Gợi Ý Giảng lễ

CN 12 TN – C (Dcr 12:10-11; 13:1 / Gl 3:26-29 / Lc 9:18-24)

 

Khi Thinh Lặng Là Phản Bội

 

Thật là kỳ khôi khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói gì về Thầy? Anh em bảo Thầy là ai?” Ta không thể cho rằng Người giả bộ khiêm nhường, để cho bạn bè phản đối, hầu diễn tả sự thán phục mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, như Đức Giêsu thường cho thấy, không cần người ta phải nói ra, Người vẫn biết điều gì đang xảy ra nơi đáy lòng họ. Vậy tại sao Người hỏi?

Nếu Đức Kitô tìm cách làm cho các môn đệ nói, là vì đối với các ông, các ông nên nói, các ông cần phải nói. Một con người chỉ thật sự là mình, khi người ấy tự diễn tả ra, và có lẽ một đức tin chỉ là đức tin thật khi nó được diễn tả ra. Chúng ta đều biết có những sự im lặng rất hùng hồn, những phong cách nói được nhiều hơn các lời. Nhưng chúng ta cũng biết, có những điều hiểu ngầm cuối cùng chẳng được hiểu, và có những thinh lặng lại rất giống với sự phản bội.

Mỗi người chúng ta hôm nay cũng được Đức Kitô kêu gọi trở nên chứng nhân của Người. Một chứng nhân không phải chỉ là một thính giả có lòng tốt, biết suy nghĩ, sẵn sàng âm thầm phản đối kiểu bè bạn, nhưng lại từ khước dấn thân nơi thanh thiên bạch nhật… Một chứng nhân thì chấp nhận bị phiền toái. Ngôn sứ Dacaria đã loan báo rõ điều ấy. Dù sao, chúng ta hiểu, các môn đệ là những công dân Do Thái tốt, mà loan báo sau khi Đức Giêsu đã biến mất rằng Người thật là Đấng Mêsia toàn dân vẫn mong chờ, thì đó không phải là chuyện đơn giản đâu!

Ông Giêsu ấy, trong một cuộc xử án công khai, đã bị các các thượng tế và kinh sư lên án tử hình vì tội phạm thánh. Dưới con mắt của những người đồng hương, các môn đệ đã đi theo một anh chàng có óc phiêu lưu, cuối cùng đã phải kết thúc cuộc đời bi thảm.

Làm Kitô hữu, “thuộc về Đức Kitô”, chưa bao giờ là chuyện dễ dàng cả.

Những chứng nhân mà Đức Giêsu kêu gọi là những con người biết gánh lấy trọn vẹn sự việc. Để giúp hiểu thực tại này, thánh Phaolô đã dùng những hình ảnh lạ lùng: “Không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Hơn nữa, ngài sẽ nói: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Ngài cũng đã viết cho tín hữu Galát: “Anh em đã mặc lấy Đức Kitô”. Ngài muốn rằng người Galát rút ra những hệ quả thực tiễn: không còn gì quan trọng nữa, và tất cả những gì là khác biệt, chia rẽ, ăn trên ngồi trốc hay có vị trí hạ cấp, tất cả những thứ ấy đều mờ nhạt đi và biến mất trong thực tại tuyệt đối duy nhất, trong cuộc sống viên mãn quy tụ được mọi sự, trong Đức Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu hôm nay vẫn đang đặt ra cho chúng ta câu hỏi tương tự: “Đã bao giờ anh phải nói rõ về Thầy chưa? Và khi ấy, anh nói Thầy là ai?”

Lm. Fx Vũ Phan Long, ofm





GỢI Ý GIẢNG LỄ C