tiếp tục đập cho đến khi con người trút hơi thở cuối cùng. Bằng những nhịp đập liên tục và đều đặn, trái tim bơm máu vào các mạch máu, đẩy máu đến não và các bộ phận khác trong cơ thể, giúp não và các bộ phận sống, và có được sức mạnh.

Trái tim cũng thường được coi là biểu tượng của tình yêu, của mọi tâm tình và cảm xúc. Đồng thời, trái tim tức là tình yêu hay lòng mến cũng chính là nguồn gốc và động cơ của mọi thái độ, tâm tình, hành động. Mà ta biết nơi đâu có Tình Thương, nơi ấy có sự đảo lộn sâu xa trong tình cảm, suy nghĩ và hành động của một con người. Bởi lẽ từ khi trái tim bắt đầu có tình yêu, bắt đầu rung động vì một người khác hay bắt đầu say mê một công việc, thì một con người bắt đầu có những thay đổi khác khi trước, có những thái độ, những phản ứng khác. Tất cả được khơi lên và xuất hiện do tình yêu, do lòng mến mới nảy sinh nơi trái tim.

 Đến đây ta có thể hỏi: do đâu Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng nên nhân loại? Thưa, do lòng mến của Ba Ngôi. Do đâu Ngôi Hai Thiên Chúa bỏ mình, bỏ trời cao, nhập thể làm người, vâng phục Chúa Cha, quý thương mọi người, hy sinh rao giảng nước trời, rồi hạ mình chịu chết trên thập giá cũng như hằng ngày âm thầm có mặt trong bí tích Thánh Thể cho đến tận thế…? Thưa, do Tình Mến nồng nàn và quãng đại của Ngài.  Một số họa sĩ đã vẽ Trái Tim Chúa ghi một lò lửa đang hừng hực cháy và chung quanh trái tim ấy có vòng gai quấn quanh và đâm sâu. Hình vẽ đó gợi đến tình Thương mãnh liệt của Chúa. Tình thương đó Chúa dành trọn cho loài người là đoàn con yêu dấu của Ngài. Những biểu hiện của Tình Thương hoặc lòng mến của Chúa được diễn tả cách súc tích qua các bài đọc trong thánh lễ hôm nay.

Đoạn văn trích từ sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhắc đến lòng thương xót thẳm sâu của Thiên Chúa đối với Dân Do Thái bị tán loạn do cảnh Lưu Đầy. Lúc đó, đất nước nhỏ bé của họ bị các đế quốc hùng mạnh chung quanh tấn công và đánh chiếm. Một số dân bị bắt và đưa sang các nước ở phía Bắc. Một thời gian sau đó, một số khác rất đông bị đưa sang Babilon, đi vào những năm nô lệ và khốn đốn. Thiên Chúa đã không quên họ, trái lại vẫn đưa mắt dõi theo đoàn con của mình, Người giải thoát họ khỏi những nơi lầm than, quy tụ họ về quê cũ, giống như một chủ chăn quy tụ chiên của mình, dẫn dắt chúng đến những nơi có thể ở được, làm những chuồng trại bảo đảm để chúng được yên ổn khỏi thú dữ và thông dong ăn cỏ, uống nước trong lành, lại còn đi tìm những con bị lạc, săn sóc những con bị thương, bị bệnh.

Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng cũng lấy con chiên để diễn tả về tình thương của Thiên Chúa. Như một chủ chăn đi tìm con chiên lạc, Thiên Chúa cũng không thể ngồi yên khi có một linh hồn lạc lối trong đàng tội. Người quyết tâm tìm lại cho bằng được, vì không muốn linh hồn nào phải hư mất. Người không thấy có gì khiến Người vui mừng hơn là tìm lại được đứa con sắp bị đọa đầy muôn kiếp.

Thế nhưng đó chỉ mới là những hình ảnh tượng trưng, chưa cảm động bằng việc Chúa thật sự thương xót chúng ta. Vì như thánh Phaolô suy niệm, không phải khi chúng ta đang là con ngoan mà Thiên Chúa yêu thương ta. Trái lại Người đã yêu thương ngay từ khi ta còn là tội nhân, còn là vô đạo không có một chút công trạng nào. Thậm chí người còn cho chính Con Một của Người chịu chết vì chúng ta.

