H O À   B Ì N H

___________________________________________

Mùa Giáng sinh

Thượng vinh ư Thiên Chúa

Hạ hoà ư  thiện nhân

 

I. Ý NGHĨA CỦA HÒA  BÌNH.

 

1. Những sự kiện

           

          Hoà bình  hay Bình an là một vấn đề rất quan trọng  được nhắc đến nhiều lần trong Thánh kinh Cựu ước cũng như Tân ước. Trong đời sống hằng ngày, hoà bình vẫn là một đối tượng mong ước của loài người, bởi vì đời sống con người luôn luôn bị đe dọa bởi những sự bất ổn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Do đó, trong nhiều hoàn cảnh, vấn đề hòa bình được đặt ra để mọi người tìm cách bảo vệ nó. Chúng ta có thể kể ra một vài trường hợp mà hoà bình được nhắc tới.

 

a)    Ngày Chúa Cứu thế giáng sinh.

 

Chúa đến đem hoà bình lại cho nhân loại.  Đây là một Tin Mừng mà các thiên thần đã loan

báo cho mục đồng và đã được thánh Luca mô tả như sau :”Trong vùng ấy, có mục đồng đóng ở ngoài trời và đêm khuya thức canh để giữ đàn cừu. Thiên thần Chúa bỗng hiện đến bên họ và vinh quang Chúa rạng ngời bao quanh họ, làm họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng thiên thần nói với họ :”Đừng sợ ! Này ta đem tin mừng cho các ngươi về một niềm vui to tát, tức là niềm vui cho toàn dân : là hôm nay, đã sinh cho các ngươi vì Cứu Chúa, tức là Đức Kitô Chúa, trong thành của Đa-vít.  Và sự này làm dấu cho các ngươi : các ngươi sẽ gặp thấy một hài nhi mình vấn tã, đặt nằm trong máng cỏ”.    

          Và bỗng đâu hợp đoàn với thiên thần, có đoàn ngữ cơ binh trên trời ngợi khen Thiên Chúa rằng :”Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao thẳm, và dưới đất bình an cho kẻ Ngài thương”(Lc 2, 8-14).

b)    Ngày quốc tế hòa bình.

 

          Giáo hội luôn chú trọng đến hòa bình thế giới vì hoà bình là một thực tại mỏng manh có thể bị tàn lụi bất cứ lúc nào bởi một sự bất hoà của hai nước hay của phe nhóm.  Vì thế, Giáo hội đã chọn ngày mồng một tháng giêng đầu năm dương lịch để mọi người chung lời cầu nguyện để xin Chúa, vì lời cầu bầu của Mẹ Thiên Chúa, ban cho thế giới được một nền hòa bình thật và trường cửu.

 

          c) Trong Thánh lễ.

 

          Tư tưởng về hoà bình luôn được diễn tả trong các lời chủ tế chào giáo dân lúc đầu lễ cũng như cuối lễ. Sau kinh Lạy Cha, Giáo hội còn dành riêng một kinh để xin Chúa ban hòa bình cho Giáo hội : “ Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông đồ rằng :”Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con.  Xin Chúa đừng chấp tội lỗi chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội thánh Chúa; xin đoái thương ban cho Hội thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa”.

          Chúa Giêsu còn nói với các Tông đồ :”Ta ban hoà bình cho các con, nhưng hoà bình ta ban không giống như hòa bình của thế gian” (Ga 14,27).  Vậy hòa bình của Chúa ban như thế nào, chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

 

1.    Hoà bình là gi?

 

          Theo định nghĩa của tự điển Đào duy Anh thì hòa bình là yên lặng, không có xung đột. Nhưng hòa bình như vậy là quá đơn giản, chúng ta hãy đi vào Thánh kinh để tìm ý nghĩa của hòa bình.

          Từ ngữ “Hòa bình” trong Thánh kinh có một ý nghĩa rất bao quát, rộng rãi,  nhưng ta có thể tóm lại được trong hai từ có một ý nghĩa tổng quát “Hạnh phúc toàn hảo” và “Ân huệ của Thiên Chúa”.

          Hòa bình là hạnh phúc toàn hảo :  Hòa bình theo Thánh kinh không phải chỉ là một “hiệp ước” tạo nên một đời sống yên ổn, cũng không mang ý nghĩa “Thời bình” đối nghịch với thời chiến (Ga 3,8 ; Kh 6,4). Hòa bình theo Thánh kinh chỉ sự an lạc của cuộc sống hằng ngày, trạng thái con người sống hòa hợp với thiên nhiên, với chính mình, với Thiên Chúa.  Cụ thể mà nói thì đó là lời chúc phúc, sự nghỉ ngơi, vinh quang, giầu có, sự cứu rỗi, sự sống.

 

          Được khỏe mạnh    Được bình an” là hai kiểu nói đồng nghĩa (Tv 38,4). Để hỏi thăm sức khỏe, người ta nói :”Được bình an chăng” (2Sm 18,32 ; St 43,27). Abraham chết trong tuổi già hạnh phúc và trường thọ (St 25,8), ông đã ra đi bình an (St 15,15 ; x. Lc 2,29).  Nói rộng hơn thì hòa bình chính là an ninh. Hòa bình cũng còn là sống thuận hòa trong tình huynh đệ : người thân của tôi, người bạn của tôi, chính là “người của bình an tôi” (Tv 41,10 ; Gr 20,10).

 

          Trong Tân ước, thánh Luca vẽ lại chân dung của Vua Hòa bình.  Trong các thư mục vụ, thánh Phaolô, qua những câu chào hỏi đã nối kết ân sủng với hòa bình, nhất là ngài cho thấy  mối  dây liên lạc giữa hòa bình và cứu chuộc.  Tiếp theo cái nhìn của Cựu ước xem sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài là ơn hòa bình cao cả (td Lv 26,12, Ez 37,26),  thánh Gioan minh chứng nguồn gốc và thực tại hòa bình nằm trong sự hiện diện của Đức Giêsu, và đó là một trong những khía cạnh đặc biệt trong quan điểm của ngài.

