Gợi Ý Giảng lễ

CN XI TN – C  

 

Được Mời Nhìn Bằng Một Cái Nhìn Mới

 

Phải xử sự thế nào cho ra một con người của Thiên Chúa, hoàn cảnh đôi khi khá tế nhị.

Bài Tin Mừng giới thiệu ba nhân vật: một người Pharisêu, một người phụ nữ vô danh và Đức Giêsu. Ông Pharisêu tên là Simôn rất tự tin: ông biết hoàn cảnh, biết con người, nhất là biết rằng ông luôn tuân giữ Lề Luật của Chúa, cũng như biết giữ một khoảng cách an toàn giữa ông và những kẻ tội lỗi; do đó, ông có thể an tâm về sự trong sạch của mình. Còn người phụ nữ kia, dư luận của thành phố vẫn cho rằng bà là một kẻ tội lỗi. Dĩ nhiên, Simôn chẳng có gì phải quan tâm đến bà, có chăng là quan tâm để tránh xa, với lại bà đâu có đến gặp ông? Bà đến gặp Đức Giêsu. Còn Đức Giêsu, Người là một ngôn sứ, Simôn nghĩ thế. Một ngôn sứ thì phải biết Luật Chúa và tuân giữ Luật Chúa, ít ra cũng như ông, hẳn Simôn đang nghĩ thế.

Như thế, ba nhân vật đã được nhận diện chính xác: ông Simôn, người phụ nữ ai cũng biết (nhưng TM không muốn nêu tên thì thôi !) và Đức Giêsu. Nhưng nếu chính xác vì nêu được tên riêng thì đúng rồi, còn chính xác theo cách gọi « âm thầm » của ông Simôn (một người công chính, một con tội lỗi và một ngôn sứ) thì có chính xác không? Các biến cố xảy ra khiến cách gọi tên theo tư cách như thế bị rối tung lên cả! Làm thế nào mà vị ngôn sứ lại có thể chấp nhận để cho một con đàn bà tội lỗi đụng chạm đến mình như vậy? Bởi vì ông Giêsu không biết người đàn bà đó là ai, hẳn ông ta không phải là ngôn sứ! Tình thế thật đáng ngỡ ngàng cho kẻ nào thích phân loại các cá nhân dưới những nhãn hiệu chính xác! Cần phải để cho cái nhìn của Thiên Chúa soi sáng, để chúng ta biết được mình là ai, rồi cũng thấy được người khác là ai. Trong Bài đọc 1, vua Đavít đã cần có cái nhìn của Nathan là người của Thiên Chúa, để nhận biết rằng nhà vua đã phạm tội. Phần chúng ta cũng thế, phải chăng đôi khi chúng ta cũng bị cám dỗ giam hãm người khác vào trong những thể loại rõ ràng? Có lẽ chúng ta cũng đang được mời gọi nhìn trên chính mình và trên người khác bằng một cái nhìn mới mẻ?

Các bản văn còn vén mở cho thấy điều khác nữa về con người và về Thiên Chúa. Đức Giêsu không phủ nhận thân phận tội lỗi của người đàn bà (và như thế, Người đúng là ngôn sứ: Người biết, Người thấy), nhưng Người cho hiểu rằng bà ấy đang diễn tả tình yêu ra, và cách diễn tả hết sức thẳm sâu đó là dấu cho hiểu rằng bà ấy có tội lỗi đến mấy đi nữa, thì cũng đã được tha hết các tội rồi, đã được giao hòa trọn vẹn lại với Thiên Chúa rồi. Điều này càng chứng tỏ Đức Giêsu là ngôn sứ hơn nữa, nhưng không phải theo quan niệm của ông Pharisêu.

Chúng ta hiểu: con người không thể dùng chính sức lực mình mà tự nâng mình lên tới Thiên Chúa; con người phải đón nhận ân huệ Thiên Chúa ban. Thái độ của người phụ nữ chứng tỏ lòng bà đang chan hòa biết ơn Đấng làm trung gian cho bà nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Ước gì chúng ta cũng biết để cho mình được lôi kéo vào trong cùng một hành vi tạ ơn như thế, và tuyên xưng ra như thánh Phaolô: « Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2,20). Tình trạng vô danh của người phụ nữ làm cho bà trở thành một dung mạo biểu tượng gần gũi cho tất cả những ai biết mình đang cần đến lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa...

 

Lm. Fx Vũ Phan Long, OFM

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C