SA NGÃ

+++

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Lời Chúa theo thánh Marcô: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói :”Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15).

 

          Trong ngày lễ Tro vừa qua, mỗi người chúng ta đã lãnh nhận một chút tro trên đầu với lời nhắn nhủ :”Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.  Hoặc câu khác nhắc nhở ta hãy nghĩ về giờ chết của mình :”Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về cùng tro bụi”.

 

          Lời khuyên nhủ “Sám hối” là lời rao giảng của Gioan Tẩy giả cho người Do thái khi bắt đầu sứ vụ rao giảng của mình. Sau này, khi Gioan rút lui, Đức Giêsu lại tiếp tục đi rao giảng Tin Mừng và cũng lặp lại lời kêu gọi ấy.  Ngày nay Giáo hội cũng dùng lại lời kêu gọi ấy đối với chúng ta, nhất là trong Lễ Tro.

 

          Sám hối có nghĩa là trở về. Sở dĩ phải trở về là đã đi lạc đường, đi xa khỏi cội nguồn của mình.  Cội nguồn của chúng ta là Thiên Chúa, như vậy sám hối là trở về cùng Thiên Chúa.

 

          Nguyên tổ loài người đã rời xa cội nguồn khi nghe lời xúi dục của con rắn mà ăn trái cấm.  Ông bà đã sa ngã trước lời phỉnh gạt của ma quỉ.  Và đây là cú ngã đầu tiên của con người, để rồi sau này, con cháu ông bà lại tiếp tục đi theo lối mòn đó.

 

          Trong Thánh kinh, chúng ta thấy nhan nhản những cú ngã tầy trời với đủ loại, đủ hạng người, đủ mọi hoàn cảnh và thời gian.  Cú ngã tiếp theo ông bà là vụ Cain giết Abel… và cú ngã nổi tiếng là vua Đavít phạm tội ngoại tình.  Trong Tân ước cũng còn ghi lại những cú ngã nổi tiếng của một Phêrô, một Phaolô, người đàn bà ngoại tinh… Trong lịch sử còn ghi lại biết bao cú ngã của nhiều nhân vật nổi tiếng, trong số đó có người biết chỗi dậy, có người nằm ỳ tại đó. Có người làm thánh  và cũng có người làm quỉ.

 

          Thiên Chúa đã thấy trước sự yếu đuối của con người, cho nên sa ngã cũng là chuyện thường tình, không ai có thể thoát được.  Thiên Chúa không chấp chiếm sự sa ngã, nhưng còn tỏ lòng thương xót, giúp đỡ con người chỗi dậy khỏi vũng bùn nhơ của tội lỗi. Điều Thiên Chúa quan tâm là con người có biết cộng tác với ơn Chúa mà chỗi dậy không ! Ơn Chúa không bao giờ thiếu cho con người bởi vì Chúa đã khẳng định với ông Phaolô :”Ơn của Ta đã đủ cho con” (2Cr 15,10; Dt 2,9).  Hãy vững tâm và mau mắn chỗi dậy, Chúa đang chờ đợi chúng ta.

 

II. NGÃ VÀ SA NGÃ

 

          1. Nói về ngã (hay té).

 

          Thiết tưởng ai trong chúng ta cũng biết đi, và nếu là em bé rồi cũng sẽ biết đi. Nhưng biết đi không có nghĩa là không té ngã.  Chúng ta đã vấp ngã và còn té dài dài – đôi khi vì vô ý, có lúc vì cố tình, đôi khi vì tự mình, nhiều lúc vì người khác. Bị vấp ngã, có người bị kiệt quị, có người khóc than, có người đứng lên đi tiếp. Thấy kẻ bị ngã, có người làm lơ, có người cười, có người khóc, có người giúp đỡ.

 

          Nói đến té ngã thì luôn có tính cách thể lý hay vật lý. Ngã trong sự vô ý hay hữu ý.

 

          - Vô ý ngã : đây là những sự cố có tính cách khách quan, thường xẩy ra trong khi chúng ta vô ý như trượt chân, vấp ngã, ngã ngựa, ngã xe, ngã thang… không ai tránh được cái ngã này.