 

          Tìm hiểu thêm về chữ Bình an, ta thấy hai chữ  bình an được nhắc đến 39 lần trong Phúc âm. Bình an là lời chào mở đầu khi Chúa nhập thể (Lc 3,14) ; là sứ mạng Chúa trao ban cho các môn đệ :”Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,13) ; là một  lời ủi an cho những  ai được chữa lành :”Lòng tin  của con đã cứu con, con hãy đi bình an” (Lc 8,48) ; là con đường đưa những ai tin tưởng đến bình an :”... Soi sáng những ai ngồi nơi tối tăm và trong bóng tối tử thần, dẫn ta bước vào nẻo bình an” (Lc 1,79) ; là chúc thư Chúa Giêsu để lại cho Giáo hội :”Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 15,27) ; “Chỉ trong Ta các con mới có sự bình an” (Ga 16,33) ; và là lời chào đầu tiên của Chúa Kitô dành cho các môn đệ sau khi Ngài Phục sinh :”Bình an cho anh em” (Lc 24,36).  Ngôn sứ Isaia thì gọi Chúa Kitô là “Hoàng Tử Bình an” (Is 9,6). Cũng trong sách Isaia, có câu viết rằng :”Hoa trái của người công chính là sự bình an” (Is 32,17).

 

2.     Hòa bình thực của Chúa .

Chúng ta có thể phân tách ra nhiều loại hòa bình : hoa bình nội tâm hay ngoài xã hội, hòa bình thực hay giả, hòa bình chóng qua hay trường cửu. Chỉ có hòa bình của Thiên Chúa mới là thứ hòa bình thực và trường cửu, còn các thứ hòa bình khác là giả tạo và mong manh.

 

          Hòa bình của Chúa không hệ tại ở giầu sang phú qúi, được chức quyền danh vọng, được người đời chiều chuộng, mến yêu và được thoát ly buồn sầu đau khổ.  Nhưng hoà bình của Chúa phải ở tại cái gì cao qúi, vững chắc và chân thật.  Theo thánh Augustinô, hòa bình đó ở tại một “trật tự an bình”.  Nói cách khác,  ở tại một đời sống được chỉnh đốn tốt đẹp. Trật tự đó đòi thân thể phải phục tùng linh hồn, đòi linh hồn phải hiếu thảo và trung tín với Thiên Chúa,  phải tuân giữ các giới răn và hòa mình theo thánh ý Chúa.  Trật tự đó cũng đòi buộc mọi người phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, và kích thích nhau đi vào con đường nhân đức.  Trật tự đó đã bị tội lỗi làm đảo lộn,  nên Chúa đã giáng trần để tái lập, và ai có thiện chí nắm giữ, Ngài sẽ trả lại hòa bình cho, như lời thiên thần rằng :”hòa bình cho thiện nhân dưới đất” (Lc 2,14)

 

          Theo thánh Phaolô nói :”Hòa bình của Chúa vượt mọi giác quan” (Pl 4,7). Vậy hòa bình của Chúa là một cái gì qúi gíá, đi sâu vào phần nội tại của con người. Theo ý thánh Augustinô, hòa bình đó làm cho linh hồn yên tĩnh, trái tim thêm đơn giản và thắt chặt dây lân ái.  Vậy hòa bình của Chúa khiến chúng ta tìm vinh danh cho Chúa và mở rộng nước của Ngài. Nó giúp chúng ta yêu thương, chịu đựng và tha thứ cho anh em. Nó thức tỉnh chúng ta trong việc bổn phận, để chúng ta biết ở khiêm nhường và khinh chê những sự giả dối, biết đưa lòng lên cao và trìu mến những sự trên trời, nhất là nó giúp chúng ta trung thành với Chúa và tiến mau trên đường thánh thiện. Nói tóm lại,  nó hướng dẫn chúng ta trở về trật tự khởi thủy Chúa đã lập, và hướng dẫn một cách lạ, một cách vượt mọi giác quan.

                   (Lâm quang Trọng, Ánh sáng Phúc âm, Ra khơi, 1957, tr 134)

 

II. CHIẾN TRANH, THÙ ĐỊCH CỦA HÒA BÌNH.

 

          Nơi thiên Chúa không có chiến tranh, chỉ có hòa bình. Do đó, nơi con cái Chúa cũng không được có chiến tranh, chỉ có hoà bình nội tại và ngoại tại tràn ngập. Nhưng thực tế lại khác hẳn,  khi con người bắt đầu không tuân phục, chống lại lệnh của Chúa, thì chiến tranh đã gieo mầm. Một khi con người đã gây chiến với Chúa thì dĩ nhiên phải gây chiến với nhau. Cain đã mở màn cuộc chiến tranh đầu tiên chống lại Abel, rồi từ đó, trong suốt lịch sử của nhân loại, ta thấy đâu đâu cũng xẩy ra chiến tranh không lớn thì nhỏ.  Lịch sử loài người còn ghi lại những sự kiện đó.

 

1.     Những sự kiện lịch sử.

 

          Ý thức về sự kiện đó, người Hy lạp xưa đã thờ một vị thần chuyên về chiến tranh, man rợ, hung hãn, ưa thích vùng hoang dại ở miền bắc Hy lạp, chẳng hạn như vùng Thrace, nơi thường có nhiều bão tố.  Mars ưa chém giết đổ máu. Mars không giống như các thần nhân khác chỉ đứng về phe này hay phe kia : ngồi trên một chiếc xe ngựa, Mars tham dự một cách hung hãn các cuộc giao tranh : tiếng la hét vang lừng át cả tiếng hàng vạn người ; đứng bên Mars, Bellone, vừa là em gái vừa là vợ của Mars, đầu tóc rũ rượi, mặt tóe lửa, vút trong không khí cáiâ roi da vấy máu. Chiếc xe đi tới đâu gieo rắc sự khủng khiếp, giết chóc.

