GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT TRUYỀN NHẬT TRUYỀN GIÁO (CN XXX  NĂM C)

         

Trong thế kỷ 21 nhất là vào những ngày khánh nhật truyền giáo như hôm nay, chúng ta lại đặc biệt nhớ đến Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với Tông Huấn giáo hội tại Á Châu của Ngài. Trong Tông Huấn đó, Ngài ao ước thiên niên kỷ thứ III là thiên niên kỷ truyền giáo của Á Châu và Ngài trao sứ mạng truyền giáo cho ba nước có số giáo dân đông nhất: đó là Philíp Pin (80 triệu giáo dân) Việt Nam và Hàn Quốc(mỗi nước 8 triệu giáo dân). Vì thế, hôm nay chúng ta cần đặc biệt suy nghĩ về ba vấn đề:  nỗi niềm của Thiên Chúa đối với việc cứu độ, số lượng đông đảo những người Á Châu chưa được biết đến Tin Mừng và bổn phận của chúng ta là Kitô hữu Việt Nam.

Trước hết, Thiên Chúa là Cha yêu thương. Người đã vì yêu thương mà dựng nên nhân loại và mỗi cá nhân trong nhân loại. Người coi mỗi người là con yêu dấu của Người, được ra khỏi cõi hư vô, được hiện hữu trên đời, được chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Người. Người không muốn một con người nào đã được tạo dựng mà lại bị hư mất đời đời. Người muốn hết mọi người được cứu độ, nghĩa là được biết Tin Mừng về Người là Thiên Chúa Đấng yêu thương, về Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất và về Nước Trời, nơi có sự sống và hạnh phúc đời đời.

Thế nhưng, mặc dù Đức Giêsu Kitô đã đến trần gian, đã thực hiện công cuộc cứu độ, mặc dù Hội Thánh của Người đã xuất hiện và hoạt động hơn 20 thế kỷ qua, Tin Mừng ấy vẫn còn xa lạ đối với đại đa số trong nhân loại theo các con số thống kê, cho đến nay chỉ mới có chừng 3 phần trăm người Á Châu tin nhận Tin Mừng của Thiên Chúa. Tại Philíp Pin, tỉ lệ người tin Chúa đáng kể nhất, có lúc đạt tới trên dưới 80 phần trăm, và tại Việt Nam thì chỉ mới gần 8 phần trăm.

Sứ mạng của người công giáo Việt Nam chúng ta do đó thật cấp bách và nặng nề. Làm sao chúng ta đem Tin Mừng cứu độ đến cho gần 100 triệu người Việt Nam còn ở ngoài Hội Thánh. Dĩ nhiên theo suy nghĩ thần học ngày nay, ở ngoài Hội Thánh không có nghĩa là đương nhiên bị trầm luân nghĩa là xa hỏa ngục đời đời. Vì chắc chắn Thiên Chúa có nhiều cách để cứu độ con người. Nhưng gia nhập Hội Thánh và trở thành phần tử trong Hội Thánh chỉ là cách ưu tiên Thiên Chúa đã thiết lập, vì trong Hội Thánh, kẻ tin có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để được nghe biết Tin Mừng một cách đầy đủ, được biết Đức Kitô và những mạc khải của Người, được có những phương thế đưa kẻ tin đến ơn cứu độ. Kẻ ở trong Hội Thánh là kẻ ngay lúc đang sống trên đời, đã biết diễm phúc của mình là làm con cái Thiên Chúa, là được giải thoát khỏi nguy cơ bị xa Thiên Chúa, mất sự sống đời đời, nghĩa là ngay khi còn sống trên đời, họ đã biết cùng đích của đời mình, biết mình đang tiến về một tương lai tốt đẹp, biết mình sẽ được đón vào Cõi Phúc sau  khi lìa bỏ cõi thế.

          Do đó loan báo Tin Mừng cho những anh chị em ngoài Hội Thánh là một trách nhiệm của những người đã biết Đức Kitô, là một việc nghĩa quý báo nhất mà kẻ tin có thể mang đến cho những người chưa được phúc biết Đức Kitô và Thiên Chúa, Cha của Người. Bao lâu còn ở ngoài Hội Thánh, bấy lâu họ còn giống như những lữ khách chưa biết đi về đâu, giống như những người nghèo, thiếu thốn những sự cần thiết và sinh tử nhất cho đời mình. Loan báo Tin Mừng cho họ, là kẻ tin chúng ta giúp họ đổi đời, thực sự bước sang một giai đoạn mới với một hiện tại an bình và một tương lai hứa hẹn và hạnh phúc.

          Vấn đề là để truyền giáo nghĩa là chia sẻ Tin Mừng như vừa nói, kẻ tin chúng ta phải làm gì? Trước hết, chúng ta phải là những người đầy lòng tin yêu đối với Đức Kitô, những người cho thấy đời sống, lời nói hành vi của mình đã được thấm nhuần tinh thần của Đức Kitô, đã được đổi mới theo nghĩa tích cực do đức tin sâu xa. Ta thiết tha xin Chúa Thánh Thần giúp tất cả chúng ta trở thành những người công chính đúng nghĩa, trở thành những tông đồ nhiệt thành và sẵn sàng chấp nhận những hy sinh gian khó, giống như thánh Phaolô tông đồ nêu gương bằng đời sống hy sinh tất cả vì Tin Mừng và vì phần rỗi của mọi người.

Trong ngày khánh nhật Truyền Giáo hôm nay, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho nhiều kẻ tin đã ở trong Hội Thánh mà đang sa sút trầm trọng về đức tin, đang sống khô khan, thậm chí đang ở trong tội lỗi hoặc những môi trường xấu xa. Xin Chúa Thánh Thần khôi phục lại đức tin và lòng mến nơi họ, cũng như đẩy lùi mọi cạm bẫy của ma quỷ đang ngày càng nguy hại hơn và đe dọa phần rỗi của nhiều người.