Tất cả tình thương lạ lùng đó của Thiên Chúa đã thể hiện nơi sự hy sinh tận tuyệt của Chúa Giêsu, nơi Trái Tim bị đâm thâu của Ngài bởi đó trái tim Chúa không chỉ là biểu tượng và sự tượng trưng cho tình thương của Chúa mà còn là chính tình thương dặt dào của Ngài đối với chúng ta. Và cũng như trái tim trong cơ thể mỗi người chúng ta là nguồn sống cho mọi bộ phận, do việc nó chuyển máu cho các bộ phận, mang lại sự sống và sức mạnh cho các bộ phận, thì Trái Tim Chúa bị đâm thâu, chảy đến giọt máu và giọt nước cuối cùng cũng là nguồn sống thiêng liêng cho linh hồn chúng ta.

Từ Trái Tim Chúa, phát sinh các Bí Tích trong Hội Thánh. Nghĩa là từ Trái Tim Chúa, giòng máu là Sự Sống, là Tình Thương là sự Thương Xót, sự thứ tha của Chúa chảy vào các bí tích: chảy vào bí tích Thánh Tẩy để rửa linh hồn ta khỏi mọi tội lỗi và phú ban sự sống thần thiêng, chảy vào bí tích Thêm Sức để phú ban cho linh hồn ta Sức Mạnh của Chúa Thánh Thần, chảy vào bí tích Giải Tội để tẩy xóa tội lỗi, giao hòa ta với Thiên Chúa, chảy vào bí tích Thánh Thể để Mình Máu Chúa nên thần lương nuôi dưỡng linh hồn ta, chảy vào bí tích Truyền Chức để những người được tuyển chọn trở nên hiện thân Chúa Kitô và nối tiếp sứ mạng cũng như mọi công việc của Ngài, chảy vào bí tích Hôn Phối để thánh hóa các vợ chồng công giáo, chảy vào  bí tích Sức Dầu để chữa lành hoặc nâng đỡ các bệnh nhân…

Chính vì thế, mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta hết tình cảm tạ ngợi khen Chúa vì tình thương tuyệt vời Chúa danh cho con người chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta biết tin tưởng chạy đến cùng Chúa, để kín múc mọi ơn thiêng, như kín múc tận Nguồn Suối vô tận, và để Chúa biến đổi trái tim của chính chúng ta trở nên những lò lửa hừng hực của lòng mến, giống như chính Trái Tim Chúa.

Antôn Trần Thế Phiệt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT X THƯƠNG NIÊN NĂM C

Sự chết là một thực tại bi đắt, nghiệt ngã. Nó là kẻ thù gieo kinh hoàng nhất cho con người. Từ xưa đến nay, rất hiếm có trường hợp con người thoát được sự chết hoặc thắng được nó. Thế nhưng lời Chúa hôm nay tường thuật một tin mừng lớn lao cho kẻ tin: sự chết đã bị đánh bại.

Đó là sự kiện xảy ra thời ngôn sứ Êlia và sau đó sáu bảy trăm năm, thời Đức Giêsu. Sự kiện thứ nhất do sách các Vua kể lại. Hồi đó, ngôn sứ Êlia đi đến miền Sarepta và trú ngụ trong nhà một bà góa. Đúng thời gian đó đứa con trai của bà đã chết. Bà góa kia cho rằng ngôn sứ Êlia là nguyên nhân gây ra tình cảnh đau thương này, vì sự xuất hiện của ông gợi lại quá khứ tội lỗi của bà khiến con bà bị trừng phạt. Êlia đã phải giải oan cho mình bằng việc làm cho đứa bé sống lại. Ông bế đứa bé lên phòng trên, chỗ ông ở, đặt đứa bé trên giường, nằm lên trên đứa bé và xin Thiên Chúa ban cho hồn vía của nó trở về lại với nó. Cách ông cứu chữa có vẻ phù phép, nhưng chính cách thức đó không cứu sống đứa bé mà lời kêu cầu của ông mới giúp nó sống lại. Có lẽ cầu chuyện này được ghi lại, chính là để đề cao ngôn sứ Êlia, giới thiệu ông là người của Thiên Chúa, có Thiên Chúa ở cùng và phú ban quyền năng của người cho ông, để ông thực hiện phép lạ đáng nhớ này cũng như một số sự lạ khác, như xin trời cho hạn hán hoặc xin trời bán cho có mưa trở lại.