                   (Mặc Đỗ, Thần nhân và thần thoại Tây phương, 1974, tr 25-26)

 

a)    Những năm chiến tranh và hòa bình.

 

          Trong cuốn Le retour de Jésus Christ, tiến sĩ René Pache có cho biết : kể từ năm 1496 trước Thiên Chúa giáng sinh cho đến năm 1861 của thời đại chúng ta, tức trong khoảng 3400 năm, tính được tất cả 3130 năm chiến tranh,  thế giới chỉ được hưởng 268 năm hòa bình.

Như thế,  trung bình cứ 13 năm chiến tranh thiên hạ mới được hưởng một năm hòa bình. 

 

          Từ năm 1500 trước Thiên Chúa giáng sinh, cho đến năm 1860 đời ta, tính có tới 8000 hiệp ước hoà bình.  Tuy mọi hiệp ước đều có giá trị vĩnh viễn, nhưng trên thực tế, hiệu quả của mỗi hiệp ước trung bình không quá 2 năm.  Chỉ trong 19 năm, giữa hai thế chiến (1920-1939) tính đã có đến 4568 hiệp ước hòa bình.  Nguyên 11 tháng trước đệ nhị thế chiến, đã có tới 211 hiệp ước rồi.

                             (Vũ minh Nghiễm, Dừng, 1967, tr 90-91)

 

b)    Những thiệt ähại của  chiến tranh

 

Theo đài phát thanh tòa thánh Vatican ngày 01.09.1951, dựa vào thống kê của Liên hợp   

quốc được mô tả như sau :

 

          . 32 triệu người bị chết tại các mặt trận.

          . 25 triệu người bị chết trong các trại giam.

          . 25 triệu người bị thương hay tàn tật.

          . 15 đến 25 triệu thanh niên, các người già và trẻ con chết vì bom đạn.

          . 25 triệu người phải mất hết tài sản.

          . 45 triệu người Đức và các dân Âu châu, Viễn đông phải đi lánh nạn hay đi đầy.

 

          Trong trận chiến ở Việt nam, người Mỹ đã phải tốn 676 tỷ Mỹ kim một cách trực tiếp hay gián tiếp trong thời gian 18 năm 6 tháng.  Riêng tại miền Nam Việt nam, người Mỹ đã thả xuống :

 

          . 12 triệu tấn bom đạn.

          . 100.000 tấn chất hóa học.

          . 72 triệu lít chất diệt cỏ.

          .  giết 415.000 đồng bào.

          . gây thương tích cho 935.000 người.

          . làm cho 7 triệu người bỏ ruộng vườn để đi đến vùng an ninh.

          . làm cho 3 triệu người thất nghiệp.

                   (Theo tài liệu học tập ở Oiseaux ngày 3.12.1977)

 

2.    Nguyên nhân của chiến tranh

 

Người ta định nghĩa chiến tranh là khi nước này với nước nọ đánh nhau, tranh nhau bằng võ

lực. Thực ra, chiến tranh không chỉ là một sự kiện  nhân loại đăt ra những vấn đề luân lý.  Sự hiện hữu của chiến tranh trong lịch sử Thánh kinh mạc khải từ một kinh nghiệm phổ thông biểu lộ khía cạnh chính yếu của thảm kịch mà nhân loại đã tham dự :  đó là cuộc chiến thiêng liêng giữa Thiên Chúa và Satan.

 

          Khi nói đến nguyên nhân chiến tranh  người ta chỉ đưa tầm mắt nhìn gần đến những xích mích mà nước này nước nọ đang có với nhau; nhưng nếu nhìn xa hơn, chúng ta phải khẳng định rằng chiến tranh phát xuất tự lòng con người mà ra và đó là lý do chính.  Ta cùng nhau tìm hiểu vài nguyên nhân chiến tranh phát xuất tự lòng con người.

 

a)    Chống lại lệnh  Chúa.

 

Chúa dựng nên các thiên thần để chầu chực phụng thờ Ngài, nhưng có một số thiên thần

không tuân phục, nổi loạn chống lại Thiên Chúa, đứng đầu là Lucifer.  Các thiên thần nổi loạn đó đã bị đẩy xuống hỏa ngục, và từ đấy cuộc chiến giữa Thiên Chúa và thần dữ đã bắt đầu.

 

          Sau đó, muốn lôi kéo nhân loại theo phe mình, các thần dữ đã xui khiến nguyên tổ Adam Evà chống lại lệnh của Chúa không cho ăn quả của cây biết lành biết dữ ở giữa vười địa đàng.  Ông bà đã nghe lời xúi giục của thần dữ mà chống lại lệnh cấm của Chúa.  Ông bà đã chính thức gây chiến với Chúa từ đấy. Rồi sau này, chúng ta là con cháu của ông bà, phải chịu hậu quả của thái độ bất tuân của ông bà,  chúng ta vẫn tiếp tục gây chiến với Chúa mỗi khi chúng ta phạm tội. Phải chăng “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” ? Phải chăng “thượng bất chính, hạ tắc loạn” ?

 

b)    Thiếu bác  ái

 

          Đức ái có thể làm được tất cả. Tại sao ?  vì như lời thánh Phaolô đã nói :”Đức ái, niềm vui và hòa bình là hoa trái của Thần khí” (Gl 5,22 ; Rm 14,17). Đã có đức ái thì phải có hoà bình và đã có hòa bình thì có niềm vui,  cả ba cái đó phải đi với nhau luôn.

