CN 14 TN - C

Hoa Trái Của Công Cuộc Truyền Giáo

Hôm nay Đức Giêsu đề nghị các môn đệ đi từng hai người một mà loan báo cho toàn thế giới rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.

1.- Không ít Kitô hữu đón nhận sứ điệp của Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả đều cảm thấy cần mang sứ điệp này đến cho những người khác. Người ta quen nghĩ rằng đây là nhiệm vụ của các linh mục và tu sĩ, được coi như là những chuyên viên Phúc âm hóa. Công Đồng Vatican II đã nhắc chúng ta: “giáo dân cũng có một nhiệm vụ truyền giáo trong thế giới tục hóa này, nơi sở làm, trên đường phố, trong các thành phố lớn”.

2.- Các tín hữu đầu tiên có ý thức truyền giáo rất sống động, và thánh Phêrô cho biết rằng ngài có những cộng tác viên quảng đại, đàn ông, đàn bà, các gia đình. Nhờ họ, Kitô giáo được phổ biến, từ người này sang người kia, rất nhanh, trên các nẻo đường Đế quốc Rôma. Họ cảm thấy chia sẻ niềm tin của mình cho người khác là việc rất cấp bách, cần kíp.

3.- Nhà thừa sai truyền tải sứ điệp của Đức Giêsu bằng sự bình an. Sự bình an Kitô giáo là niềm hạnh phúc đâm chồi từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Đây là thái độ đầu tiên mà môn đệ Đức Giêsu phải có tại bất cứ nơi nào họ gặp nhau: trao ban sự bình an. Trong ngôn ngữ đời thường, “bình an/hòa bình” là vắng bóng xung đột, nhưng trong Tin Mừng, “bình an/hòa bình” có nghĩa là có ở mức viên mãn các điều thiện hảo Đấng Mêsia đã mang đến cho nhân loại.

Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã nói rằng "một thế giới hòa bình là một thế giới trong đó không những có trật tự và sự hợp nhất, mà trên hết còn có công lý và bác ái". Trong thực tế, hòa bình là nghệ thuật đồng thuận. Chỉ có thể chinh phục hòa bình bằng khả năng tha thứ, sự sẵn sàng hy sinh, sự tận tâm quảng đại, sự thông cảm với người khác, sự mở ra với tất cả các nhạy cảm. Tâm hồn chúng ta có đang bình an chăng?

Gandhi đã nói rằng "bạo động là vũ khí của kẻ yếu, còn bất bạo động là vũ khí của người mạnh". Trong thực tế, vũ khí của người mạnh là tình yêu. Tình yêu chính là khả năng liên kết bởi vì trước tiên nó loại trừ tất cả các bất công. Chúng ta đều bị đánh động khi thấy một người có khả năng duy trì hòa bình và sự thanh thản trong những hoàn cảnh mà thông thường người ta nghĩ là chỉ có thể kiểm soát bằng sự khắc khoải và sợ hãi. Làm thế nào trấn an sự khắc khoải, lo âu, căng thẳng, rối loạn, sự sợ hãi? Đức Giêsu bảo chúng ta: "Tâm hồn anh em đừng xao xuyến!" Phương dược là tin tưởng vào Thiên Chúa.

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C