GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXXII  THƯƠNG NIÊN NĂM C

Có đời sau hay không?

Rất nhiều người, nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo tin là có đời sau, tin là sau khi lìa cõi thế, con người không trở thành hư vô, nhưng bước vào một thế giới mới và tiếp tục tồn tại. Sở dĩ có niềm tin này, có lẽ vì ai cũng thấy con người là loài kỳ diệu thông minh, không thể chỉ hiện hữu một số năm trên đời rồi tiêu tan mất đứt. Có điều mỗi dân tộc hay mỗi tôn giáo có một quan niệm khác nhau về đời sau.

Ví dụ đạo Ông Bà cho là sau khi chết, ông bà tổ tiên vẫn tồn tại ở thế giới bên kia và vẫn có thể ăn uống một cách nào đó. Vì thế đạo này thường cúng bái cho kẻ qua đời bằng trái cây, cơm gạo.

Đạo Phật có quan niệm luân hồi: sau kiếp ở trên dương gian, hồn người ta chuyển sang một kiếp khác, có thể cao sang hơn hoặc thập hèn hơn. Ví dụ hồn người quá cố hóa kiếp thành một con phượng hoàng hoặc một con rắn. Khi sống hết kiếp phượng hoàng hoặc kiếp rắn đó, hồn người ta lại tiếp tục hóa kiếp, cho đến khi nào xứng đáng thì được vào Niết Bàn, nơi cực lạc.

Thường thì người ta cho rằng ở thế giới bên kia, hồn người ta vẫn trải qua những sự kiện hay có những nhu cầu như lúc ở trên cõi thế: khi vừa qua đời, người ta sẽ bị xét xử rồi được thưởng hay bị phạt, được sung sướng hay bị tù tội, bị cưa cắt thành nhiều khúc, bị ném vào vạc dầu sôi… hoặc dưới âm phủ, người ta vẫn có nhu cầu tiêu tiền, và dùng những vật dụng giống như người trên cõi thế. Do đó nhiều người gởi tiền âm phủ hoặc các loại xe hơi, máy bay hàng mã cho kẻ chết.

Đối với dân Do Thái, ban đầu họ chưa tin có đời sau. Họ tưởng người ta chỉ có một kiếp đời trên mặt đất, nên họ nghĩ đến việc lấy vợ lấy chồng để có con nối giòng và mình được tiếp tục hiện hữu qua đứa con, đứa cháu. Đến những thế kỷ cuối thời Cựu Ước, rãi rắc đó đây trong sách Gióp, sách Khôn ngoan sách Đaniel hay sách Macabê, bắt đầu xuất hiện tư tưởng là có đời sau và có sự kiện người chết sẽ sống lại.

Theo những câu tuyên bố của mấy anh em tử đạo thời vua Antiôkhô, sẽ có ngày người chết sống lại để hưởng sự sống đời đời, hoặc trong thế giới bên kia, người ta sẽ được Thiên Chúa trả lại những phần cơ thể bị mất.

Những tư tưởng ban đầu đó của Cựu Ước, còn bất toàn và lờ mờ, đã được Chúa Giêsu bổ túc và quả quyết rõ ràng hơn qua đoạn Tin Mừng ta vừa nghe, đối với nhóm Xa-đốc quan niệm ở thế giới bên kia, người ta cũng sinh sống, sinh hoạt như trên cõi thế, Chúa Giêsu mạc khải hai điều: những người đã qua đời vẫn tiếp tục hiện hữu và tồn tại, vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của những kẻ chết, nhưng là của những kẻ đang còn hiện hữu trước mặt Người. Điều thứ hai là ở thế giới bên kia, người ta sống như các thiên thần, chứ không còn cưới vợ gả chồng nữa.

Như vậy ta phải nói có đời sau và sau khi chết, con người vẫn tồn tại. Mà vì đời sau có thật, nên mọi sự trong cuộc sống ta đã đổi khác. Vì còn có đời sau, nên đời người có một cái đích để hướng tới để đạt tới. Vì còn có đời sau và đời sau ấy sẽ hạnh phúc hay đau khổ tùy theo cách sống của người ta trên đời, nên mỗi người phải biết sống lương thiện đạo đức, chứ không thể sống bừa bãi, bất chấp phải trái, bất chấp luật lệ hay tiếng nói của lương tâm. Nhờ có niềm tin về đời sau, Nhờ có mạc khải của Chúa Giêsu là xác loài người sẽ sống lại, như chính Ngài đã chết và đã sống lại, mà đời sống nhân loại đã tốt lành, đã nhân bản hơn.

Nói như thánh Phaolô trong đọan thư ta vừa nghe, niềm tin và mạc khải về đời sau chính là niềm cậy trông và sự bảo đảm quan trọng nhất cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh tươi sáng hay đen tối của cuộc đời hiện tại. Xin Thiên Chúa ban cho mọi người chúng ta một đức tin vững vàng, không chao đảo hoang mang trước bất kỳ tác động hay cám dỗ nào của thời đại đầy thử thách hiện nay.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C