 

          Đức ái giúp chúng ta cư xử với người khác như xử với chính mình. Vậy có ai muốn cho mình bị sựï khó không ? Chắc không hề có, vì ai cũng muốn cho mình được mọi sự may lành. Như vậy, lời của Đức Khổng Tử ngày nay vẫn còn đúng trăm phần trăm :”Kỷ sử bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người ta). Hoặc nói một cách tích cực hơn, Khổng Tử nói tiếp :”Kỷ sở dục lập nhi lập nhân, kỷ sở dục đạt nhi đạt nhân” (điều mình muốn nên, phải làm nên cho người, điều mình muốn đạt, phải làm cho người đạt).

 

          Tình thương có thể xóa bỏ được mọi chênh lệch, mọi thiếu sót, mọi bất công. Tình thương có thể làm cho mọi công việc được trở nên tươi tốt, có thể làm cho cành khô nở hoa, khô cằn trở nên mầu mỡ.  Thiếu tình thương, mọi sự sẽ trở nên khó khăn.  Vì thế Mặc Tử đã nói :”Loạn từ đâu mà sinh ra ? Bởi không yêu nhau”.  Trường hợp của Cain và Abel đã nói lên chân lý này.

 

c)     Tính tư ïái.

 

Chúng ta không thể phủ nhận sự  thù hằn ghen ghét nhau, sự tham lam là những nguyên

nhân gây nên chiến tranh; nhưng chúng ta cũng cần nói đến tính tự ái của con người.  Tính tự ái làm cho con người mù quáng, không nhìn ra được sự thật, không còn biết cân nhắc lợi hại mà chỉ còn biết nhắm mắt hành động theo tính tự ái của mình.  Trong lịch sử chiến tranh, ta thấy có những trận chiến khốc liệt xẩy ra làm cho nhiều người chết chỉ vì một con mụ đàn bà.  Người Trung hoa đã nói lên chân lý này một cách chí lý “Ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục” (có thể chịu chết chứ không thể chịu nhục được).

 

          Từ chỗ bị nhục, bị chạm lòng tự ái, người ta nuôi lòng trả thù, tìm hết cách để rửa nhục và làm cho kẻ nghịch phải một phen ê chề.  Lịch sử chiến tranh giữa quân Nhật và Đức đã nói lên điều đó.

                   Truyện : chiến tranh Nhật Đức.

          Bấy giờ là vào năm 1894.  Quân đội Nhật bản đóng ở Uy-hải-vệ.  Quân Đức rất bất bình, vì họ cũng đang dòm ngó bản đồ Trung quốc. Ỷ thế mạnh, họ gửi tối hậu thư cho Nhật :”Xin hãy triệt thoái bộ đội ra khỏi Uy hải vệ trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Bằng không,  chúng tôi rất lấy làm tiếc phải nhúng tay vào việc của các anh”.

 

          Đức bấy giờ là một nước hùng cường, còn Nhật thì còn đang trong thời kỳ thử lông thử cánh. Nhật đã nhượng bộ, rút lui ra khỏi hải cảng, đúng theo lời bắt buộc của tối hậu thư, lòng đầy suy tư...

          Hai mươi năm sau, tức là vào năm 1914, Đức hàm hồ khai chiến với thế giới.  Nhật quật cường. Lúc bấy giờ mới áp dụng chiến thuật lùi một bước tiến hai bước, tự tiện đổi Uy hải vệ ra THANH ĐẢO, rồi lục lại bức tối hậu thư năm xưa (1894) không thêm bớt một dấu một phết nào cả, chỉ xóa tên cũ (để dằn mặt đối phương) điền tên mới vào, rồi gửi lại cho Đức : “Xin hãy triệt thoái bộ đội ra khỏi THANH ĐẢO trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Bằng không, chúng tôi rất lấy làm tiếc phải nhúng tay vào việc của các anh’.   Đức tím gan tím ruột, hộc máu ra được, nhưng rồi cũng phải nuốt giận, êm ả rút lui ra khỏi Thanh đảo đúng theo lời bắt buộc của tối hậu thư. Đúng là số phận “Cá ăn kiến, kiến ăn cá”.

                             (Vũ minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 215-217)

 

III. MUỐN CÓ HÒA BÌNH THẬT.

 

          Hòa bình là công cuộc vĩ đại, nên phải theo luật của công cuộc vĩ đại. Công cuộc vĩ đại thì lùc sơ khởi bao giờ cũng bé nhỏ như một tế bào, âm thầm như một mầm sống.  Vì thế hòa bình không thể nào được khám ohá ra trong một hội nghị quốc tế, hoặc quốc nội. Nó chỉ có thể phát hiện bởi THÂM TÂM CỦA TỪNG CÁ NHÂN.

 

          Nếu các điều kiện hòa bình chưa được khai hoa nở nhụy trong cõi lòng người,  mà đi tìm nó trong các tuyên ngôn, hội nghị, thì không khác chi mò kim đáy biển. Xây nhà thì xây từ nóc xây xuống, hay là xây từ nền móng xây lên ?  Muốn kiến thiết ngôi nhà hòa bình cũng phải bắt đầu từ lòng dạ con người.  Để cho hòa bình có cơ hội thành hình, chính mỗi một người trong chúng ta phải tự tay mang đến một viên gạch. Ta phải khởi sự xây đắp hòa bình trong phạm vi hoạt động cá nhân, gia đình, láng giềng lân cận...

 

                   Truyện : câu chuyện hòa bình của Khổng Tử.

          Một hôm Đức Khổng Tử hỏi các môn đệ :

-          Khi có hai nước gây sự chiến tranh, các ngươi sẽ làm gì ?

