GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XX THƯƠNG NIÊN NĂM C

          Trong suy nghĩ và nhận định của người Việt Nam chúng ta có hai câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” và “thuốc đắng giã tật”.

“Thương cho roi cho vọt”  nghĩa là ví dụ trông việc giáo dục con cái, cha mẹ nào muốn con mình về sau trở nên ngoan ngoãn, thì cần biết uốn nắn, thậm chí đánh đòn khi con có lỗi. Cha mẹ nào chỉ biết cưng chiều con, không nhắc bảo và không trừng phạt khi con phạm lỗi lúc còn nhỏ, thì về sau đứa con đó dễ hư hỏng, dễ rơi vào những lỗi lớn hơn.

Đối với học sinh ở nhà trường cũng vậy, theo phương pháp giáo dục ngày trước, có nhiều thầy cô rất khe khát, áp dụng kỷ luật, thậm chí lấy roi đánh phạt khi học trò phạm một lỗi nặng. Dĩ nhiên con cái bị cha mẹ dành cho những trận đòn hoặc những lời chửi mắng, cũng như học sinh bị thầy cô trừng phạt, bao giờ cũng thấy khó chịu, tức tối thậm chí căm ghét cha mẹ hoặc thầy cô. Chúng coi những tiếng chửi hoặc lằn roi của người trên là cách cư xử độc ác, khó chấp nhận. Thế nhưng khi lớn lên biết bao người mới hiểu được lợi ích của những lần mình bị trừng phạt trong quá khứ. Có nhiều người khi nghĩ lại, thay vì oán trách cha mẹ hay thầy cô, đã biết ơn những lần cha mẹ hay thầy cô trừng phạt  khi mình còn nhỏ. Bởi vì chính những đòn vọt hay những lời chửi mắng khi trước đã giúp mình tránh được những lỗi phạm nguy hiểm và giúp mình ngày nay nên người (xem thêm bài hai Chúa nhật XXI năm C).

Về “thuốc đắng giã tật”, người ta kể có một tử tù nọ khi bị dẫn ra nghĩa trang và được phép nói những lời cuối cùng trước khi bị xử bắn, đã thậm tệ trách móc người mẹ: vì bà không biết dạy dỗ tôi, nên hôm nay tôi bị tử hình. Lúc nhỏ tôi lấy trộm một cái trứng, bà không nói gì, rồi tôi bắt trộm một con gà bà không nói gì, tôi bắt trộm một con chó trong làng bà không nói gì. Đến khi lớn lên, tôi có súng, thực hiện một số vụ ăn cướp. Cuối cùng tôi chận honda, giết tài xế honda trên một đoạn đường vắng rồi bị phát hiện, bị truy đuổi, tôi chạy lên trung tâm thị xã và để tự vệ, tôi bắn súng chống trả công an sắp bắt tôi, khiến đạn đi lạc và làm chết một người dân bên kia đường, để hôm nay bị tử hình.

Chắc chắn Ngôn sứ  Giê-rê-mi-a, vào thời gian trước cuộc lưu đầy Babilon, đã thấy đồng hương mình sống ngược Giao ước, vi phạm các giới răn và làm mất lòng Giavê, do đó ông đã có những lời rao giảng và những lần lên án cách sống của Dân chọn là đồng hương mình, khiến họ coi đó như những lần ngôn sứ đánh đòn họ hoặc bắt họ uống thuốc đắng.

Ngôn sứ thấy trước đại họa mà dân mình sắp gặp phải, đó là quân thù đến tàn phá quê hương và nhiều người sẽ bị đi lưu đầy. Chỉ vì thương Dân mình, mà ngôn sứ vừa báo trước cho họ về những nguy hiểm trước mặt, vừa đe dọa họ nếu họ không sám hối và thay đổi đời sống. Nhưng giống như những đứa con hoặc những em học sinh không hiểu tình thương của cha mẹ và thầy cô, dân Do thái thời đó đã căm ghét ông, phản đối và lên án ông, cho rằng ông chỉ là người toàn loan báo điều sui xẻo, khiến mọi người dân cũng như toàn thể quân đội nản chí, mất hết tinh thần. Đến nỗi họ xin vua cho phép giết chết Giê-rê-mi-a. May mà họ chỉ mới bỏ ngôn sứ xuống một hầm nước và được một người tốt bụng can thiệp với Vua và kéo ông lên kịp.

Sở dĩ Giê-rê-mi-a phải nhắc khuyên cảnh tịnh Dân và không dấu diếm Dân về cảnh mất nước đến nỗi bị họ căm ghét, chính vì cõi lòng của ông nồng nàn yêu thương Dân mình, không muốn Dân rơi vào tai họa. Hơn Giê-rê-mi-a, trái tim Chúa Giêsu còn như một lò lửa mến hừng hực cháy Ngài nói Ngài đến ném lửa vào mặt đất và chỉ muốn lửa ấy bùng lên. Lửa Ngài nói đây chính là tình mến nồng nàn trong cõi lòng của Thiên Chúa Cha và của Ngài, và Ngài không mong gì hơn là mọi cõi lòng trong  Dân Israel và trong nhân loại đều bừng lên thứ lửa mến ấy. Bởi vì Ngài khao khát cho hết mọi người được cứu độ, được thoát khỏi tội lỗi là thứ tai họa còn đáng sợ hơn cảnh mất nước nhà tan mà Giê-rê-mi-a ngày trước lo sợ cho Dân mình. Thế nhưng tình mến nơi lòng mỗi người mỗi khác, nên trong nhân loại, thậm chí trong từng gia đình sẽ có sự khác biệt, thậm chí đối nghịch nhau. Chúa Giêsu nói đến gươm giáo và sự chia rẽ, đó là vì để theo Ngài, để trung thành với Ngài  và để đặt ơn cứu độ, người ta phải quyết liệt chiến đấu với tội lỗi và có khi phải can đảm sống ngược với chính những người thân của mình, vì thế Chúa báo trước, cha sẽ chống lại con trai, con trai chống lại cha, mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ vv…

Vậy có thể nói tình mến đã đảo lộn mọi sự: đảo lộn đời sống và cõi lòng của ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng như của Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi nhận biết và đắp lại tình mến của Chúa đối với mình, để làm cho tình mến của Chúa cũng thiêu đốt cõi lòng của mình, khiến mình biết khao khát ơn cứu độ, cho dù phải chiến đấu với tội lỗi và phải hy sinh đến cùng, như chính các ngôn sứ và Chúa Giêsu đã nêu gương. Chúng ta cũng hãy ý thức những lần Chúa để chúng ta gặp nghịch cảnh hay thử thách, trái với ý thích của mình chính là những lần Chúa muốn nhắc khuyên ta, để đào luyện ta nên xứng tư cách môn đệ Ngài hơn, hoặc để ta uống một liều thuốc đắng và nhờ đó tật bệnh nào đó của ta được chữa khỏi.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C