 

          - Cố tình ngã : Hành động này có tính cách chủ quan, nhằm một mục đích nào đó, ví dụ một em bé giả vờ ngã để bố mẹ chú ý để săn sóc,  hay một cô nàng muốn ngã vào lòng người yêu để được âu yếm. Có khi cố ý ngã để thông cảm với kẻ khác…

 

          2. Nói về sa ngã

 

          Khi nói về sự sa ngã thì ai cũng hiểu ngay là vấn đề thuộc về tâm linh, tâm lý  và đặc biệt có tính cách tôn giáo. Khi nói một người bị sa ngã thì ai cũng hiểu ngay là người này đã phạm tội ví dụ Adong Evà ở trong vườn Địa đàng đã sa ngã vì nghe lời dụ dỗ của ma quỉ dưới hình dạng con rắn. 

 

          Trong đời sống con người, ít khi người ta vấp và ngã, nhất là những người có thể lý vững mạnh, nhưng có rất nhiều người bị sa ngã cho dù họ là những người khỏe mạnh, cho dù họ là những bậc vĩ nhân hoặc ngay cả vị thánh.  Người ta sa ngã vì đã phạm tội.  Chúng ta sẽ bàn đến sự sa ngã trong bài nay.

 

III. SỰ SA NGÃ CỦA CON NGƯỜI

 

          Thiên Chúa tạo dựng con người và ban cho con người được làm chủ mọi loài Chúa đã dựng nên.  Tự do là điều cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho con người, để con người dùng chính sự tự do ấy để hoạch định chính ân sủng sống đẹp lòng Thiên Chúa.

 

          Tuy nhiên, một nghịch lý đã xẩy ra, con người đã dùng chính sự tự do mà làm hại cuộc sống của chính mình, bị đánh mất ân sủng ban đầu và bị trừng phạt vì điều họ đã lỗi phạm.

 

          Chúng ta có thể đưa ra mấy trường hợp sa ngã của con người ngay trong Thánh Kinh như Adong Evà đã ăn trái câm (St 2-4b-3,240), dân Do thái bỏ Thiên Chúa mà thờ ngẫu tượng, Vua Đavít ngoại tình (2Sm 11), Giuđa bán Chúa (Mt 27,3), Phêrô chối Chúa (Mc 14,19.30-31).

 

          Mọi người đã sa ngã phạm tội từ nguyên tổ Adong Evà cho đến chúng ta hôm nay. Thánh Gioan đã nói :”Ai bảo mình không có tội là người nói dối và sự thật không có trong họ”. Thánh Phaolô cũng phải xác nhận : có một sự nghịch lý trong con người của ngài, vì thế cái gì là hay, là tốt thì ngài lại không làm,còn cái gì là xấu xa ngài không muốn làm thì lại làm (x. Rm 7,15).  Vì thế, ngài đã cảnh báo mọi người :”Qui stat, cave ne cadat” : ai đang đứng ý tứ kẻo ngã (1Cr 10,12).

 

                                      Truyện : Biết chỗi dậy

 

          Ở Phương Tây vẫn có thói quen cho phép các tù nhân được nghe giảng dạy.  Một lần nọ, sau khi đến khám đường và cầu nguyện vắn tắt trước khi lên bục giảng, vì sơ ý,  vị linh mục vấp ngã sõng soài trên nền nhà.  Cả hội trường vang lên tiếng cười diễu cợt. Nhưng chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu, vị linh mục đứng dậy bước lên bục giảng và dõng dạc nói với các tù nhân hiện diện :”Anh em thân mến, cảnh tượng anh em vừa thấy đó là điều tôi muốn gửi đến anh em hôm nay : ai trong chúng ta cũng có thể té ngã, nhưng điều quan trọng là chúng ta biết đứng dậy và tiếp tục bước đi”.

 

          Câu nói của vị linh mục được rút ra từ một biến cố bất ngờ, nhưng nó nói lên một chân lý, đó là con người luôn phải chỗi dậy sau những lần sa ngã.. Sa ngã là câu chuyện rất bình thường vì nó là câu chuyện của con người, còn sa ngã mà có chỗi dậy không mới là vấn đề :

 

                             Kẻ nào ngã vào tội lỗi là một con người,

                             Kẻ nào khổ vì tội lỗi là một ông thánh,

                             Kẻ hãnh diện vì tội lỗi là một thằng quỉ”.