Tử Cống đứng dậy thưa :

-          Đệ tử này xin được làm nhà ngoại giao, đi giàn xếp cho yên đẹp.

Tử Lộ thưa :

-          Đệ tử này nguyện được làm một nhà tướng cầm quân ra trận, đánh bại kẻ nghịch, giữ gìn cho bờ cõi thiên hạ được an lành.

Nhiễm Hứa thưa :

-          Khả năng của đệ tử này là kinh tế tài chính. Nếu được quốc dân giao phó cho phụ trách công việc về tiền bạc sưu thuế, thì nguyện sẽ chu toàn bổn phận.

Các đồ đệ ai nấy lần lượt thành thực nói lên các ước vọng của mình. Riêng có Nhan Tử thì ngồi yên.

Khổng Tử gạn :

-          Còn nhà ngươi thì thế nào ?

Nhan Tử thưa :

          - Nguyện vọng của đệ tử này là muốn làm sao  đem nhân nghĩa giáo hóa cho toàn thể thiên

          hạ, để cho ai nấy biết yêu thương nhau như anh em một nhà, khiến cho Tử Cống khỏi nhọc

          về ngoại giao. Tử Lộ khỏi cần phải làm tướng đem quân ra trận, Nhiễm hứa khỏi cần phải

          nai lưng ra thu thuế làm cho trăm họ oán than.

          Khổng Tử nghe xong gật gù :

-          Nguyện vọng của nhà ngươi rất hợp với nguyện vọng của ta.

      (Vũ minh Nghiễm, Sốâng sống, 1971, tr 168-170)

               

          Nguyện vọng của Nhan Tử hay lắm thật. Nhưng ông không nói rõ phải giáo hóa bằng cách nào để cho thiên hạ có thể thương yêu nhau như anh em một nhà. Mỗi người có cần phải bắt đầu bằng một cuộc TỰ KIỂM THẢO đại qui mô hay không ?  Một cuộc tảo thanh nội tâm ? Bởi vì như Francis Charles nói :”Lấy khăn bẩn để lau vết bẩn, thì chỉ làm cho vết bẩn càng bẩn thêm”.

 

          Vậy cần phải yêu thương những ai truớc hết ?

 

          Bởi vì nếu tôi không sống hòa đồng với những kẻ ra vào cùng một ngõ xuôi ngược cùng một con đường mòn, lui tới cùng một chợ hôm chợ mai, thì nguyện vọng hòa bình của Nhan Tử chỉ là một giấc mơ tiên vĩ đại.

 

          Người đời xưa căn dặn :”Không nên tham cái lợi trức mắt mà quên cái hại sau lưng”. Thời nay, nếu các bậc thánh hiền ấy đội mồ sống lại, hẳn sẽ phải nói ngược lại :”Không nên lo đến cái hại sau lưng mà quên cái lợi trước mắt”. Chúng ta quên tu thân sửa nết, quên khỉ sự mưu cầu hòa bình bằng cách ăn ở lịch sự ấm êm với những người chung sống dưới một mái nhà, trên một đường phố, cùng một khoảnh đất, thở cùng một bầu không khí mà cứ đòi đốt giai đoạn, đi xót thương những kẻ xa xăm, chỉ văn kỳ thanh  mà bất kiến kỳ hình... Chúng ta gác bỏ một bên đức bác ái vô hình!... và qui tội cho kẻ khác !

 

          Nói một cách thực tế, chúng ta phải làm gì để có bình an trong tâm hồn và hòa bình ngoài xã hội.  Có nhiều việc phải làm nhưng chúng ta chỉ hạn định vấn đề lại trong ba điểm, đó là phải có một lương tâm yên ổn, một tình thương nhịn nhục tha thứ và một tâm hồn khiêm nhường.

 

1.     Phải có một lương tâm yên ổn

 

Người xưa nói :”Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” : lưới trời lồng lộng, sưa mà không

lọt.

          Không lọt, vì lưới ấy giăng ngay từ cõi lòng, từ óc não ta, từ trong linh hồn ta :

          Lưới ấy là : LƯƠNG TÂM.

          Lương tâm biết nói, nói dẻo dai, nói đằng đẵng, nói tỉ tê, nói mãi như người ăn mày khó tính cứ xin mãi, nói hoài cho đến khi nào người ta cho mới hết nói, mới hết xin.

          Phải, lương tâm là dư âm của tiếng Thiên Chúa phán bảo trong tâm trí ta.

                             (Đỗ bá Ái, Đời đáng sống, in lần 2, tr 102)

 

          Lương tâm có răng và biết cắn vì người ta hay nói : LƯƠNG TÂM CẮN RỨT.  Người nào bị rết cắn thường cảm thấy buốt, bị rắn cắn có thể chết trong mấy phút, nhưng nếu bị lương tâm cắn thì... thật khó mà nói cho đúng. Bởi vì chưa bác sĩ nào trên thế giới chữa nổi những người bị cắn hoặc biết được sau khi bị cắn cơ thể và tâm hồn nạn nhân có những phản ứng gì.

 

          Những hạng người nào có thể bị lương tâm cắn ? Tại sao phải phân biệt hạng người ?  Vì có một điều rất lạ là lương tâm không bạ ai cũng cắn như chó dại, mà trái lại chỉ cắn những người có lương tâm.

 

          Để dễ hiểu, xin tóm tắt : lương tâm là một con vật có răng mà người nào nuôi nó trong tâm hồn thỉnh thoảng bị nó cắn. Nếu bạn vô lương tâm thì không phải lo lắng gì hết, không bao giờ bị nó cắn, trừ khi bạn điên rồ tìm cho bằng được con lương tâm đó để nuôi dưỡng trong người.

 

          Đọc đến đây, các bạn vô lương tâm đừng có vội mừng, luật pháp đã qui định những điều khoản rất khắt khe để bỏ tù những người nào không chịu chăn nuôi lương tâm.

