GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XIII NĂM C

Cứu Thế là công cuộc lớn lao, trọng đại hơn mọi trong việc khác thuộc lãnh vực trần thế, như xây cất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học,  khám phá vũ trụ…vì đây là việc cứu nhân loại ra khỏi chốn đọa đầy vô hình trong tội lỗi và sự chết. Công cuộc này, chỉ một mình Thiên Chúa mới thực hiện được. Thế nhưng, vì yêu thương, Người cũng muốn cho con người cái diễm phúc là được cộng tác với Người. Đó là lý do Người ban ơn gọi cho một số người.

Ơn gọi của Thiên Chúa là một bí nhiệm: Người hoàn toàn tự do trong việc kêu gọi. Người ngỏ lời với ai là một bí ẩn. Người kêu gọi bằng cách nào là một bí ẩn. Có biết bao người muốn được kêu gọi mà không được. Có rất nhiều gia đình ao ước được dâng hiến con cái cho Chúa để phục vụ Chúa và Hội Thánh mà không được. Trái lại có một số gia đình, tất cả bốn năm người con mà cả nam lẫn nữ đều trở thành linh mục hay tu sĩ của Chúa.

Chúa cũng có nhiều cách kêu gọi khác nhau, như đích thân Chúa ngỏ lời. Ví dụ Đức Giêsu đích thân kêu gọi nhiều vị trong nhóm môn đệ đầu tiên của Ngài cách thứ hai là Thiên Chúa gọi một con người nhờ trung gian là một kẻ khác, như trường hợp ngôn xứ Êlia kêu gọi Êlisa mà bài đọc thứ nhất tương thuật. Ngoài hai cách thức trên, còn một cách thức khác, đó là người ta tự mình tìm đến với Chúa và đi theo Chúa, do có thiện cảm với Chúa hoặc do được đánh động trong lòng.

Về phía Chúa, Chúa tuyệt đối tôn trọng sự tự do của con người cũng như hoàn cảnh và thực tế của mỗi người. Dĩ nhiên Người muốn những kẻ được Người kêu gọi đều quãng đại đáp lại tiếng gọi rõ ràng hoặc sự lôi kéo âm thầm của Người, cũng như mau mắn bước theo Người nhưng trong mọi trường hợp, Người để người ta hoàn toàn tự nguyện, chứ không muốn ép buộc.

Lời Chúa hôm nay đề cập đến trường hợp Êlisa được kêu gọi để trở nên ngôn sứ, tiếp nối công việc của ngôn sứ Êlia. Khi nhận được dấu chỉ là Êlia muốn chọn mình, qua việc ném áo choàng lên người mình và sức dầu cho mình, Êlisa tưởng mình phải lập tức đi theo Êlia, mà chưa kịp từ biệt cha mẹ Êlia cho Êlisa được về gia đình như ước nguyện. Và liền sau đó, Êlisa đã giết một cặp bò, chẻ cái cày làm củi nấu, có ý cho thấy mình quyết tâm và dứt khoát từ giã nghề nghiệp hiện tại của mình rồi lên đường đi theo và phục vụ Êlia cho đến khi vị ngôn sứ này được cất đi trên xe bằng lửa, được ngựa bằng lửa kéo đi, để từ đó Êlisa làm ngôn sứ nối tiếp Êlia và dẫn dắt Dân Chúa bằng lời dạy của mình.

Đến thời Đức Giêsu hoạt động công khai các môn đệ tiên khởi trong nhóm mười hai của Ngài là những người được Ngài đích thân kêu gọi, giữa lúc họ đang làm việc của họ tại một nơi chốn. Thế nhưng, cũng có nhiều người khác tự đến với Đức Giêsu, có thể vì họ đã từng đi theo Ngài lâu ngày, từng nghe Ngài rao giảng về Nước Trời và được đánh động bởi những lời dạy và lối sống của Ngài. Đoạn Tin Mừng hôm nay nói đến hai trường hợp tự nguyện như thế.

Về phía người được Thiên Chúa kêu gọi, họ cần mau mắn đắp lại tiếng gọi của Chúa, không lần lữa, chần chừ. Họ cần ý thức về giá trị vượt trổi của việc đi theo Chúa và của Nước Trời. Từ nay, họ cũng phải gắn bó mật thiết với Đức Giêsu và dẫn thân đến cùng, đem hết khả năng và nhiệt huyết để phục vụ công cuộc của Chúa.

Một hậu quả khác phải có trong tâm tưởng và đời sống của kẻ được gọi đi theo Chúa, như Lời Chúa tiếp tục gợi ý, đó là người môn đệ phải mang lấy những suy nghĩ, thái độ và phản ứng của Đức Giêsu, Đấng đã kêu gọi mình. Ta biết Đức Giêsu là Đấng khiêm tốn hiền lành và qua lối sống cách cư sử thường nhật của mình Ngài đã từng chứng tỏ những đức tính như thế trước mặt các tông đồ. Chắc chắn Người muốn thái độ sống của Ngài tạo ảnh hưởng tốt trên các tông đồ và dần dần thay đổi đầu óc và con tim của họ, để họ cũng hiền lành trong mọi trường hợp và khiêm tốn dịu dàng khi tiếp xúc cũng như đối xử với kẻ khác. Bởi đó, Chúa đã lập tức quở mắng Giacôbê và Gioan khi thấy phản ứng hùng hãn của hai ông, qua việc muốn khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi những người Samari, chỉ vì họ không muốn tiếp đón Chúa.

Một hậu quả thứ hai của kẻ được Chúa kêu gọi là bước sang một lối sống mới, không còn lệ thuộc vào xác thịt nhưng dựa vào sự hướng dẫn của Thần Khí. Về điểm này,  hơn ai hết, thánh Phaolô là người có cảm nghiệm đích thân: người đã từng sống theo lề luật cũ trong một thời gian dài, trước khi được gặp Đức Kitô Phục sinh nhưng nhìn lại quãng thời gian đó, Người thấy mình không phải là con người tự do, vì phải lệ  thuộc lề luật cũ và các đam mê trần tục, bởi lẽ lề luật không đủ sức giúp Người thắng vượt các đam mê đó. Nay người đã biết Đức Kitô và Thần Khí của Ngài, thì đời sống mới thật sự tự do và tiến triển.

Tất cả chúng ta đều được Chúa kêu gọi từ khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, để trở nên môn đệ của Ngài và phục vụ Hội Thánh, người thì trong cương vị linh mục tu sĩ, người thì ở bậc giáo dân. Dù thế nào, theo các môn đệ khi xưa của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi quãng đại đáp lại lòng ưu ái của Chúa, nỗ lực từ bỏ những giá trị trần tục và bước vào đời sống mới, dưới ảnh hưởng của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C