GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯƠNG NIÊN NĂM C

Lễ Đức Giêsu Vua Vũ trụ là lễ sẽ được mừng vào Chúa nhật tới, Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ năm C. Vì Chúa nhật sau được dành riêng để mừng Đức Giêsu Kitô Vua, nên Hội Thánh dùng Chúa nhật hôm nay để cho ta nghe những đoạn Kinh Thánh về Ngày tận thế.

Về thời điểm xảy ra ngày tận thế thì không ai biết, đó là một bí ẩn mà chỉ một mình Thiên Chúa Cha nắm giữ. Các tác giả Kinh Thánh, dựa vào suy luận của mình hay được ơn soi sáng của Chúa, đã mô tả một số sự kiện hay hậu quả của Ngày tận thế.

Ví dụ bài Tin Mừng hôm nay nói đến chiến tranh và loạn lạc, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ, cũng như sẽ có động đất lớn, hoặc ôn dịch và đói kém, nhất là từ trời sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao. Những mô tả và tiên báo này một phần được Kinh Thánh lấy từ những biến cố kinh hoàng đã xảy ra vào năm 70 sau Công Nguyên, khi quân đội của đế quốc Rôma tiến đánh và phá hủy Đền thờ Giêrusalem. Vào lúc các sách Tin Mừng được biên soạn, những biến cố đó còn rất mới mẻ và còn in đậm trong trí nhớ của thế hệ Kitô hữu đầu tiên. Từ những sự mô tả này mỗi khi nghĩ về ngày tận thế, Kitô hữu chúng ta thường nghĩ ngay đến những cảnh rùng rợn như biển gầm sóng vỗ, núi lửa phun trào, trời đổ lửa hồng và diêm sinh, cuối cùng trái đất và nhiều tinh tú nổ tung, hoàn toàn tiêu tan trong vũ trụ bao la.

Về hậu quả của Ngày tận thế, sách Ma-la-khi báo trước là mọi kẻ làm điều gian ác sẽ bị thiêu rụi như rơm rạ còn kẻ kính sợ danh Chúa sẽ được hưởng ánh sáng của mặt trời công chính có sức chữa lành bệnh hoạn của họ. Một hậu quả khác của lúc sắp xảy ra ngày tận thế là các kẻ tin sẽ bị phỉnh gạt bởi nhiều kẻ tự xưng là đấng cứu thế, hoặc sẽ bị bắt bớ, bỏ tù thậm chí giết chết. Nhưng giữa cảnh hỗn loạn và đầy thử thách, kẻ tin được căn dạn là cứ bình tĩnh và kiên trì, vì Chúa không ở xa họ, không bỏ rơi họ, trái lại sẽ kíp đến nâng đỡ và giải thoát họ.

Cũng trong giai đoạn hỗn loạn này, ta có quyền nói những lời khuyên của thánh Phaolô tông đồ là “anh em hãy làm việc” không còn thích hợp nữa, vì lúc nghe nói hay nhìn thấy Ngày tận thế và những hiện tượng kinh khủng của nó sắp xảy ra, chẳng một ai còn phồn vía để mà bình tĩnh và làm việc hay ký cóp gì nữa. Câu “anh em hãy làm việc” lúc đó chỉ có ý nghĩa, nếu ta hiểu “làm việc” là chí thú cầu nguyện, dành hết tâm trí và thời giờ vào việc cầu nguyện để tâm hồn mình được gần Chúa, được đầy  ơn Chúa để bất cứ ngày giờ nào tận thế xảy ra, nghĩa là Chúa từ trời đến lại, ta cũng xứng đáng đón rước Ngài và lãnh nhận Ơn cứu độ của Ngài.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C