GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XV NĂM C

Cõ lẽ Kitô giáo, cách riêng công giáo, là đạo có rất nhiều sách vở và người trí thức luận bàn và suy tư về những vấn đề sâu sắc. Chắc chắn không ai có đủ khả năng biết hết mọi tác phẩm hoặc tìm hiểu hết mọi đề tài được trình bầy trong các tác phẩm thần học, luân lý, Kinh Thánh đã được viết ra trong Đạo chúng ta. Trên thế giới, có khá nhiều thư viện công giáo rất lớn, lưu giữ hàng trăm, hàng ngàn đầu sách của đủ mọi tác giả và được viết bằng đủ mọi ngôn ngữ trong nhân loại.

Chắc chắn giáo lý của đạo công giáo cũng là một lãnh vực mênh mông sâu rộng. Rất nhiều người thường nghĩ rằng có bỏ ra cả một đời để tìm hiểu giáo lý của Đạo, người ta cũng không sao thố hiểu được hết nắm bắt và quán triệt được một cách trọn vẹn. Dù bỏ nhiều công đào sâu, giáo huấn của đạo vẫn còn vượt quá tầm suy tầm hiểu của người ta. Đó là lý do khiến nhiều người dạy đạo hoặc muốn giới thiệu về đạo cảm thấy mình không sao trình bầy cho đầy đủ được, cũng như những người tìm hiểu về đạo thấy mình đứng trước một khối lượng kiến thức quá phức tạp, mình không sao tiếp thu và thấu hiểu cận kẽ được.

Thực tế đó khiến chúng ta nghĩ đến sự vất vả của Môsê và các ngôn sứ, các kinh sư trong đạo Do thái ngày xưa cũng như của bậc thầy dạy hoặc giáo lý viên trong Hội Thánh chúng ta ngày nay khi đối diện với đám đông quê mùa ít học, mà phải giúp cho họ hiểu về Chúa, về đạo. Biết bao người thuộc giới bình dân, không có trình độ trí thức, khi nghe những trình bầy về giáo lý, những sự hưởng dẫn về cách sống đạo, chỉ giống như vịt nghe sấm, nghĩa là họ chẳng hiểu gì cả, chẳng tiếp thu được gì cả.

Thế nhưng, như Môsê ngỏ lời với đòan dân Israel khi ông và họ đến gần biên giới của Đất Hứa, thì mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa đều ở rất gần họ, chứ không ở nơi xa vời. Không ở trên tầng mây cao thẳm không ở bên kia biển cả khiến họ không sao đạt tới, nhưng ở ngay trong miệng, trong lòng họ, và họ dễ dàng đem ra thực hành.

Thật vậy trong đạo chúng ta việc nắm bắt và hiểu biết toàn bộ giáo lý không phải là điều chính yếu, nhưng chính việc sống đạo, có tinh thần của đạo, có đức tin thật mới là quan trọng và cần thiết vì thế một nhà thần học hiểu biết uyên thâm về Chúa và có đức tin sâu sắc, như trường hợp thánh Phaolô tông đồ vừa suy tư về vai trò của Đức Kitô, hoặc trường hợp các nhà thần học đạo đức, là một tín hữu đúng nghĩa và đáng khen. Thế nhưng một cụ già chỉ biết lâm râm vài kinh đơn sơ mà tâm hồn đầy tình mến đối với Chúa, hướng về Chúa, kết hợp với Chúa cũng là một giáo hữu tốt lành, thậm chí đáng khen hơn rất nhiều giáo hữu khác đạt mức hiểu biết giáo lý và lẽ đạo hơn nhưng không có đức tin thật và sống đạo hời hợt. Về việc sống đạo cũng thế: một mặt không kẻ tin nào chu toàn được hết mọi bổn phận của một kẻ tin, nhưng đồng thời vẫn có thể là tín hữu tốt chỉ bằng việc sống những bổn phận hằng ngày thuộc cương vị của mình, như một người mẹ trong gia đình sống nên một người vợ chung thủy với chồng, ân cần với con cái. Người mẹ ấy có khi không làm được những việc lớn lao và anh hùng, nhưng vẫn có thể nên thánh trong chính những việc nhỏ như săn sóc chồng con, quét nhà nấu ăn, làm vườn, chăn nuôi... Nói như Môsê, cách thể hiện lòng mến Chúa ở ngay tầm tay của người ấy, cách nên thánh không ở đâu xa vời nhưng ở ngay sát kề người ấy, trong muôn van công việc lớn nhỏ mà người ấy làm với tình mến đối với Chúa và với tư cách một tín hữu của Chúa, cũng như Chúa Giêsu trả lời với người thông luật là để được sự sống đời đời, chỉ cần thực thi các giới răn có sẵn của Chúa.

Cũng thế cách thức thể hiện lòng bác ái cũng không phải là điều cao sang và khó đạt tới vì vấn đề không phải là người ta phải tìm hiểu xem ai là người thân cận mà mình phải yêu thương trái lại vấn đề là mình có sẵn sàng chứng tỏ tình thương với kẻ khác hay không. Như Chúa Giêsu muốn dạy: vấn đề không phải là tự hỏi ai mới là người thân cận của tôi, mà vấn đề được Chúa đảo ngược lại, nghĩa là tôi có muốn coi một người này một kẻ nọ là người thân cận tôi phải quý mến hay không.

Tóm lại, giáo lý của đạo và mệnh lệnh của Chúa vừa rất sâu rộng, vừa rất giản dị. Người ta có thể chẳng hiểu gì về những tư tưởng thần học hay Kinh Thánh, như trường hợp biết bao người giáo hữu quê mùa, nhưng vẫn sống đạo một cách sâu sắc qua việc lâm râm đọc hàng trăm hàng ngàn Kinh Kính Mừng hoặc những lời nguyện tắt với trái tim, nghĩa là với lòng mến đối với Chúa. Người ta cũng có thể sống được đức ái đối với tha nhân, mà không phải sang miền này nước nọ phục vụ hàng ngàn hàng triệu người, nhưng chỉ cần quý mến chính những người mình gặp gỡ hàng ngày trong môi trường chung quanh mình.

Chúng ta tạ ơn và ngợi khen Chúa, vì người là Người Cha đầy tình thương và quyền năng, đã dọn cho chúng ta là con cái những lương thực hợp cho mọi hạng người và mọi nhu cầu từ cao xa đến giản dị, tùy thực tế và mong muốn của mỗi người . Xin Chúa giúp chúng ta ngày một hiểu thêm về lẽ đạo và thánh ý của Chúa, nhất là ngày càng tiến triển thêm trong lòng mến của ta đối với Chúa và đối với tha nhân.

Antôn Trần Thế Phiệt

 

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C