Antôn Trần Thế Phiệt

 

GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA XXX NĂM C

-          Theo quan niệm Khổng giáo, của xã hội Trung Quốc, quân tử là hạng người lý tưởng và được đề cao. Họ là những người đối xử với kẻ khác và sống trong xã hội với thái độ cao thượng, quên mình và bác ái. Theo quan niệm thời Trung Cổ bên Âu Tây, hiệp sĩ và hạng người lý tưởng, mọi người đều đề cao ngưỡng mộ. Họ được coi là mẫu mực trong cách xử thế và anh Hùng trong các cuộc chinh chiến bảo vệ Tổ quốc. Còn trong quan niệm hay nền đạo đức của Cựu Uớc Do Thái và Kitô giáo, thì “công chính” mới là lý tưởng. Công chính đồng nghĩa với đạo đức, tốt lành. Công chính có thể được coi là nền tảng, cột trụ của nền đạo đức Thiên Chúa giáo.

-          Tất cả mục đích của một tín hữu Do Thái hoặc một Kitô hữu là cố gắng đạt tới sự công chính, bằng cách có một đức tin vững vàng, một đức mến sát son đối với Thiên Chúa, bằng cách thực thi các giới răn trong đạo một cách trọn hảo, để trở thành một người con đạo đức của Thiên Chúa và một người tử tế, không có gì thiếu sót và đáng trê trách đối với tha nhân.

-          Ai là người công chính? Về vấn đề này, có ba tiêu chuẩn:

+ một là được người đời hay các tín hữu khác đánh giá là “công chính”

+ hai là chính mình cho mình là công chính và đáng khen

+ ba là được Thiên Chúa phê phán là “công chính”.

Dĩ nhiên hai tiêu chuẩn đầu, tức là nhận xét của kẻ khác và sự đánh giá của chính mình, là hai tiêu chuẩn không luôn luôn chính xác. Vì kẻ khác chỉ có thể thấy được hành vi lối sống bên ngoài của mình, chứ không thể biết được nội tâm sâu kín, cũng như những nguồn gốc hay động cơ kín đáo của mọi lời nói hay hành động của mình. Còn bản thân mỗi người thì dễ chủ quan, không thấy những sai sót khuyết điểm của mình, thậm chí thường cho mình là hơn nhiều kẻ khác về mọi mặt. Bởi đó chỉ có sự đánh giá của Thiên Chúa là chính xác vì Người vừa là Đấng thấu suốt mọi sự bên ngoài và trong nội tâm mỗi người, vừa là Đấng hết sức công bằng chân thật trong mọi nhận định và phê phán của của mình.

-          Mà theo tác giả sách Huấn Ca, mọi người công chính đều được Thiên Chúa quý thương. Tác giả sách ấy cho thấy tuy là Đấng cao cả vượt trên muôn loài, nhưng Thiên Chúa lại luôn dành một sự ưu ái cho hạng người bé mọn, nghèo hèn. Người quan tâm đến cô nhi, quả phụ cũng như mọi kẻ xấu số trong xã hội hoặc bị xã hội khinh chê. Lời cầu nguyện của những hạng người này dễ thấu đến tai Thiên Chúa, họ cũng thường kiên trì kêu xin và Thiên Chúa dễ dàng đoái nghe lời họ kêu xin.

-          Vào thời đức Giêsu, như Ngài nói trong dụ ngôn của mình, nhiều người thuộc nhóm Biệt phái là những người kiêu căng tự mãn. Họ cho mình là đạo đức hơn người, biết chu toàn luật Chúa hơn những người khác qua việc giữ các giới răn, nộp thuế thập phân về mọi khoản mình thu nhập. Đồng thời họ hay khinh thường những kẻ khác trong xã hội Do Thái, nhất là hạng thu thuế là kẻ cộng tác với ngoại bang, làm hại người đồng hương và không xứng đáng là phần tử trong Dân Thánh. Trong đời sống, người Biệt phái luôn kiêu căng và tự đề cao mình, vì thế khi đối xử với tha nhân và cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, họ cũng luôn tự tôn và khoe mình.

Trong khi đó, người thu thuế thường có mặc cảm tự ti trong xã hội Do Thái. Họ cho là mình thường bị nhiều người đồng hương Do Thái nhìn mình với con mắt khinh bỉ và kết án, vì mình làm việc cho ngoại bang. Họ khiêm nhường trong đời sống thực tế, nên cũng hạ mình trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu kể: người thu thuế tự nhận mình là người bất xửng, và đầy tội lỗi nên khép nép đứng dưới tận cuối đền thờ, không dám ngước mắt nhìn lên Thiên Chúa. Thế nhưng, Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn Ngài kể bằng câu “người thu thuế này ra khỏi đền thờ thì được nên công chính”, còn người Biệt phái kia thi không. Đây là kết luận của chính Chúa và sự đánh giá đáng quý nhất, không gì vui mừng hơn cho người thu thuế.

-          Trong việc sống đạo, ta cũng đừng bao giờ an tâm về sự nhận định của chính bản thân hay vui mừng tự mãn vì những lời khen của kẻ khác, mà chỉ nên đặt mình trước mặt Chúa, tự xét mình cho phù hợp với chờ mong và sự đánh giá của Chúa. Ta hãy nhìn vào gương thánh Phaolô:  Ngài nhắm đạt tới sự công chính, như một người thi đấu nhắm tới phần thưởng. Vì sự công chính, Ngài chấp nhận mọi gian khó và hy sinh, dù phải chịu xiềng xích trong tù và đổ máu vì Chúa.

Antôn Trần Thế Phiệt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C