CN 15 TN – C

Luật Tình Yêu

 

Đức Giêsu thường vượt quá Lề Luật, nhân danh tình yêu: chúng ta nhớ đến những lần Người vi phạm luật sa-bát. Thế mà hôm nay khi người ta đến hỏi Người về đời sống vĩnh cửu, Người lại gửi họ về Lề Luật! Là vì ông ấy là một chuyên viên Lề Luật ; ông ấy đã có tất cả những gì cần để trả lời câu hỏi của mình. Thế rồi, khi bị đặt ngược câu hỏi, ông ấy đã tóm Lề Luật trong điều cốt yếu, điều làm nền. Điều làm nền cho Lề Luật, chính là tình yêu, tình yêu này đã đưa chúng ta vào thế giới, đang làm cho chúng ta hiện hữu. Vậy Lề Luật không đến với chúng ta từ bên ngoài, Lề Luật ở bên trong chúng ta; Lề Luật “ở ngay trong miệng, trong lòng” chúng ta, như Bđ 1 đã nói. Do chỗ Lề Luật “quy định” phải có tình yêu, Lề Luật xác nhận rằng chính nhờ những người khác mà chúng ta hiện hữu. Bởi vì toàn thể bản thân chúng ta được tạo nên bằng các quan hệ. Yêu thương người khác như chính mình chẳng có công trạng gì, bởi vì người khác làm nên cuộc sống chúng ta. Yêu thương người khác chính là yêu mình. Cứ thế, chúng ta có thể nói bất cứ người nào cũng là người thân cận của tôi. Đối với vị thông luật thì không phải thế. Đối với ông, có những người là thân cận, và có những người không phải thế. Chẳng hạn người Samari không phải là người thân cận. Vậy có hai loại người: những kẻ ta phải yêu thương và những kẻ không đáng được ta yêu thương. Đức Giêsu đáp lại thế nào?

Trở nên thân cận

Dường như đã rõ là người Samari không phải là thân cận. Ta cứ nhớ lại lần đó, họ đã từ chối không tiếp đón Đức Giêsu vì Người đi lên Giêrusalem… Thế nhưng lại chính là một người Samari đã trợ giúp một người rõ ràng là thuộc chi tộc Giuđa. Người Samari không ở tại quê nhà, ông đang “đi đường”. Ông vượt qua mọi thứ đang ngăn cách ông với nạn nhân để đến gần, để làm người thân cận với kẻ bị bỏ dở sống dở chết. Không thể chỉ định người thân cận từ trước, để có thể nhận dạng dễ dàng. Đức Giêsu buộc phẩm chất “thân cận” tùy thuộc một cách ứng xử, một sự chuyển dịch. Người thân cận của tôi trước tiên không phải là kẻ mà tôi đến với, nhưng là tôi, khi tôi đến gần ai đó. Dĩ nhiên người mà tôi đã đến gần lại trở thành người thân cận của tôi. Vậy bất cứ ai cũng là người thân cận của tôi ở dạng tiềm ẩn. Chúng ta tùy thuộc mọi người khác, nhưng sự lệ thuộc “tự nhiên” này phải được đảm nhận cách tự do khi xảy ra một cuộc gặp gỡ.

“Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”

Thật ra chúng ta dám có thể ở trong cái nhìn của vị luật sĩ, khi nghe bài dụ ngôn mà kết luận rằng vị tư tế và thầy Lêvi đã bỏ lỡ một cơ hội để trở nên thân cận của người bị nạn, trong khi người Samari kia đã biết vượt quá Lề Luật để gặp gỡ người khác. Chúng ta cũng phải nghe Đức Kitô bảo: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Tin là tốt; hiểu những gì ta tin, thì rất tốt; nhưng tất cả những điều ấy chẳng ích lợi gì nếu không đi tới chỗ “làm”. Chúng ta có thể đặt mình vào vị trí người Samari, kẻ chẳng dính dáng gì đến người bị nạn. Nhưng chúng ta cũng có thể đặt mình vào vị trí của người bị nạn, đang cần những người khác để sống được. Rồi hãy thôi muốn tìm được mọi sự nơi chính mình. “Ơn cứu độ” đến từ nơi khác, cho dù chúng ta không ý thức rõ ràng. Khép kín lại trên chính mình là bước dần vào cái chết. Rồi sẽ hiểu được nghịch lý: chính Đức Giêsu trên thập giá, Đấng bị nạn, bị đâm thâu, lại có thể cứu độ bất cứ ai bắt chước Người.

 

Lm. Fx. Vũ Phan Long, OFM


GỢI Ý GIẢNG LỄ C