GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XVIII THƯƠNG NIÊN, NĂM C

 

“Phù Vân”. Mọi sự đều là phù vân: càng suy nghĩ về tư tưởng này của tác giả sách Giảng viên ta càng thấy lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, quả thật đầy dẫy những sự kiện nói lên tính phù vân mong manh. Ngay trong đoạn sách chúng ta được đọc hôm nay, chúng ta đã gặp trường hợp môt người vất vả gầy dựng cơ ngơi cho mình mà thình lình cái chết ấp đến, phải bỏ lại cơ ngơi đó cho người không vất vả được hưởng dùng. Rồi trong thời đại của mình, tác giả sách giảng viên có lẽ đã chứng kiến hoặc nghe nói đến những triều đại huy hoàng của vua Đavit, vua Salômôn hoặc nhiều vua của giòng hộ Đavit nay đã tiêu tan theo lịch sử như một giấc mơ. Đến thời chúng ta hiện nay, bao nhiêu đế quốc lớn mạnh đã nối tiếp nhau xuất hiện rồi cũng đã biến mất. Về cá nhân, hàng triệu con người ban đầu còn đầy sức sống và khả năng, thực hiện được rất nhiều công trình lớn nhỏ, chẳng mới chóc đã đi vào tuổi già, trở thành những con người kiệt sức, bệnh hoạn, sống mà như vô nghĩa, nhiều lúc thấy chết đi còn hơn là sống.

Đó toàn là những điều phù vân mau qua rất thật trong đời người. Thế nhưng hầu hết mọi người không dễ chấp nhận. Đa số người ta chỉ chấp nhận khi đã cao niên, hơi tàn sức kiệt không còn khả năng thực hiện được việc gì nữa. Có người chỉ chấp nhận khi phải đối diện với những thực tế đắng cay: ví dụ bị đại bại hoặc trắng tay trong công việc làm ăn, bị bạn tình phụ bạc, bị những người cộng tác với mình và được mình hết lòng tin tưởng lại lừa đảo mình, nhất là khi thấy mình đứng trước giờ chết không sao tránh nổi.

Có người cần được nhắc nhở luôn mới dễ nhớ tính phù vân đó. Người ta kể rằng hoàng đế Xêgia của La mã, khi oai phong đứng trên xe tứ mã để duyệt qua các hàng dài sĩ quan và lính tráng cũng như dân chúng đứng hai bên tung hô, thường có một người mặc đồ đen từ đầu đến chân đứng bên cạnh và nhắc nhở: tất cả những cảnh tưng bừng hồ hởi trước mặt Ngài đây chỉ là phù vân thôi đấy và sẽ có ngày qua đi hết.

Một nhóm người khác đi đến nhận thực về tính phù vân của mọi sự trên đời sớm hơn những kẻ khác. Họ là những người biết suy nghĩ sâu xa về các sự kiện xảy ra chung quanh mình, hoặc nhờ đã thấm nhuần phần nào những lời Chúa dạy. Chẳng hạn thánh Phaolô tông đồ, người đã trở lại cùng Đức Giêsu và đã có một đời sống và một đức tin hoàn toàn thay đổi so với lúc trước. Người nhận thức rõ về tính phù vân của mọi thực tại trần thế, nên thiết tha khuyên nhủ giáo hữu Cô-lô-xê hãy hướng lên những điều thượng giới, nơi Đức Kitô ngự trị, và loại trừ những dục vọng hay đam mê xấu của con người xác thịt.

Nhưng trên hết mọi người, Đức Giêsu là Đấng hoàn toàn biết rõ về tính phù vân mau qua của mọi thực tại thuộc thế gian. Với tư cách là người Con  trong cung lòng Cha, Ngài biết mình được Cha yêu thương mọi lúc và phú ban mọi sự cho Ngài. Bởi đó, Ngài không còn thiếu điều gì và không màng đến điều gì ở ngoài Cha. Khi vào trần gian, Ngài không màng đến những thứ của cải hay chức quyền mau qua của thế gian. Ngài chọn một đời sống nghèo khó: không xuất thân từ một gia đình giàu sang, nhưng sinh ra trong nghèo khó, sống quãng đời ẩn dật trong nghèo khó và trải những năm hoạt động công khai trong ngheo khó, không có nhà riêng, không có nơi gối đầu, cuối cùng còn chấp nhận cái chết trần trụi trên thập giá. Khi rao giảng về Nước Trời,  lời đầu tiên của Ngài là chúc phúc cho những kẻ nghèo khó.

 Theo bài Tin Mừng hôm nay, có người đến xin Ngài giúp đỡ mình trong việc phân chia tài sản với người anh. Nhưng Ngài không nhận lời, vì không muốn can thiệp vào những tranh chấp giữa họ với nhau và vì Ngài xuất đời luôn luôn sống thanh thoát, không màng tới của cải giàu sang. Nhân đó, Ngài khuyên người ấy cũng như các môn đệ hãy lo tránh mọi thói tham lam, ham thích được giàu sang dư dật, vì không phải mạng sống  con người được bảo đảm nhờ của cải dư dật. Và Ngài khuyên người ta hãy biết sống cho Nước Trời, hãy biết thu tích của cải cho mình trước mặt Thiên Chúa, kẻo rơi vào số phận của người phú hộ, tưởng có thể ung dung nhờ các kho lẫm đầy ứ lúa thóc, nhưng trật ra phải đột xuất xuôi tay nhắm mắt và mất mọi sự.

Vậy nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta xin ơn soi sáng để nhận ra đâu là điều cần thiết và chính yếu, đâu là điều thứ yếu trong đời sống, cũng như để xác tín rằng chỉ những ngày giờ nào ta đầu tư cho phần rỗi đời đời mới là những ngày giờ có giá trị và tồn tại mãi mãi, ngược lại mọi ngày giờ chúng ta sống cho sự phù vân thì chỉ là những ngày giờ vô ích, thậm chí có hại cho phần rỗi mà thôi.

Antôn Trần Thế Phiệt.

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C