GỢI Ý GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT THỨ NHẤT MÙA VỌNG, C

 

Về mặt xã hội, chắc chắn vào thời điểm này, ở quốc gia nào và địa phương nào cũng có những sự kiện lớn lao trong lãnh vực này hay lãnh vực khác. Riêng tại Việt Nam, những ngày liền trước Mùa Vọng này là những ngày thành phố Đalat đang tưng bừng mừng kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển (từ 25 đến 30/11) và cà nuớc đang phấn khởi hướng về Sea Games 22, qui tụ nhiều đoàn thể thao và khách du lịch từ các nước Á Châu.

 

Dĩ nhiên những người say mê những sự kiện trọng đại này – cách riêng giới trẻ và giới hâm mộ bóng đá –đều không muốn mình hụt mất những ngày này, theo nghĩa là không mua được vé để vào dự các cuộc đua tài, hoặc không có tivi hay không có giờ rảnh  để theo dõi, không có tiền để đến những nơi diễn ra các trận đấu, không có tiền để cá độ…Nói cách khác, những người ấy không muốn vắng mặt trong những sự kiện ngàn năm một thưở này.

 

Trong khi đó, đối với Chúa, thái độ người ta có thể là không như vậy.

Hôm nay, cả Hội thánh chúng ta bứoc vào Mùa Vọng, Mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, tưởng niệm biến cố Chúa đến với nhân loại cách đây 2000 năm. So với các biến cố lớn đã hoặc đang xảy ra trên thế giới, biến cố Chúa đến là biến cố trọng đại hơn nhiều :

 

* đây là biến cố hân hoan cho toàn nhân loại, còn hân hoan hơn những gì xảy ra cho dân tộc Israel ngày xưa mà ngôn sứ Yêrêmia tiên báo, khi Thiên Chúa  cho xuất hiện một Đấng Công chính nối nghiệp Đavit

 

* đây là biến cố cánh chung mà từ đời đời Thiên Chúa từng nghĩ đến và chuẩn bị, khi Người khai trương một lịch sử mới, chấm dứt thế giới cũ, được Kinh thánh mô tả bằng lối nói khải huyền là vũ trụ rung chuyển, tiêu tan

 

* đây là biến cố cứu độ, không phải giải thoát con người khỏi tai ương này hoạn nạn kia, mà khỏi chính sự chết và hoạ khốn đời đời.

 

Tuy biến cố này thật trọng đại, chi phối và thay đổi toàn bộ đời sống chúng ta, nhưng phản ứng của chúng ta là “quen quá hoá nhàm” khiến chúng ta chẳng mấy tích cực đón mừng. Có lẽ phải có những sự kiện kinh thiên động địa, những tin tức về một cuộc tận thế gần đến, chúng ta mới có phản ứng thích đáng. Trong trương hợp của biết bao người trong chúng ta, người ta sẽ chỉ lo dọn mừng lễ Giáng Sinh bằng việc viết cạc chúc lễ gởi đi đó đây, bằng việc mua sắm và bầy biện hang đá, đèn đóm, cành thông, dây kim tuyến, bằng việc nghĩ đến những niềm vui hời hợt bên ngoài – nói theo lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay là “chè chén say sưa, lo lắng sự đời” – khiến mình vừa không có phần nào trong cuộc Chúa ngự đến vừa không có sự đổi mới đáng kể nào trong cuộc sống sau một Mùa Giáng Sinh long trọng.

 

Sở dĩ chúng ta không đổi mới, tuy đã mừng bao nhiêu lễ Giáng Sinh, vì tâm hồn chúng ta không thực sự khát khao và đợi trông Chúa, vì chúng ta chưa thực thi Lời Chúa dạy, cụ thể là thực thi giới răn yêu thương.

 

Nhân Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng năm nay, chúng ta được mời gọi : nếu không tăng tiến hơn về tình mến đối với Chúa, ít nữa chúng ta có tâm tình hướng về Chúa và giữ mức sốt sắng mình đã đạt được. Cách riêng trong năm truyền giáo này (theo đường hướng thư chung Hội đồng Giám Mục Việt Nam 2003) chúng ta chứng tỏ tình thương đối với kẻ nghèo chung quanh, qua những việc làm cụ thể hơn mọi khi, coi đó như một cách thiết thực sống Mùa Vọng và chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Giáng Sinh.

 

Antôn Trần thế Phiệt, DCCT

26/11/2003.


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà