GỢI Ý GIẢNG LỄ MỒNG MỘT TẾT (MẪU C)

(bài đọc : Ysaya 11,1-9. Col 3, 12-17. Yn 14,23-27)

 

Ai trong chúng ta cũng đang cảm thấy những giờ phút đầu tiên này của Năm Mới thật là trang trọng. Là những người sinh ra và lớn lên tại miền dất Á Đông, hấp thụ và chịu ảnh hưởng nền văn hoá Á Đông, tự nhiên chúng ta như thấy cái sắc thái huyền bí, cái tính linh thiêng và đậm đà văn hoá của ngày Tết. Sắc thái riêng biệt của ngày Tết này

 

- được tạo nên bởi sự thời điểm kết thúc một chu kỳ thời gian, khởi đầu một chu kỳ mới, một năm mới.

 

- rồi được tạo nên bởi việc người ta thể hiện tình người và nghĩa cử với nhau : như tạm gác mọi công việc , từ mọi nơi mọi phương trời, ai nấy  tìm về gia đình như tìm về tổ ấm, nguồn cội, để sum họp bên nhau trong cảnh đầm ấm thân mật

 

- được tạo nên bởi những nét văn hoá như dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, ăn mặc bảnh bao, gặp gỡ nhau, thăm hỏi, biếu quà, chúc tuổi bà con họ hàng và kẻ gần người xa.

 

Đây là giờ khắc mọi người giã từ một năm cũ, đón một năm mới với nhiều kỳ vọng cho tương lai trước mặt.

 

  những Kitô hữu Á Đông, chúng ta vừa mang não trạng và tâm tình đó của mọi người Á Đông, theo văn hoá, phong tục và tâm thức lâu đời của Á Đông, lại vừa không quên rằng Đạo chúng ta còn giới thiệu một sự mới mẻ giá trị hơn nữa, mang lại cho đời người một ý nghĩa sâu sắc hơn nữa. Ngày Tết, chúng ta vừa nghĩ đến sự mới mẻ về phương diện thời gian và văn hoá, vừa nghĩ đến sự mới mẻ mà Chúa muốn mang đến.

Dựa vào 3 bài Kinh thánh hôm nay, ta có thể nói sự mới mẻ của một Năm Mới có hai khía cạnh, dó là

 

- sự mới mẻ hệ tại ở sự kiện Đấng Thiên sai đến, Triều đại hay Kỷ nguyên Thiên Chúa  khởi đầu

 

- và sự mới mẻ hệ tại ở việc ta biết tin mến Đức Yêsu, biết giữ Lời Ngài và sống theo Ngài

 

1/ Trước hết, đối với Kitô hữu chúng ta, cũng như đối với tín hữu Đạo Dothái xưa, không có sự mới mẻ nào vượt hơn được sự kiện Đấng Thiên sai đến, như lời ngôn sứ Ysaya ta vừa nghe trong bài đọc I và nhiều ngôn sứ khác loan báo. Đối với ta thì Đấng Thiên sai đó đã đến rồi, khi Con Thiên Chúa  nhập thể vào trần gian. Kỷ nguyên mới của Nước Trời đã khởi đầu rồi. Ta không còn phải chờ mong nữa. Mỗi dịp Tết đến chính là một dịp để ta ý thức lại và ý thức hơn về sự kiện đó, đồng thời cũng ý thức về lòng tín thành của Thiên Chúa  , vì Người luôn giữ lời hứa, ý thức về hồng ân và sự mới mẻ Thiên Chúa  muốn ban cho loài người  nơi Đức Yêsu Kitô, ý thức về diễm phúc của ta là được ơn dức tin, được biết Đạo, biết mình đang sống trong thời Cứu rỗi.

 

Tết nhất có nhiều cái mới (áo quần mới, tiền mới, xe mới, nhà mới…). Nhưng mọi cái rồi sẽ chóng cũ đi, chỉ có một cái mới sẽ còn mới mãi, chỉ có một cái mới cần giữ cho còn mãi, chỉ có một cái mới ta phải ý tứ về mình, kẻo mình ra khỏi mất : đó chính là cái mới do Thiên Chúa  ban , khi ban Đức Yêsu cho chúng ta. Còn Đức Yêsu là đời ta đang còn ở trong sự mới mẻ đúng nghĩa nhất. Mất Đức Yêsu hay ra khỏi Ngài  là ta để mất sự mới mẻ quí giá nhất.

 

2/ Sự mới mẻ thứ hai là tin mến và sống theo Đức Yêsu .

Ngày Tết, người ta biếu quà, gởi thiệp cho nhau, người lớn lì xì cho trẻ con. Ta cũng có thể nghĩ đến chuyện Chúa lì xì, ban ơn cho ta. Nhưng ơn quí nhất là chính Chúa, là ơn ta có Chúa Cha và Chúa Yêsu đến cư ngụ trong ta. Bao nhiêu quà mừng hay tiền lì xì rồi cũng sẽ hết, chỉ có món quà siêu nhiên mới còn, đó là quà “được làm con cái Thiên Chúa , được hưởng sự sống và hạnh phúc đời đời, được có Ba Ngôi ngự trong tâm hồn và đời sống ta”.

 

Sự mới mẻ trong Năm Mới cũng chính là ta sống theo tinh thần của Đức Yêsu , như thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Côlôxê : đó là biết quí chuộng Lời Thiên Chúa , biết tha thứ cho nhau, biết hương về Chúa, để dù làm gì nói gì thì cũng đều làm và nói nhân Danh Chúa.

 

Hiểu như thế, chúng ta chẳng những rung động vì thấy ngày Tết mang lại nhiều cái mới như cảm nhận của mọi người Á Đông, mà còn rung động vì ngày Tết nhắc ta nhớ lại một sự mới mẻ đáng kể hơn, và giá trị hơn, đó là Thiên Chúa  đã và đang còn đưa ta vào Triều Đại mới, Thời Dại mới của Người .

 

Hiểu như thế, chúng ta cũng thấy ngày đầu Năm, ta nên mong ước điều gì nhất : mong ứoc cá nhân ta nên mới hơn năm cũ, giáo xứ ta nên mới hơn năm cũ, mới theo nghĩa là mến Chúa hơn, sống cho Chúa hơn, làm chứng cho Chúa hơn – mới theo nghĩa là “dựng xây nội bộ” cá nhân, gia đình, giáo xứ nên tốt, để rồi “truyền bá Phúc âm” ra môi trường chung quanh, theo tinh thần năm nay, Năm Thánh Truyền Giáo của Giáo Hội Việt Nam chúng ta .

 

 Đó mới là sự mới mẻ ta nên nhắc nhiều và cầu mong nhiều trong những ngày đầu Xuân.

 

Đó mới là lời chúc Tết ta nên trao cho nhau.

 

Đó cũng mới là quà biếu quí nhất ta nên kính dâng Chúa xuân, cũng là Thiên Chúa  Cha chúng ta .

 

Antôn Trần thế Phiệt

16.01.2003 (25 âm lịch Tết Giáp Thân)


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà