CN 18 TN – C

 

CHỮA LÀNH HAY GÂY VẾT THƯƠNG?

 

Đề tài của PV Lời Chúa hôm nay là vấn đề của cải vật chất. Nhưng xin được dùng hình ảnh ông nhà giàu để suy nghĩ với anh em theo một hướng hơi khác.

Kiểu sống với những toan tính của ông nhà giàu như thế cho thấy ông chỉ củng cố bản thân ông, ông chỉ biết nói với bản thân ông, ông không biết nhìn lại mình để điều chỉnh, ông sống khép kín. Kiểu sống này hôm nay sẽ gây ra các xung đột, sẽ mở rộng các vết thương.

1. Để chữa lành các vết thương do xung đột, chúng ta phải nghĩ đến việc cung cấp sức lực cho người khác, làm cho họ vững mạnh. Chúng ta làm được điều này khi cho người khác thấy đời họ có ý nghĩa và cảm nhận được là ta muốn có họ và chấp nhận họ. Quả thật, khi ta cảm nhận rằng một người khác thích ta trong hiện trạng của ta, ta ý thức hơn về mình như là một con người có giá trị.

2. Để chữa lành các vết thương, chúng ta còn phải nghĩ đến việc cầu nguyện với Thiên Chúa, chứ không phải chỉ nói với “hồn ta ơi!”, vì biết Thiên Chúa chấp nhận chúng ta, chúng ta quý giá dưới mắt Thiên Chúa. Ý thức này biến một con người lạnh lùng chán chường thành một con người nồng ấm và quảng đại, vì cảm nhận mình “được yêu thương” mời gọi đáp trả tình yêu. Khi đó, chúng ta vượt qua được nhiều giới hạn, và nhìn tương lai với cái nhìn tin tưởng và vui tươi.

3. Khi đó phát sinh ra một phản ứng nữa để chữa lành các vết thương: sự hoán cải. Người nào càng dâng mình cho tình yêu của Thiên Chúa, thì càng thư giãn, thân ái, nhạy cảm hơn với các nhu cầu của người khác. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, người này đã trở thành “con Thiên Chúa”, một người thích làm theo ý của Chúa Cha, một người được sinh ra trong Thánh Thần, Đấng giúp gọi Thiên Chúa là “Abba”.

4. Một cách tự nhiên nhất để lớn lên cách mạnh khỏe, đó là được làm thành viên của một gia đình khỏe mạnh. Cộng đoàn tu sĩ phải có được bầu không khí gia đình ấm cúng. Được một cộng đoàn thân ái giúp đỡ, người ta có thể đi đến chỗ khám phá ra rằng các vết thương mình đang mang trong lòng không phải là nguồn gây ra sự chua chát thất vọng, nhưng như là khởi đầu của sự giải thoát, nhờ cậy trông vào Thiên Chúa. Cộng đoàn này sẽ tiếp tục củng cố người khác, cầu nguyện với Thiên Chúa, và biết hoán cải bằng cách dâng mình cho tình yêu Thiên Chúa.

Thánh lễ chúng ta dâng mỗi ngày chính là thời điểm chúng ta sống được bốn điều tuyệt vời, mà cũng là một điều duy nhất, trên đây. Đó là đón nhận và cống hiến tình yêu. Đây là điều mà ông nhà giàu trong bài Tin Mừng không hiểu được.

 

Lm. Fx Vũ Phan Long, ofm


GỢI Ý GIẢNG LỄ C