GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA KITÔ VUA CHÚA NHẬT XXXIV NĂM C

Làm vua là địa vị cao quý và đáng ước mơ nhất trong tổ chức chính trị của một quốc gia hay một xã hội. Chữ “Vua” hay chức “Vua” chỉ địa vị tối cao. Để nói về địa vị tối cao của Đức Giêsu, nhân loại chúng ta cũng chỉ biết dùng đến từ Vua, tuy rằng Vua cũng có nhiều loại Vua: có Vua đứng đầu các quốc gia, có Vua đạo đức đáng ca tụng và kính phục, có vua tội lỗi, độc ác, độc tài hoặc dâm dật. Ngày nay, người ta còn dùng từ vua để nói đến những người nổi tiếng hay trổi trang về một lãnh vực nào đó, như Vua dầu hỏa, Vua địa óc, Vua bóng đá, v.v…

 Ngày Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, Hội Thánh chúng ta dành riêng để mừng kính Chúa Kitô, Vua vũ trụ.

Đức Giêsu là vị Vua rất đặc biệt: vừa cao sang hơn mọi vị Vua, vừa khiêm hạ tuyệt đối.

Trước hết, Ngài cao sang hơn Vua Đavít của dân Do Thái. Sách Samuen cho biết Vua Đavít được dân Do Thái quý mến đề cao hơn nhiều vị Vua khác trong lịch sử của họ. Ngay từ trước khi làm Vua, khi mới chỉ là vị quan trong triều đình Vua Sa-un, toàn dân Do Thái đã mến phục vì thấy rõ vai trò lớn lao của ông bên cạnh Sa-un và tài chỉ huy của ông trong các cuộc đương đầu với quân thù, đồng thời họ được biết Thiên Chúa đã kén chọn ông làm người lãnh đạo Israel sau này, nên họ đã gặp ông tại Khép-rôn để xức dầu cho ông và tôn lên làm vua của họ. Dĩ nhiên Đức Giêsu Vua trỗi vượt hơn Vua Đavít ngàn trùng về cương vị, về đạo đức.

Nhất là theo suy niệm của thánh Phaolô tông đồ, Đức Kitô còn là một vị vua cao cả vô cùng. Ngài là hình ảnh Thiên Chúa vô hình. Nhờ Ngài và cho Ngài, Thiên Chúa Cha đã tạo dựng muôn loài trên trời dưới đất và muôn loài cũng nhờ Ngài mà được tồn tại, dù đó là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới. Ngài cũng là đầu của Hội Thánh, thân thể Ngài. Ngài là người đầu tiên sống lại từ cõi chết và trở thành vị đứng đầu trong số những kẻ được phục sinh. Nhờ Máu Ngài đổ ra để đền tội, Ngài đã hòa giải muôn vật trên trời dưới đất với Thiên Chúa, để muôn vật muôn loài được hưởng bình an.

Tuy cao sang vô cùng như vậy, nhưng Ngài cũng là vị vua khiêm hạ tuyệt đối: Ngài chỉ chứng tỏ quyền vua của mình, chỉ nhận mình là Đấng làm chủ Thiên Đàng, tức là Nước của Ngài, Vương Quốc của Ngài, khi chịu treo trên thập giá.

Theo các nhà chú giải Kinh Thánh cuộc Thương khó của Đức Giêsu là sự trở lại của ma quỷ, sau lần chúng đã thất bại khi cám dỗ Ngài lúc trước, khi Ngài ăn chay 4 0 đêm ngày, nhưng thứ tự các cám dỗ của lần thứ hai này ngược với thứ tự các cám dỗ của lần thứ nhất. Cụ thể là trong lần cám dỗ thứ nhất, trước hết ma quỷ đã cám dỗ Ngài hãy lo cứu lấy mạng sống mình bằng cách biến những hòn đá trước mặt thành bánh mà ăn, kế đó ma quỷ dẫn Ngài lên núi cao, giới thiệu các nước trần gian và hứa cho Ngài làm chủ tất cả, cuối cùng ma quỷ đưa Ngài lên nóc đền thờ, bảo Ngài gieo mình xuống để được dân chúng thán phục và đề cao. Còn trong lần cám dỗ thứ hai này, lúc Đức Giêsu đang bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng và các thủ lãnh trong đạo xuất hiện trước và chế nhạo Ngài, kế đó lính tráng xuất hiện, cũng chế nhạo Ngài, cuối cùng tên trộm cùng bị đóng đinh với Ngài vừa yêu cầu vừa thách thức Ngài hãy cứu lấy mạng sống của cả ba người.

Đây chính là thời điểm Đức Giêsu hạ mình thẳm sâu, tự nguyện trở nên một phạm nhân đáng bị kết án tử và bị mọi hạng người khinh chê tột mức. Nhưng đây lại chính là lúc Ngài chứng tỏ tư cách là Vua, là Đấng chính thức thiết lập vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Đây là lúc Ngài không còn che dấu tư cách và cương vị thật của Ngài, là lúc Ngài sắp đăng quang làm Vua muôn loài trên trời dưới đất. Chính vì thế mà Ngài quả quyết với người trộm lành: hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta. Hôm nay, ngươi sẽ cùng với Ta đi vào Vương Quốc vinh hiển của Ta.

Kết thúc một năm Phụng Vụ, chiêm ngắm công trình cứu chuộc của Ba Ngôi Thiên Chúa, ta hãy sâu xa cảm tạ Ba Ngôi, hãy hân hoan tôn vinh Đức Kitô Vua và nguyện bước theo con đường bỏ mình và khiêm hạ tận tuyệt của Ngài.

Antôn Trần Thế Phiệt

 

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C