GỢI Ý GIẢNG LỄ CN XI TN, NĂM C

 

Theo Lời Chúa hôm nay con người được nên công chính không phải nhờ việc lành người ta thực hiện, như tuân giữ lề luật, nhưng nhờ việc người ta tin vào Đức Giêsu Kitô, và do Thiên Chúa thứ tha khi người ta sai lỗi nhưng biết thành tâm sám hối.

Thật vậy, vua Đavit ngày xưa đã phạm hai trọng tội: một là chiều theo lòng dục, nảy sinh tình yêu đối với vợ của tướng quân U-ri-gia lại còn giết chết U-ri-gia và cướp vợ của ông, hai là vua đã vô ơn đối với Chúa, sau khi nhận được bao hồng ân lớn lao của Người, sau khi được người cất nhhắc lên làm vua cai trị Israel.

Thế nhưng khi vừa nghe ngôn sứ Na-than đại diện Chúa nói đến sai phạm của mình, vua Đavit đã mau mắn sám hối. Dĩ nhiên, Chúa vẫn biết bản tính con người luôn mỏng giòn, yếu đuối, lại bị các đam mê trong lòng và cám dỗ của ma quỷ, khiến người ta rất dễ xa ngã. Bởi đó khi thấy sự hối hận chân thành của Đavit, Chúa đã tha thứ cho ông: vẫn qua miệng ngôn sứ Na-than, Chúa cho biết Đavit không phải chết, nhưng con cháu vua sẽ phải chịu tai họa.

Đến trường hợp người phụ nữ mà bài Tin Mừng tường thuật, chị cũng là một người mang tiếng là tội lỗi và bị nhiều người khinh bỉ, thậm chí lên án, nhưng chị cũng đã biết ăn năn và cảm nhận lòng Chúa xót thương cảm thông với mình. Hành vi bên ngoài của chị, là công khai đến với Đức Giêsu, bất chấp những cái nhìn khinh bỉ của kẻ khác và như không còn giữ gìn, đến mức tràn trụa nước mắt, làm ướt đẵm cả chân Chúa, hành vi đó diễn tả sự cảm nhận sâu xa của chị về ơn huệ lớn lao Chúa dành cho mình khác nào tha bỏng cho chị là người mắc nợ năm trăm quan tiền, một món nợ quá lớn, chắc chắn chị không bao giờ trả hết.

Qua trường hợp của vua Đavit và của người phụ nữ tội lỗi, Chúa mạc khải cho ta hiểu rằng đối với Chúa, những yếu hèn và tội lỗi của con người không là lý do cắt đứt tình thương của Người đối với kẻ có lỗi, nhưng chính sự sám hối – sám hối chân thành và thực sự - mới là điều quan trọng. Mọi sự đổ vỡ do tội lỗi vẫn được hàn gắn và sửa chữa, khi kẻ có tội biết trở về với Chúa.

Đó cũng chính là cảm nghiệm và xác tín của thánh Phaolô tông đồ. Ngài từng nhận là kẻ có tội nặng nhất trong nhân loại, vì đã có một thời gian mình chống lại Đức Kitô, thậm chí bắt bớ, nhốt giam và giết chết các Kitô hữu. Nhưng Ngài đã được Chúa Kitô Phục Sinh thứ tha, lại còn hiện ra cho Ngài. Biết rõ mình được đặc biệt yêu thương, Ngài đã hoàn toàn thay đổi đời sống, trở về cùng Hội Thánh và trở nên tông đồ hăng say làm chứng cho Đức Ktiô. Ngài cũng thấy rõ sở dĩ mình được nên công chính và được hưởng ơn cứu độ của Chúa, đó không phải vì mình đã làm được việc lành nào hoặc đã tuân giữ lề luật, mà chỉ vì mình đã  đón  nhận tình thương của Đức Kitô, đã tin vào Người. Quan điểm của thánh Phaolô có vẻ đối chọi với giáo huấn của thánh Giacôbê tông đồ: theo thánh Giacôbê người ta được công chính hóa là nhờ có việc làm, chứ không phải chỉ có đức tin xuông.

Vậy Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy giá trị và tầm quan trọng của lòng tin đối với Chúa và của lòng sám hối chân thành. Ai trong chúng ta cũng dễ phạm tội, đi ngược lại chờ mong của Chúa, trong khi chúng ta lại thường bất lực, không làm được việc gì lành. Thế nhưng thực tế đó không nên khiến chúng ta ngã lòng, vì dù ta tệ bạc đến đâu và hèn yếu xoàng xĩnh đến mực nào, ta vẫn chắc chắn còn là đối tượng của tình thương hải hà của Chúa.

Antôn Trần Thế Phiệt

 

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C