 

          Tuy lương tâm nguy hiểm thế nhưng nếu bạn chịu khó điều đình với nó và cho nó ăn uống đầy đủ, bạn sẽ là một người sung sướng, ăn no ngủ kỹ và hãnh diện nói với bà con bạn hữu : tôi là một người có lương tâm.

 

          Lương tâm rất khó tính, bạn phải luôn luôn cho nó ăn những thứ như đức tính thật thà, lương thiện... Nếu bạn không có đủ những thứ đó mà đòi nuôi lương tâm thì tôi xin chia buồn cùng bạn, vì lương tâm sẽ lên tiếng kêu gọi bạn suốt ngày đêm (người ta thường nói tiếng gọi của lương tâm). Bạn sẽ gầy mòn đi, ngày thì ngơ ngẩn, đêm ngủ mộng mị và rồi bạn sẽ chết trong đau khổ và hối hận.

          Nhưng trong đời, dù bạn có tài nhịn nhục đến đâu chăng nữa và cố chiều theo lương tâm để được sống yên lành, cũng có lúc bạn bất mãn bướng bỉnh làm theo lòng ham muốn của bạn và tìm cách ru ngủ con lương tâm bạn nuôi, bán rẻ nó đi hoặc đánh nhau với nó để chiếm lấy.  Bao nhiêu văn nghệ sĩ từ xưa đến nay đã tốn giấy mực để tả sự tranh đấu sôi nổi giữa con lương tâm và người nuôi nó, và ca tụng đó là một sự tranh đấu quan trọng mãnh liệt và cao đẹp của con người chống lại chính nó.

          Vì lương tâm là gì ?

          Rắc rối thay ! Lương tâm lại chính là BẠN !

                   (Duy Lam, Lương tâm, trong Văn hóa ngày nay)

 

          Victor Hugo – nhà thi sĩ trứ danh nước Pháp – lại cho lương tâm là CON MẮT của Thiên Chúa hằng theo dõi ta. Ông dựa vào Kinh thánh để thêu dệt thêm như hình phạt mà Thiên Chúa dùng để phạt tội giết người của Cain.

 

                             Truyện : Cain giết Abel.

          Hồi ấy, Cain vì ghét em là Abel, đã rủ em ra đồng vắng, rồi giết đi. Thiên Chúa hiện ra hỏi Cain :

-          Abel, em mày đâu ?

Cain trả lời :

-          Biết nào, tôi đâu phải là người giữ nó.

Thiên Chúa liền quở mắng :

-          Mày đã làm gì ?  Tiếng máu của em mày đã kêu đến Ta.

Và Thiên Chúa đặt cái DẤU trên trán Cain để người ta thấy mà đừng giết hắn, nhưng để

cho tiếng lương tâm dầy vò hắn suốt đời(x. St 4,8-17). Dấu ấy, thi sĩ Victor Hugo đã cho là con mắt của Thiên Chúa ngày đêm theo đuổi và nhìn chòng chọc vào Cain.

 

          Thi sĩ còn tả tiếp : sau khi giết em, Cain sinh ra bối rối, buồn sầu hằng như nhìn thấy con mắt trông xem mình chòng chọc đêm ngày. Không chịu nổi, Cain bồng bế con cái đi xa xăm cho khỏi.  Vừa đặt gánh ngồi xuống, Cain đã nhìn thấy con mắt đang nhìn mình chòng chọc. Cain bảo con xây cho mình một tháp cao vít kín tư bề, nhưng vừa vào đó, con mắt đã nhìn Cain. Không chịu nổi, Cain bảo con đào cho mình một hầm sâu dưới đất, nhưng vừa rúc xuống, Cain đã trông thấy con mắt đang nhìn mình rồi...

                    (Đỗ bá Ái, Đời đáng sống, in lần 2, tr 103)

 

          Muốn được bình an trong tâm hồn, chúng ta hãy cố gắng tạo cho mình có được một lương tâm yên ổn. Muốn có được lương tâm yên ổn tức là phải có một đời sống trong sạch, thương yêu, nhịn nhục và chấp nhận mọi hòan cảnh do Chúa gửi tới, cũng như cố gắng chu toàn những nhiệm vụ được giao phó. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện được những cái đó thì lương tâm chúng ta mới được yên ổn vì nó không còn khiển trách chúng ta nữa.

 

                    Truyện : người lính canh La mã.

          Năm 79, khi núi Vésuve phun, làm cho miền đó ngập lên những than nóng hổi và phún thạch, dân chúng điên cuồng, thất vọng, chạy tán loạn, để tránh cái chết. Một người lính La mã đứng yên chỗ gác, không hề nhúc nhích.  Trong khi hỗn loạn, người ta quên không bảo anh được chạy, vì bổn phận, anh vẫn không rời chỗ gác. phún thạch dần dần lan tới chỗ anh đứng, những hơi diêm sinh bốc lên làm anh ngạt thở. Thật là một hỏa ngục dương gian đang đợi anh... Thế mà anh vẫn đứng vững để làm trọn phận sự, cho đến nỗi anh bị chôn sống dưới lớp tro bỏng. Ngày nay người ta còn giữ cái mũ, một cái giáo, và áo giáp của anh tại viện bảo tàng Barbonico thành Naples.  Trung thành với bổn phận cho đến cùng, anh thà bị chết cháy bởi chất đá chảy còn hơn là mất danh dự của người lính La mã.