Trường hợp thứ hai kẻ chết sống lại thì do Đức Giêsu thực hiện tại làng Na-in. Có lẽ thánh Luca, tác giả đoạn Tin Mừng này, được gợi hứng bởi câu chuyện thời Êlia hoặc đã mượn một số ý tưởng trong câu chuyện đó, nhưng có một số điểm khác biệt và sâu sắc hơn. Ví dụ việc Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài đi vào thành Na-in là hình ảnh việc con Thiên Chúa đi vào trần gian, vì chữ “thành” gợi đến nơi nhân loại sinh sống. Bà góa là hình ảnh xã hội loài người vắng bóng Thiên Chúa. Sự kiện đứa con một của bà góa qua đời và người ta phải khiêng đi chôn diễn tả sự bất lực của con người trước cái chết, giống như bà góa chỉ có một đứa con mà không giữ được. Rồi trong đoạn Tin Mừng này, thánh Luca dùng chữ “Chúa” để chỉ Đức Giêsu. Đây là chỗ đầu tiên trong Tin Mừng Luca xuất hiện từ “Chúa” khi nói đến Đức Giêsu. Gợi đến Đức Giêsu Phục Sinh. Hoặc chi tiết “Đức Giêsu chạnh lòng thương” là chi tiết gợi ngay đến chính Thiên Chúa, Đấng thương xót và ám chỉ rằng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đang có mặt giữa loài người, đang chạnh thương loài người trong tình cảnh bi đát của họ và ra tay cứu độ.

Như vậy, trong khi tác giả sách các vua muốn đề cao Êlia, giới thiệu và gọi ông là “người của Thiên Chúa”, một vị thế rất cao trọng trong dân Israel, thì hơn tác giả đó, Luca còn muốn đề cao Đức Giêsu hơn nữa: tôn vinh Ngài là Chúa, là chính Thiên Chúa đang đích thân dẫn mình vào trần gian thực hiện việc cứu độ loài người, thực hiện việc vĩ đại mà không ai khác trong trần gian làm được, đó là phục sinh kẻ đã chết một cách dễ giang, chỉ bằng một câu nói truyền lệnh cho người chết chỗi dậy.

Bởi đó, đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy biết nhìn nhận Đức Giêsu và tin tưởng vào tình thương cũng như quyền năng của Ngài. Chúng ta hãy bắt trước thánh Phaolô tông đồ, bám chắc Tin Mừng Thiên Chúa đã ban cho ta được nghe biết, qua việc chúng ta ôn lại và đào sâu lời rao giảng của các tông đồ, hoặc qua việc chúng ta hấp thụ giáo lý mà Hội Thánh truyền đạt cho chúng ta. Giống như thánh Phaolô, tuy không trực tiếp thụ huấn với các tông đồ, không nhận Tin Mừng từ các tông đồ, mà chỉ đích thân được Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra trên đường Đa Mát và soi sáng cho Phaolô viết về Ngài, khác với mọi người khác là những người phải thụ huấn với các tông đồ và Hội Thánh. Tuy vậy thánh Phaolô vẫn tự hào về sự hiểu biết giáo lý mà Chúa ban cho người, vẫn xác tín và kiên vững trong niềm tin của mình, vẫn mạnh dạn truyền loan Tin Mừng mình đã nhận viết cho mọi kẻ khác. Có như thế, chúng ta mới xứng là môn đệ của Chúa, mới là những kẻ “sống lại từ cõi chết”, tức là thoát khỏi tội lỗi và sự chết đời đời.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C