GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXVII THƯƠNG NIÊN NĂM C

Về số lượng phút và giây, một giờ đồng hồ có 60 phút, một phút có 60 giây. Giờ nào cũng giống giờ nào. Giờ nào cũng có bằng ấy phút, bằng ấy giây. Nhưng về tâm lý, các giờ khắc có thể không giống nhau. Một giờ đối với những người xum họp tiệc tùng vui vẻ bao giờ cũng có vẻ ngắn hơn so với một giờ của kẻ đang hồi hộp mong mỏi đợi chờ một người yêu hay một chuyện mình mong mỏi. Chính vì thế mới có nhận định “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Nghĩa là một ngày trong tù lâu bằng cả ngàn mùa thu ở ngoài đời tự do. Đó là câu nói muốn gợi ý rằng thời gian trở nên quá lâu quá dài đối với một ngườ bị giam trong tù đang mong sớm được tha về. Chắc chắn thánh Phoalô, trong lúc ở tù, và Kha-ba-cúc hồi ở Babilon đã nhiều khi có cảm nghiệm về thời gian như thế.

Ngôn sứ Kha-ba-cúc là vị ngôn sứ có lẽ sống cùng thời với các ngôn sứ Giêrêmia và Êzêkiel, tức là khoảng 600 năm trước Chúa giáng sinh. Rất có thể ông cũng có mặt trong nhóm người Do thái bị lưu đầy sang Babilon. Tại đây, cũng như các đồng hương của mình, càng ngày ông và họ càng nhớ về Quê cũ và khao khát sớm được thoát khỏi cảnh lưu đầy. Cũng như họ, ngày đêm ông cầu khẩn cùng Thiên Chúa.

Nhưng tháng này qua tháng khác, ông có cảm tưởng Thiên Chúa không hiện diện bên dất khác tức là Babilon đây, thậm chí Người còn bất lực và hết quyền năng trước các thần linh của Babilon. Càng kêu cầu, ông càng thất vọng. Ông diễn tả nỗi niềm của mình với Thiên Chúa dưới hình thức một cuộc đối thoại. Ông đặt câu hỏi: “Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa đã quá lâu rồi mà tại sao Chúa không nhậm lời. Đã vậy, Chúa còn để mặc quân thù tha hồ hành hạ chúng con. Càng ngày bọn chúng càng đối sử tàn ác hơn với chúng con, mặc dù bọn chúng xấu xa và tội lỗi, đáng Chúa đánh phạt hơn chúng con rất nhiều?”. Chính trong tình trạng tối tăm và tuyệt vọng như thế, ông đã nhận được lời an ủi của Chúa. Ông nghe Chúa bảo: “ngày Ta giải thoát các ngươi sắp đến, ngày ấy chắc chắn sẽ đến. Trong thời gian nó chưa đến, hãy bình tĩnh đợi chờ, đừng ngã lòng, vì thế nào nó cũng đến, vào thời điểm đã được ẩn định. Dân và những người đồng hương của con sẽ được giải thoát. Vấn đề là hãy có tâm hồn ngay thẳng để được sống”.

Tuy cảnh lưu đầy Babilon chỉ xảy ra cho Dân Giuđa ngày trước, tức là cho một nhóm nhỏ trong đại bộ phận nhân loại, nhưng những gì nhóm dân đó đã cảm nghiệm và trải qua cũng thích hợp cho mọi cộng đoàn hay cá nhân tín hữu của Chúa. Nghĩa là trong đời sống thực tế của chúng ta, chắc chắn sẽ có những lúc chúng ta rơi vào thử thách này hay thử thách khác, rơi vào tâm trạng lo âu thất vọng giống như họ. Và trong những hoàn cảnh đó, chúng ta cũng sẽ phải ngước nhìn lên Chúa, thiết tha cầu nguyện. Sẽ có lúc chúng ta nản chí, thất vọng, vì thấy Chúa im hơi lặng tiếng, không đoái hoài gì đến tình cảnh bế tắc của ta. Những lúc đó, giống như Chúa trấn an ngôn sứ Kha-ba-cúc, chúng ta cũng thấy rằng cần có sự kiên trì và cần có một đức tin vững vàng.

Giống như Kha-ba-cúc, khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, ta thường cầu nguyện cùng Chúa và ao ước sớm thoát khỏi những khó khăn đó. Ở đây, ta nghe Chúa nói: nếu anh em có đức tin bằng hạt cải. Câu nói này của Chúa có nghĩa là gì? Có thể có hai nghĩa: một là “đức tin nhỏ xíu như hạt cải”, hai là “anh em hãy có một hành động nhỏ xíu”. Nếu là “đức tin nhỏ xíu” thì ta nghĩ đó là điều khá dễ dàng, vì ta dễ có một đức tin nhỏ xíu như Chúa đòi hỏi. Nhưng lời này của Chúa còn đi đôi với ví dụ về người đầy tớ và lời khuyên hãy nhận mình chỉ là đầy tớ vô dụng sau khi đã làm các việc theo bổn phận của mình, nên ta có thể hiểu: nếu anh em muốn thấy một phép lạ (giống như thấy cây dâu tự bứng rễ và xuống mọc dưới đáy biển), thì anh em đừng muốn suông mà hãy có một hành động dù là nhỏ, nghĩa là phía anh em hãy thực hiện phần của mình, dù là bằng một việc nhỏ, nếu khả năng của mình chỉ được như thế, để góp phần với Chúa, còn phần Chúa, Chúa sẽ thực hiện những gì còn thiếu xót. Vì thường thường, khi muốn đạt tới một điều gì, ta thường muốn đạt tới ngay, trong khi mình chưa làm gì cả. Chúa muốn chúng ta hãy cố gắng, dù sức ta yếu hèn giới hạn. Muốn Chúa làm cho lời xin của ta được thành đạt, cụ thể là muốn cây dâu xuống mọc dưới biển, ta hãy lo cầu xin, hãy lo làm việc với đức tin, tránh thói chưa làm gì cả mà đã muốn thấy phép lạ. Giống như một người đầy tớ chưa làm gì cả mà đã muốn được ngồi vào bàn ăn và được chủ đi lại hầu hạ. Không, anh ta cứ làm tất cả những gì ông chủ muốn anh làm, không đòi hỏi phần thưởng. Khi anh ta đã làm xong phần việc được ẩn định cho mình đương nhiên ông chủ sẽ thực hiện phần của ông ấy, tức là sẽ cho anh được ngồi vào bàn và sẽ hầu hạ anh, như anh mong muốn.

Ta hãy nhớ: giống như Ti-mô-thê đồ đệ của thánh Phaolô đã được nhận đức tin và Thần khí, khi phía mình, Ti-mô-thê chưa làm được việc gì lớn, chưa có công trạng gì, ta cũng được Chúa thương đón vào Hội Thánh của Người. Ta xin ơn biết thường xuyên nhớ đến hồng ân cao vời mình đã lãnh nhận đó, và bằng sự cộng tác có thể là rất nhỏ nhoi chẳng đáng kể, nhưng thiết thực. Rất có thể từ những cố gắng hy sinh âm thầm nhỏ bé của ta Chúa sẽ thực hiện những phép lạ, sẽ đưa đến những kết quả vượt mọi ngờ tưởng của ta, tuy ta không chờ đợi và cũng không nên chờ đợi, vì mọi lúc ý thức mình chỉ là những đầy tớ vô dụng.

Antôn Trần Thế Phiệt

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C