                             (Tihamer Toth, Chí khí người thanh niên, in lần 2, tr146)

 

          Câu truyện trên đối với chúng ta quá lý tưởng và khó thực hiện vì có lẽ không bao giờ ta có những trách nhiệm nhà binh; nhưng những nghĩa vụ chẳng lớn thì nhỏ chắc chắn sẽ đòi hỏi nơi chúng ta : nghĩa vụ đối với Thiên Chúa, với đồng bào, với Giáo hội, với Tổ quốc.  Những công việc đó tuy khó nhọc nhưng nó cần thiết vì nó cần cho danh giá của con người.  Sống trên đời không phải chỉ để hưởng sung sướng, để thỏa mãn sự vui thích mà là LÀM VIỆC BỔN PHẬN, hoàn thành công việc mà Chúa đã trao cho.  Bao lâu ta không còn phải phàn nàn về đời sống của ta, không phải phàn nàn về những thiếu sót trong bổn phận của ta, lúc đó ta mới có một lương tâm yên ổn và mới cảm thấy một niềm vui sướng phát ra tự đáy lòng mình

 

2.     Phải có một tình thương tha thứ.

 

          Khi Chúa Giêsu sống lại, hiện ra với các tông đồ thì tiếng nói đầu tiên của Ngài là : Bằng an, hòa bình cho các con. Không những để trấn tĩnh các ông ấy, nhưng Ngài còn muốn gói ghém trong chừng ấy tiếng cái sứ mệnh mà Ngài thực hiện qua cuộc sống của Ngài và ngày mai các tông đồ, các tín hữu phải tiếp tục thi hành : đem lại bằng an cho mọi người, gieo rắc hòa bình khắp nơi.

 

          Hòa bình không ở đâu khác, nhưng hòa bình phải phát xuất từ cái tế bào đầu tiên của nó là:lòng người.  Muốn có được hòa bình, mỗi người cần phải góp sức vào.  Nếu mong ước hòa bình thực sự ta phải bắt đầu làm nảy nở hòa bình trước hết trong mọi hoạt động của ta, trong gia đình, làng xóm, tại chỗ ta làm việc. Hòa bình không thể lan rộng khắp nhân loại nếu nó không bắt đầu phát triển từ mỗi gia đình, từ mỗi người.

 

          Nếu người ta cứ thao  túng gây lộn và hận thù giữa cá nhân với cá nhân, nói xấu nhau, hiểu lầm nhau, gây bất hòa trong gia đình thì làm sao có hòa bình trong tâm hồn và ngoài xã hội.

 

                   Truyện : Tha thứ cho kẻ giết mình.

          Sau  khi chế độ Đức quốc xã sụp đổ, quân đội dồng minh đi  lục soát một trại tập trung kia, gặp một bà quả phụ người Do thái, bà ta được biết rằng chồng bà đã bị giết và khi đứng trước lý hình, chồng bà luôn luôn cầu khẩn :”Lậy Chúa, xin tha lỗi cho họ”.  Bà còn được biết rằng cậu con trai của bà lên 7 tuổi đã dám nã súng vào một tên mật vụ làm gã bị trọng thương. Tên mật vụ ấy đang nằm hấp hối trong một bệnh viện, chỉ ước nguyện một điều là được thấy tận mắt thằng bé giết chàng, và mẹ nó.  Cuối cùng bà quả phụ kia bằng lòng đến bên giường của bệnh nhân.  Người sắp chết hổn hển nài xin :”Bà hãy cùng tôi đọc kinh Lạy Cha để xin Chúa tha lỗi cho tôi và tôi sẵn sàng tha lỗi cho con bà”.

                   (Báo Đức Mẹ La vang, số 35-36, tr 60)

 

          Biết tha thứ cho nhau mới mong có hòa bình, nhưng tha thứ là một việc rất khó. Ai cũng tự cho mình là nạn nhân của sự bất công, không ai chịu đứng ra làm hòa trước. Có người cho việc tha thứ là một việc khiếp nhược, là mất thể diện. Thiên Chúa tha thứ luôn luôn, thế mà có mất quyền phép, mất thể diện gì đâu ?  Có người nghĩ rằng : tại người kia có lỗi, họ phải đứng ra xin lỗi trước.  Nhưng Chúa Giêsu lại dạy khác :”Khi con đến bàn thờ dâng của lễ nếu sực njớ lại có người bất hòa với con, con hãy để của lễ tại đó, trở về làm hòa, rồi đến dâng lễ”.   Tha thứ là hình thức của cách mạng tuy khó thực hiện, nhưng không phải là không thực hiện được.

 

          Người nào quyết tâm hoạt động cho hòa bình, người nào biết quên mình đi chỉ nghĩ đến ích lợi của người khác, người ấy mới có thể tha thứ cho người khác được. Ngay sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết liễu, nước     X        mở một chiến dịch lớn quyết phanh phui những tội ác phạm đến nhân phẩm trong các trại tập trung của nước Đức. Vì thế những người bị giam giữ trước kia được kêu ra, mời đến đối chất với những tên mật vụ.  Người ta yêu cầu nhận dạng và tố cáo, có người uất hận vì nhiều cực hình hôm qua đã tố giác lại. Nhưng không thiếu cho những thái độ anh hùng.  Có người biết rõ mặt lý hình của mình nhưng họ từ chối không tố cáo.

 

                             Truyện : cả làng tha thứ.

          Nadour sus Glane hằng năm tổ chức một ngày kỷ niệm lịch sử,  mồng 10 tháng 6 năm 1944, làng ấy bị đốt phá tan tành. Tất cả đàn ông bị quân đội Đức bắn giết,  còn đàn bà núp ở giáo đường đều bị chết thiêu trong ấy.  Chiến tranh chấm dứt, thật ra dân chúng vùng ấy có đủ lý do để mạt sát chửi rủa người Đức.  Nhưng tuyệt nhiên không có điều gì đáng tiếc xẩy ra.  Mọi người đều sống trong tinh thần bác ái và tha thứ, báo chí không thể khai thác được gì    (Sđd trang 61).

