GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XVI NĂM C

Theo những mô tả và tường thuật của Kinh Thánh, Thiên Chúa của Đạo chúng ta là một vị Thiên Chúa đi vào trần gian hiện diện trong lịch sử và giữa nhân loại, cũng như hoạt động không ngừng. Tuy là Đấng vô hình và thuộc cõi trời, nhưng Thiên Chúa không ở xa con người, trái lại nhiều lúc đồng hành với con người. Có thể nói, giữa Thiên Chúa và nhân loại luôn luôn có một liên hệ mật thiệt, một sự gắn bó keo sơn. Hình ảnh và sự có mặt của người ẩn hiện suốt từ chương đầu tiên của Kinh Thánh,  qua việc chiều chiều người đến với hai ông bà Ađam-Eva để bách bộ và hàn huyên bên nhau. Đến chương cuối cùng của sách Khải huyền là cuốn cuối cùng trong Kinh Thánh, ta vẫn gặp lời cầu xin thiết tha của Hội thánh và nhân loại: “lạy Chúa Giêsu xin hãy đến”. Có thể nói trong mọi giai đoạn lịch sử của nhân loại, không lúc nào Thiên Chúa vắng bóng hoặc hoàn toàn bỏ rơi con người.

Bài đọc I kể lại lần Thiên Chúa hiện ra với Apraham, tổ phụ dân Do thái. Chẳng biết được linh ứng thế nào, tác giả nói có ba vị đến thăm Apraham. Trong Cựu Ước Ta có nghe nói đến Thiên Chúa, sự Khôn Ngoan và lời của Thiên Chúa, chứ chưa thấy có mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Có lẽ sự kiện ba Vị khách hiện ra với Apraham đây báo trước về mầu nhiệm Ba Ngôi sau này.

Đến Tân Ước, chúng ta được biệt mầu nhiệm Nhập Thể: chính Con Thiên Chúa đi vào trần gian, trở thành người phàm như chúng ta và cắm lều ở giữa nhân loại. Tuy là chính Thiên Chúa tối cao, Đức Giêsu đã sinh sống trên đất Do thái, đi lại, nói năng, làm các phép lạ. Ngài có mặt tại khắp nước Do thái, từ Bắc chí Nam. Bài Tin Mừng ta vừa nghe tường thuật về lần Ngài đến nhà ba chị em Mác ta, Maria và Lagiarô. Ngài đến với tư cách một người bạn thân, không quan cách, không lễ nghi. Nhân loại chúng ta chưa bao giờ giám nghĩ đến một sự thân mật và gần gũi như thế của một Đấng là hiện thân của Thiên Chúa, là chính Con Một của Thiên Chúa.

Và như ta thấy, qua hai đoạn Kinh Thánh hôm nay, mỗi lần Thiên Chúa đến với con người là một lần Người ban ơn lành hoặc một hồng ân, một quà tặng nào đó của Người. Cụ thể là lần đến thăm Apraham, đôi vợ chồng đã cao niên và còn hiếm muộn, Người đã loan báo một Tin Mừng lớn lao là Người sẽ ban cho họ một người con nối dõi, và năm tới, khi Người trở lại, bà Sara đã có một đứa con.

Cũng thế, trong lần đến nhà chị em Mác ta và Maria, Đức Giêsu chẳng những chứng tỏ với họ tình nghĩa của một người bạn thân, mà còn trình bầy giáo lý của đạo, giới thiệu về Nước Trời cho họ. Dĩ nhiên, trong cuộc gặp gỡ hôm ấy Đức Giêsu và hai chị em chắc hẳn cũng trao đổi về nhiều vấn đề thuộc đời sống thực tế và lãnh vực thế tục, và chính chị Maria cũng lăng xăng tất bật để chuẩn bị một số món ăn để tiếp đãi Đức Giêsu. Nhưng ở đây, tác giả Luca nói về Đức Giêsu đã dùng từ “Chúa”: Chúa đáp: Mác ta, Mác ta ơi, chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất. Qua từ “Chúa” này, tác giả Luca muốn nghĩ đến Đức Giêsu sau Phục sinh, một Đức Giêsu đã thuộc cõi trời, đã đưa Nước Trời vào trần gian, mở ra một giai đoạn mới, trong đó điều cần thiết nhất cho con người là hướng về Chúa, ngồi bên chân Chúa, lắng nghe và thực thi mọi lời của Chúa. Mọi điều khác từ nay chỉ đáng coi là thứ yếu, thậm chí không còn cần thiết.

Nối tiếp Thiên Chúa trong Cựu Ước và Đức Giêsu trong Tân Ước, các môn đệ của Đức Giêsu cũng là những con người đi vào đời, đến với tha nhân. Và mỗi bước đi của họ, giống như mỗi bước đi của Thiên Chúa và của Đức Giêsu phải là một bước đi mang lại cho tha nhân những phục lành của Thiên Chúa, nhất là mang đến Nước Trời và ơn cứu độ. Nói như thánh Phaolô mọi người môn đệ của Chúa, trong đó có chúng ta phải theo gót Chúa, đi đến mọi môi trường, để loan báo Lời Chúa cho tha nhân, để phục vụ Hội Thánh Chúa dù nhiệm vụ đó buộc người môn đệ phải chạm trán với nhiều vất vả cam go. Nhưng đó không phải là những sự khốn khó đáng ghê sợ, trái lại đó chính là cách kẻ tin nên giống Chúa mình, bổ túc cho những đau khổ còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, và để làm cho Nước Trời mau đến.

Antôn TrầnThế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C