                                           (Thomas Fuller)

 

          Thử nghĩ lại xem mình có phạm tội bao giờ không ? Mà nếu đã phạm tội tức là đã sa ngã. Mà nếu đã sa ngã thì phải làm sao ?

 

III. SA NGÃ VÀ SÁM HỐI

 

          1. Sự sa ngã

 

          Ai sinh ra ở trên đời cũng có sai lầm, không trừ một ai,  chỉ có điều là  có những người không có khả năng thấy được sai lầm, thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm hoặc đã thấy mình sai lầm nhưng không chịu thừa nhận, hoặc có thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa, hoặc có sửa chữa thì cũng không quyết tâm sửa chữa đến cùng. 

 

          Từ xưa, các bậc minh triết đã cho rằng, việc thấy được sai lầm của bản thân mình, có dũng khí công khai thừa nhận và có quyết tâm sửa chữa những sai lầm, đó là dấu chỉ một con người chân chính, trung thực, đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng.

 

          Có một câu ngạn ngữ La tinh nói rằng :”Errare humanum est” : con người là sai lầm.

          Thánh Gioan cũng nói :”Kẻ nói mình không có tội là kẻ tự lừa dối mình” (1Ga 1,8).

          Nhưng nét đẹp của một con người là ăn năn hồi tâm, biết sám hối nhận ra lỗi lầm của mình để từ đó sửa đổi canh tân bản thân.  Mùa chay là mùa đặc biệt dành cho sự trở về của người biết ăn năn sám hối.

 

          Sa ngã là chuyện bình thường vì bản tính con người yếu đuối.  Chúa đã biết sự yếu đuối của con người rồi.  Nếu sa ngã mà không chỗi dậy, cứ nằm lỳ ở đó mới là sự bất bình thường. Sa ngã mà biết vội vàng chỗi dậy, đó là sám hối.

 

          2. Sự sám hối

 

          Trước sự sa ngã của con người,  Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ.  Không có vấn đề gì nơi Thiên Chúa, chỉ có vấn đề nơi con người thôi.  Nói cách khác, con người có chịu sám hối hay không ?

                            

                                      Truyện : Con cáo hối cải

 

          Một câu chuyện giả tưởng thuật lại như sau :  Khi Chúa giáng sinh, các thú vật đều tới mừng Chúa. Mỗi con đều dâng Chúa chút quà : chị bò cái dâng sữa. Cậu khỉ biếu Chúa mấy trái nho. Chú sóc nâu bé nhỏ tình nguyện ở lại làm đồ chơi cho Chúa.

          Chúa Hài Đồng vui vẻ nhận tất cả. Đang lúc các thú vật quây quần bên Chuá thì chàng cáo xuất hiện. Các thú vật đều ghét cáo, vì hắn ta gian manh quỉ quyệt…  Chúng chận không cho cáo đến gần Chúa và tự hỏi : Không biết cáo định âm mưu gì.

 

          Cáo nói : Tôi đến dâng lễ vật cho Chúa.  Nhưng chẳng thấy cáo mang theo lễ vật nào. Chúa ra hiệu cho cáo vào.  Quì bên Chúa Hài Đồng chàng cáo thì thầm dâng lến Chúa lòng quỉ quyệt của mình.

 

          Mọi thú vật đều bỡ ngỡ. Dâng gì kỳ cục vậy !  Trái lại cáo ta vui cười hớn hở, còn Chúa đặt hai tay trên đầu cáo tỏ dấu ưng thuận chúc lành.  Xưa nay cáo sung sướng nhờ sự quỉ quyệt của mình, bây giờ dâng cho Chúa rồi, nó sẽ phải kiếm ăn cực nhọc với tấm lòng hướng thiện.  Chàng cáo đã dâng nhiều hơn hết mọi con vật.

 

          Sám hối là sửa mình để trở về với con đường lành.  Người dân quê Việt nam cũng biết sám hối về những lầm lỗi của mình nên mới có câu tục ngữ rất hay :

 

                             Một lời nói dối, sám hối bảy ngày”

 

          Theo người Việt nam, Sám hối là lễ sám hối, tức là làm lễ cầu Phật chứng cho việc mình tỏ ý ăn năn hối hận  về những lỗi lầm đã làm,  và nguyện không tái phạm những tội lỗi ấy nữa.