 

          Lúc này vì xã giao lịch sự, đụng cái gì cũng xin lỗi.  Tiếng xin lỗi đã mất giá trị, vì người ta dùng nó bừa bãi vô ý thức. Vấn đề tha lỗi ở nơi người Công giáo không phải là một bài toán trừ khô khan.  Cha ông chúng ta nói :”Một lần tha ba lần chém” hoặc “quá tam ba bận” Bọn Pharisêu dạy tha lỗi ba lần.  Các tông đồ nghĩ rằng phải tha lỗi đến 7 lần, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ phải tha lỗi cho kẻ khác đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là sẵn sàng tha thứ luôn.

 

          Chúa Giêsu là Đấng hay tha thứ, nên nơi Ngài mới có hòa bình thực  sự, hòa bình ấy, thế gian không thể ban cho. Chúng ta muốn góp công vào việc kiến tạo hòa bình cho mình và cho người,  hãy biết tha thứ cho người khác trong vuộc sống va chạm hằng ngày...

 

          Người đời ưa chuộng những người biết nhịn nhục tha thứ, coi việc tha thứ là việc làm của những người anh hùng, chứ không phải việc làm của những kẻ hèn nhát khiếp nhược,  việc đó lại còn có lợi cho cuộc sống cá nhân nữa :

 

                             Chữ nhẫn là chữ tương vàng,

                             Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu.

                                      (Ca dao)

 

          Sách Cách ngôn cũng nói lên ý nghĩ của mọi người về vấn đề nhịn nhục và tha thứ khi nói :

 

                             “Những hạng người tài mà tính khí hoà hoãn ấy là bậc đại tài.

                             “Những hạng người khôn ngoan mà khí hóa ôn hòa là bậc đại trí”.

 

3.     Phải có một tâm hồn khiêm  nhường

 

Một trong nhiều câu truyện kể vềø các thánh tu hành trong sa mạc, có câu truyện do Abbot

Macarius kể :

          Một hôm trên con đường về căn chòi của mình, thầy Macarius gặp một thằng quỷ với thái độ rất bất mãn. Thầy gạn hỏi :

-          Chuyện gì vậy ?

Quỷ liền đáp :

-          Macarius, thầy biết không, tôi rất khổ tâm khi không thắng được thầy.

Thầy dòng thánh thiện hỏi lại :

-          Tại sao vậy ?

-          Tôi cố gắng làm tất cả những điều thầy làm, Thầy ăn chay tôi cũng nhịn đói được. Thầy tỉnh thức cầu nguyện,  tôi cũng thức suốt đêm được, nhưng chỉ có một điều duy nhất tôi không làm được như  thầy !

-          Điều gì vậy ?

-          Đó là sự khiêm nhường. Chính vì vậy mà tôi không thắng đuợc thầy. Không qua mặt được thầy, thì tôi cũng không thể cám dỗ được thầy.

                      (Thomas Merton, The Wisdom of the Desert, 1970, tr 52-53)

 

Sự khiêm tốn đã đem lại cho thầy dòng Macarius sự bình an. Sống dễ thương với hết mọi

người thì bạn sẽ có bình an. Sống đơn sơ không đòi hỏi bạn sẽ cảm nghiệm được bình an. Sống khiêm tốn và chấp nhận cuộc sống thì bạn sẽ thấy bình an. Hãy trao ban cho tha nhân những gì bạn lãnh nhận nhưng không thì sẽ nếm được bình an. Có lẽ thầy dòng Macarius đã nhận ra được 5 kẻ thù chính của sự bình an !  Bạn có tin rằng trạng thái bình an và tâm tình khiêm tốn là hai đôi bạn thân không ? Bạn cứ thử xem và sẽ cảm nghiệm được. Lời của thánh Phaolô tông đồ thách thức chúng ta :

         

          Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong thần khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau,  thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,1-4).

                       (Thanh Thủy, Con đường tình yêu,  1997, tr 159-161)

 

          KẾT LUẬN

 

          Bền tâm hy vọng được chiêm ngưỡng Giêrusalem trên trời (Kh 21,2) người Kitô hữu khát mong thực hiện mối toàn phúc :”Phúc cho những kẻ kiến tạo hòa bình” (Mt 5,9), vì sẽ được sống như Thiên Chúa, làm con Thiên Chúa trong Đức Giêsu, Người Con độc nhất. Họ cố gắng hết sức để xây dựng thuận hòa và an vui nơi trần thế.

 

          Sống hòa bình với nhau, đó là dấu hiệu các người con của Thiên Chúa. Ở đâu có bác ái thì Thiên Chúa hiện diện ở đấy. Cũng thế,  ở đâu có hòa bình thì Thiên Chúa cũng ngự ở giữa. Thánh nữ Têrêsa Hài đồng nói :”Chúng ta phải là những thiên thần  mang lại bình an, chứ không phải là những vị thẩm phán hòa giải”.

 

          Người biết sống hòa bình là những người được Chúa thương vì họ được gọi là con cái Thiên Chúa, họ được lợi cả đời nay lẫn đời sau, cả tinh thần lẫn vật chất, như thi sĩ Nguyễn bỉnh Khiêm

đã nói :

                                      Chữ rằng : nhân dĩ hòa vi quí,

                                      Vô sự thì hơn đỡ phải lo.

 

          Để kết thúc bài này, thiết tưởng không gì hơn là chúng ta hãy cùng nhau đem Kinh Hòa bình của thánh Phanxicô Assisi ra để suy niệm, để cầu nguyện,  xin Chúa biến chúng ta thành những dụng cụ hòa bình của Chúa để chúng ta có thể

 

                                      Đem yêu thương vào nơi oán thù,

                                      Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

                                      Đem an hòa vào nơi tranh chấp,

                                      Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Giang sinh năm 2003                                                                                  


Mục Lục