GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXII THƯƠNG NIÊN NĂM C

Lời Chúa hôm nay đề cấp đến tính khiêm nhường và lòng vô vị lợi.

Ngay từ thời Cựu Ước xa xưa, Dân Israel đã được dạy cho biết sự tai hại của tính kiêu ngạo và giá trị của sự khiêm nhường. Nhờ giáo huấn của các tác giả Kinh Thánh, các kinh sư và các ngôn sứ, họ nhớ rõ tội kiêu căng của nhóm thiên thần phản loạn, với hậu quả là chúng mất tình nghĩa với Thiên Chúa, trở thành tức là ma quỷ và đời đời bị trầm luân trong hỏa ngục. Họ cũng không quên tội bất tuân và kiêu ngạo của ông bà Ađam Eva, khi cố tình trái lệnh cấm của Thiên Chúa với hậu quả đáng buồn là hai ông bà bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng và mãi mãi mất cuộc sống hạnh phúc êm đềm bên cạnh Thiên Chúa.

Ngược lại, nhiều lần họ được giáo huấn về sự khiêm nhường. Ví dụ có ngôn sứ dùng hình ảnh đất sét trong tay người thợ gốm, để nhắc cho họ về tinh thần ngoan ngoãn trước mặt Thiên Chúa, hoàn toàn tin cậy và phó thác nơi bàn tay dìu dắt hay uốn nắn của Thiên Chúa, giống như cục đất sét mềm nhũn trong tay người thợ gốm, chấp nhận để cho người ấy toàn quyền nắn đúc mình thành cái lọ này hay cái bình nọ. Đó cũng là lời dạy của tác giả sách Huấn ca mà chúng ta vừa nghe. Ông sống vào quãng 200 năm trước Đức Giêsu. Có lẽ đây là thời kỳ có nhiều người trong dân Israel bắt đầu ăn nên làm ra, trở nên giầu có, nhiều người sinh thói tự tôn tự mãn, đồng thời cũng là lúc dân cư của một số nước chung quanh đi vào sinh sống làm ăn trong nước Israel, đặc biệt nhiều người Hy Lạp, với thái độ tự hào kiêu căng về nên văn hóa và sự hiểu biết rộng rãi của họ. Tác giả ấy thiết tha khuyên nhủ đồng hương mình hãy biết khiêm hạ, vì theo ông, kẻ khiêm hạ thì làm đẹp lòng Thiên Chúa và vì sự cao trọng của Thiên Chúa luôn tỏ lộ rõ ràng nơi những con người khiêm hạ. Có lẽ tư tưởng của tác giả này cũng sẽ góp phần vào việc làm xuất hiện nhóm người nghèo của Giavê vào cuối thời Cựu Ước. Đây là những người có tâm hồn và lối sống đơn thành, khiêm nhường, coi mình là nhỏ hèn, là tôi tớ trước mặt Thiên Chúa. Ta biết trong nhóm người này có những khuôn mặt nổi bật như ông Giacaria bà Isave, thánh Gioakim, bà thánh Anna, Đức Maria, thánh Giuse, thánh Gioan tẩy giả…

Đến thời Tân Ước, Đức Giêsu tiếp vào giáo huấn trên đây của các ngôn sứ và tác giả sách Huấn ca, cũng khuyên nhủ môn đệ mình và mọi người luôn sống khiêm nhường. Đối diện với nhóm Biệt phái (Pharisêu) đang dò xét từng cử chỉ hành vi và chăm chú nghe từng lời của Ngài, cốt ý để phê bình hay bắt bẻ, như đoạn Tin Mừng cho thấy, Ngài đã lợi dụng bữa ăn có đông người Biệt phái lúc đó, để khuyên người ta hãy có thái độ khiêm nhường và vô vị lợi. Cụ thể là Ngài khuyên khi được mời dự tiệc, người ta nên ngồi ở chỗ chót, chứ đừng lo chiếm chỗ nhất trên bàn đầu, để rồi chủ nhà đến mời mình lên chỗ cao hơn, vì tôn trọng và vì nhận biết tư cách của mình. Hoặc khi thết đãi ai, người ta nên mời những người nghèo khó tàn tật, không có điều kiện mời lại mình để trả ơn. Giờ đó người ta sẽ có công trước mặt Thiên Chúa và sau này được ban thưởng bù lại.

Chắc nhiều người cho là cách Chúa Giêsu khuyên dạy ngay trong bữa tiệc như thế là thiếu tế nhị, không thích hợp và đáng chê. Thế nhưng đây là phản ứng của Chúa cho nhóm Biệt phái đang rình mò Ngài.

Những lời khuyên của tác giả sách Huấn ca và của Chúa Giêsu là những lời khuyên rất hợp với đạo đức và nhân bản. Có điều người ta thường cảm thấy khó thực hiện,  vì theo khuynh hướng tự nhiên, người ta thường hay tự tôn, thương thích kẻ khác đề cao mình, và thường có tính vị lợi, làm gì cũng hay làm vì mình và khó giúp kẻ khác một cách hoàn toàn vô vị lợi.

Thế thì làm sao kẻ tin là chúng ta có thể thực hiện được những lời khuyên đó? Chúng ta có thể thực hiện được, một là nhờ gương sáng của Đức Giêsu, hai là nhờ ý thức về lúc kết cuộc mà mình đang tiến tới.

Về Chúa Giêsu, ta thấy Ngài không chỉ là người nói bằng lời và khuyên suông, nhưng đã đích thân sống những lời mình khuyên dạy kẻ khác. Bằng chứng là, tuy thực sự mang tư cách Thiên Chúa cao cả, Ngài đã khiêm nhường thẳm sâu: qua việc sinh làm hai nhi bé nhỏ, nghèo hèn, sống hơn 30 năm cũng trông khiêm hạ và giản dị, qua việc tận tình phục vụ tha nhân, và cuối cùng còn cúi xuống rửa chân cho chính các môn đệ của mình, và tự hủy bản thân, chấp nhận cái chết trần trụi trên thập giá. Ngài cũng chứng tỏ một sự vô vị lợi tuyệt đối, khi tự nguyện yêu thương nhân loại, yêu thương cả những con người tội lỗi bất xứng, mà không mong cũng  không đòi ai đáp lại tình thương của mình.

Gương sống của Ngài chính là bài học còn giá trị và thuyết phục hơn mọi lời dạy của Ngài gấp bội.

Bên cạnh gương sống sáng chói của Chúa Giêsu, kẻ tin chúng ta còn được khích lệ thêm qua cùng đích của đời mình: chúng ta không những là môn đệ của một vị Chúa thẳm sâu khiêm nhường, trong thời gian chúng ta đang sống trên cõi thế, mà sâu xa hơn, chúng ta còn đang là đoàn người tiến về thành thánh trên trời, nơi mọi anh em đi trước của chúng ta đang hân hoan thờ lại và ca ngợi Thiên Chúa tối cao cùng với Đức Giêsu, người anh cả của chúng ta.

Tóm lại, khi chúng ta, kẻ tin trong Hội Thánh được khuyên nhủ sống khiêm nhường và vô vị lợi, không phải là được mời gọi thực thi một điều ngược đời và quá khó khăn quá lý tưởng, bởi vì trước chúng ta đã có những gương sống cụ thể: đó là chính Đức Giêsu, vị Thầy của ta, cũng như muôn vàn anh chị em đi trước chúng ta và đã là những con người sống thật sự khiêm hạ và vô vị lợi.

Antôn Trần Thế Phiệt

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C