CN XIII TN – C

Cuộc Sống Trước Mắt

1.- Rời bỏ quá khứ

Khi Êlisa “về nhà”, hiểu theo mặt chữ, đó là ông vâng lời ngôn sứ Êlia. Nhưng chỉ theo mặt chữ mà thôi, bởi vì trong thực tế, ông không quay về quá khứ để tìm một mái nhà, nhưng là để “đốt” nhà! Kể từ nay, mái nhà của ông là tấm áo choàng của Êlia. Êlisa đã đứng dậy và lên đường tiến về một cuộc sống mới. Ông không rời bỏ quá khứ nhằm một lý tưởng mới, để đi phục vụ một ý thức hệ hay một dự phóng: ông rời bỏ nhà cha là để bước theo một con người, mà chẳng cần biết rồi ông sẽ đi tới đâu. Trong Kinh Thánh, chúng ta luôn gặp lại hằng số này. Mỗi nhân vật được Thiên Chúa kêu gọi, như Nôê, Abraham, Môsê, … đều đi theo một Đấng Khác, và các vị này chính là sự hiện diện của Đấng ấy giữa lòng Dân Chúa. Các vị không đi theo một ý thức hệ nào cả. Chính Đấng đó đưa lại ý nghĩa và hướng đi cho cuộc đời của các vị. Do đó, nhắc đến việc bỏ cha và mẹ không phải là chuyện tình cờ: chúng ta thường quay hướng con tim về cha mẹ mình, nhưng cha mẹ chính là quá khứ, là bám vào quá khứ. Thiên Chúa đến, dù dưới bóng một vị « ngôn sứ », chính là biến cố đẩy con người về phía trước, về điều mới, về tương lai. Để có thể dấn thân vào vô định, phải chấp nhận bỏ đi những điểm quy chiếu quen thuộc và mở ra bằng thái độ tin tưởng, tín nhiệm vào Đấng đang kêu gọi ta.

2.- Sự mới mẻ của Thiên Chúa

Bài Tin Mừng cũng đi theo chiều hướng trên. Các lời nói của Đức Giêsu về chôn cất cha hoặc từ giã người thân chính là những dụ ngôn ở dạng “mini”, những công thức đánh động nhằm nêu bật sự cần thiết là  “không ngoái lại đàng sau”. Trong Kinh Thánh, đây là một công thức khá quen thuộc (St 19,26: vợ ông Lót vì quay lại đàng sau mà hóa thành tượng muối!) nên cũng là một điểm giáo huấn quan trọng. Công thức ấy có nghĩa là chúng ta không thể muốn có cùng một lúc những điều không thể dung hòa: Nước Trời, và một vài thứ bên ngoài Nước Trời, như mọi của cải (x. Mt 19,16-22; Mc 10,17-22; Lc 18,18-27). Đó cũng còn là quá khứ, là gia tài. Phải thú nhận là khó mà chọn bước theo Chúa Kitô mà lại không kín đáo âm thầm giữ lại cho mình những thứ mình rất gắn bó với, mà như thế lại là không coi Người là sự an toàn của chúng ta rồi. Nhưng ta phải tự hỏi là vì sao lại phải bỏ cha mẹ, bỏ gia đình ? Nếu phải bỏ cha mẹ và bỏ gia đình để bước theo Chúa Kitô là vì đây là một cuộc chào đời mới, đây là cuộc sinh hạ một con người mới.

3.- Được kêu gọi sống tự do

Những lời kêu gọi, những đề nghị của Chúa Kitô mời ta đi vào quan hệ thân tình với Người không thể nào không có sự đồng thuận của tự do chúng ta. Chính vì thế, Tin Mừng gia tăng các lời kêu gọi các thính giả bỏ mọi sự mà đi theo Người. Được kêu gọi, chứ không phải là bị ép buộc. Và như thế, chúng ta đứng trước một nghịch lý: chúng ta phải vận dụng tự do của mình để làm cho mình được tự do. Thế nhưng trong tình yêu, tự do và nô lệ cũng chỉ là một: hành vi tự hiến bản thân trong tình yêu là hành vi tự do ưu việt, vì người ta không chỉ hiến tặng của cải của mình, thì giờ của mình, sức lực của mình, mà còn trao hiến cả bản thân mình nữa. Chính khi mình không thuộc về mình nữa mà mình lại trở nên chính mình. Đấy chính là điều Đức Giêsu đã thực hiện trong cuộc Thương Khó của Người.

 Lm. Fx Vũ Phan Long, ofm

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C