GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XII NĂM C, 2016

Vào cuối quãng thời gian 3 năm hoạt động công khai và trước khi đến những ngày chịu khổ nạn, Đức Giêsu muốn kiểm tra sự hiểu biết của môn đệ mình và mức tin yêu của các ông đối với Ngài. Trước hết, Ngài hỏi các ông về dư luận của quần chúng đối với Ngài “Người ta bảo Thầy là ai”, nhưng đó không phải là điều quan trọng. Ngài nhìn vào các ông và hỏi chính các ông: còn chúng con, “chúng con bảo Thầy là ai?”. Chúa muốn biết suy nghĩ, nhận định của bản thân các ông, vừa để xem mức độ tiến triển của sự hiểu biết và niềm tin của các ông, vừa để mạc khải đầy đủ về con đường của Ngài là “bỏ mình, vác thập giá và để chuẩn bị cho các ông đối phó với những sự kiện lớn lao, những thử thách sắp tới, như gợi ý của tác giả sách Da-ca-ri-a.

Chắc chắn đối với rất nhiều người thời Cựu Ước đọc đoạn sách này của Da-ca-ri-a đã không biết ông nói về sự kiện gì, khi viết “chúng sẽ ngước nhìn lên Ta, chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, chúng sẽ thương tiếc như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng. Ngày ấy tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giêrusalem”. Còn

chúng ta, người sống thời Tân Ước, thì biết tác giả Da-ca-ri-a được Chúa soi sáng đã nói trước về những sự kiện xảy ra cho Đấng Cứu Thế và tâm trạng hoang mang đau buồn của các kẻ tin Đức Giêsu, khi Ngài đi vào cuộc Khổ Nạn, bị kết án và chết treo trên thập giá.

Khi hỏi riêng các tông đồ và có thể nói buộc các ông phải nêu rõ nhận thức và suy nghĩ của cá nhân mình, Đức Giêsu muốn các ông đừng sống hời hợt và vô danh như cá nhân mình chỉ là một con số chen lẫn và chìm khuất giữa một tập thể đông đảo nhưng sống như một người hiểu rõ mình biết điều gì, mình nói điều gì. Vì chỉ có nhận thức rõ ràng và có tính cách cá nhân đích thân như thế mới giúp các ông vững vàng, không chao đảo, không hoảng loạn khi các thử thách lớn lao xảy ra, đe dọa đến sự bình an, thậm chí cả tính mạng của các ông. Nhất nữa là, theo mông muốn sâu xa của Ngài, tất cả các ông sẽ là những kẻ trở nên hiện thân của chính Ngài sau này, những kẻ sẽ đi theo tinh thần sống của Ngài và nối tiếp công việc cứu thế Ngài đang thực hiện.

Vậy nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại và xắc định mức độ hiểu biết và mức độ tin yêu đối với Đức Giêsu, như chúng ta đang được chính Ngài đặt câu hỏi với chúng ta, buộc chúng ta suy nghĩ sâu xa và nghiêm túc. Nói như thánh Phaolô, chúng ta đã là con cái Thiên Chúa, vì chúng ta đã được thanh tẩy trong Đức Kitô và được thuộc về Ngài. Trong tư cách đó chúng ta được mời gọi mặc lấy Đức Kitô trở nên giống như Ngài. Nhưng mỗi người chúng ta phải có một đức tin và một xác tín cá nhân, nghĩa là chính mình tin vào Đức Kitô, không nại đến đức tin của kẻ khác, không dựa dẫm vào kẻ khác, giống như trong một tập thể đang làm việc, đang lao động, chúng ta không làm gì cả, chỉ có mặt cách thụ động và dựa dẫm vào sự làm việc của kẻ khác. Nhiều người công giáo chỉ có tên trong sổ rửa tội của một giáo xứ, chỉ là một con số nghĩa là một kẻ tin không có đức tin cá nhân sâu xa.

Tuy trong các thánh lễ trước phần rước lễ, chúng ta nghe thấy chủ tế đọc “Xin Chúa đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa” nghĩa là chúng ta là người thuộc về một Hội Thánh đông đảo chúng ta được Chúa nhìn như một phần tử đang gắn liên với một cộng đoàn và chúng ta được cứu độ nhờ đức tin chung của Hội Thánh, tuy vậy điều đó không có nghĩa chúng ta chỉ cần là một kẻ tin thụ động là đương nhiên được cứu độ, vì mặc dù Hội Thánh và những anh chị em khác đã tin, nhưng bản thân mỗi người chúng ta vẫn luôn luôn phải là một cá nhân đang tin yêu Chúa. Câu trả lời của Phêrô, đại diện các tông đồ “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” có nghĩa là: tất cả chúng con và từng cá nhân chúng con nhìn nhận Thầy là Đấng Thiên Sai, Thầy đến từ Thiên Chúa. Mỗi người chúng con xin tin yêu Thầy và nhận Thầy làm Chúa, làm chủ cuộc đời chúng con.

Đó là lời tuyên xưng, là niềm tin mà mỗi cá nhân chúng ta cũng phải có, để là môn đệ đích thực của Chúa.  

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C