GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXIV THƯƠNG NIÊN NĂM C

Một số nhà chú giải Kinh thánh coi chương 15 của Tin Mừng Luca, nhất là dụ ngôn về người con hoang đàng, như “Tin Mừng đích thị là Tin Mừng” hoặc như “cốt lõi của Tin Mừng”. Dĩ nhiên người ta có thể nói Tin Mừng là toàn bộ sứ điệp hay lời rao giảng của Chúa Giêsu, được diễn tả trong bốn cuốn sách Tin Mừng, nhưng nếu có người muốn biết Tin Mừng chủ yếu là gì, Tin Mừng thật chính xác là gì, ta có thể trưng dẫn ba  dụ ngôn của thánh Luca làm câu trả lời. Vì ba dụ ngôn đó cho thấy tình thương hãy hà của Thiên Chúa: rồi giống như một chủ chăn  không thể ngồi yên khi có một con chiên đi lạc, và bằng mọi giá, quyết tìm lại nó cho bằng được, Thiên Chúa cũng xốn sang ruột gan khi có một người đi vào đàng tội, và Người chỉ khát khao sớm tìm lại được kẻ tội lỗi đó. Giống như người phụ nữ có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, khi Thiên Chúa mất một người con, Người cũng đôn đáo tìm lại cho bằng được. Cuối cùng giống như người cha trong dụ ngôn Chúa kể, sau khi chia gia tài cho đứa con thứ như nó yêu cầu, và sau khi nó bỏ nhà ra đi, những thương nhớ mong chờ, ngày nào cũng trông ngóng con mình trở về và trong lòng đã hoàn toàn tha thứ cho nó, Thiên Chúa cũng vậy: khi có một người tội lỗi rời bỏ Người, mọi lúc Người thương nhớ kẻ đó, không một phút giây nào có ý tưởng lên án và ghét bỏ nhưng chỉ luôn có một tâm tình, một ước mơ là kẻ đó hồi tâm lại và trở về, để Người được giang rộng cánh tay ôm ấp.

Các dụ ngôn đó, nhất là dụ ngôn về người con hoang đàng chứng tỏ Thiên Chúa có một tình thương, không thể hiểu được, một lối xử sự khoan dung hết mức đối với kẻ lầm đường lạc lối. Có thể nói Người coi tội lỗi của họ như không có và sau khi họ phạm tội người lại còn quý thương họ hơn cả lúc trước đúng là dụ ngôn này, phản ảnh thái độ ân cần quý thương và chấp nhận những kẻ tội lỗi đến với Người, đã là sự kiện gai chướng đối với những Biệt phái mọi lúc đang dò xét theo dõi Ngài, khiến họ không thể chấp nhận và phải thắc mắc chê bai.

Dĩ nhiên tình thương của Thiên Chúa không chỉ được diễn tả qua các dụ ngôn này của Tin Mừng Luca, mà còn được minh chứng qua nhiều sự kiện khác trong Cựu Ước và trong đời Chúa Giêsu. Lời Chúa hôm nay đề cấp đến sự kiện xảy ra thời ông Môsê và trường hợp thánh Phaolô Tông đồ.

Sách xuất hành kể lại rằng sau khi dân Do thái ra khỏi Ai cập và đi đến chân núi Sinai, Giavê (Đức Chúa) đã gọi ông Môsê lên núi. Khi ông còn diện kiến Giavê, chưa xuống lại, dân tưởng ông đã bị chết nên vội vàng đúc một tượng Bò vàng sụp lại nó, coi nó là vị thần của mình, khiến Giavê thấy họ là đoàn dân vô ơn bạc nghĩa, mới đó đã quên ơn Người cứu thoát họ Ai cập và khiến Người quyết tiêu diệt họ, thế nhưng Người đã nguôi giận và tha thứ, khi ông Môsê van nài can gián Người.

Về thánh Phaolô Tông đồ cũng vậy. Mặc dù ban đầu Ngài là một đồ đệ cuồng nhiệt của nhóm Biệt phái, đã đi từ thành này sang thành nọ, lùng sục để bắt bớ và giam nhốt các Kitô hữu. Nhưng chính lúc đang còn phạm tội tây đình như thế Đức Giêsu Phục sinh đã thương xót Ngài, tỏ mình cho Ngài và sau đó biến đổi Ngài thành một tông đồ hăng say làm chứng cho Đấng Phục sinh cũng như mở mang Hội Thánh. Đặc biệt, sau khi thấu hiểu lòng khoan dung của Chúa đối với mình, Ngài đã chân thành và khiêm tốn nhận mình là kẻ tội lỗi và xác tín rằng Đức Giêsu đến trần gian chính là để cứu những người tôi lỗi, mà Ngài là người tội lỗi đầu tiên trong số đó.

Vậy cả ba bài Kinh thánh hôm nay là một minh chứng hùng hồn về tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi. Chúng ta cảm tạ ngợi khen tình thương của Người và xin cho mình ngày càng hiểu biết về tình thương đó, nhất là biết lấy cả đời sống mình mà đền đắp cũng như làm chứng cho tình thương đó.

Antôn Trần Thế Phiệt

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C