          Sám hối bảy ngày là làm lễ sám hối trong bảy ngày liền; ý nói tội lỗi to, phải sám hối nhiều ngày mới rửa được.

 

          Cả câu tục ngữ có nghĩa là : nói dối một lời thì phải ăn năn sám hối tới bảy ngày.  Đại ý câu này khuyên người ta  không nên nói dối.

 

          Trước vấn đề sám hối, chúng ta thấy có hai thái độ, đó là thái độ tiêu cực và thái độ tích cực.

 

          a) Thái độ tiêu cực

 

          Có những người biết mình đã phạm tội, đang ở trong vũng lầy tội lỗi, biết Chúa đã tạo điều kiện cho mình ăn năn sám hối, nhưng cứ cứng lòng chìm ngập trong tội lỗi, nhân vật điển hình là Giuđa  mà chúng ta vẫn nhắc đến trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhất là trong tuần thánh.

 

          Giuđa là người tham lam tiền của đã có dã tâm bán Chúa cho người Do thái với giá 30 đồng bạc.  Chúa Giêsu đã biết ý đồ của hắn, đã nhắc nhở cho hắn trong bữa Tiệc ly (x. Mc 14,17-20). Rồi trong vườn Cây Dầu, Giuđa đem bọn lính đến bắt Chúa.  Hắn đã dùng cái hôn làm hiệu cho quân lính bắt Ngài. Chúa Giêsu đã nói thẳng với hắn để nhắc nhở và cảnh tỉnh hắn :”Giuđa ơi, con dùng cái hôn mà nộp Con người sao” (Lc 22,48).  Trước lời nói tình nghĩa và dịu hiền như thế, Giuđa vẫn không mủi lòng. Và sau cùng, con người đó đã bấn loạn trong lương tâm, thất vọng, đã đi thắt cổ tự tử.

 

          b) Thái độ tích cực

 

          Thánh Phêrô đã chối Chúa ba lần. Chúng ta có thể thông cảm với ông vì ông bị hỏi một cách đột ngột, ông bị động, không kịp suy nghĩ. Còn lần thứ hai và thứ ba vì quá sợ hãi.  Tuy thế,  sau sự kiện đau lòng đó, ông đã nhận ra lỗi lầm của mình mà sám hối.

 

          Thánh Phêrô đã thực sự chối Chúa,  nhưng Chúa thức tỉnh ký ức của ông bằng tiếng gà gáy và ánh mắt tha thứ nhân từ.  Vì thế, Phêrô đã ăn năn sám hối bằng những giọt nước mắt hối hận :”Phêrô ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,62).

 

          Kinh nghiệm đầu tiên mà thánh Phêrô  chia sẻ cho cộng đoàn Giáo hội sơ khai là : Anh em hãy sám hối, bởi vì đối với Phêrô sám hối là bước đi thứ nhất của hành trình lãnh nhận Thánh Thần.  Đó là kinh nghiệm bản thân và cũng là gương sáng của Phêrô :”Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã trao cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 25,3). 

 

          Gương sáng của Phêrô trước hết là gương sám hối.  Thánh Phêrô muốn chia sẻ bài học thấm thía ấy  với những  người đang  cùng ngài giữ trọng trách mục tử.

 

          Tiếp đến là gương thánh Phaolô tông đồ dân ngoại. Khi còn thuộc nhóm Pharisêu, Phaolô kiêu ngạo, cứng lòng và bách hại các tín hữu.  Nhờ ăn năn sám hối, ngài đổi mới hoàn toàn, ngài có kinh nghiệm sống  trong tình yêu, lòng nhân từ và tha thứ của Đấng đã quật ngã mình khỏi lưng ngựa.  Thánh Phaolô là “lột bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới”.  Con người mới đã được sám hối, và được biến đổi trong ân sủng: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17).

 

          Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm sám hối của ngài:“Sám hối là làm hòa với Thiên Chúa”.  Tội lỗi đã phá hủy những liên hệ hài hòa giữa con người với Thiên Chúa, sám hối là tái lập những liên hệ ấy. Thời gian sám hối là thời gian Thiên Chúa thi ân, thời Thiên Chúa cứu độ.

 

          Chúng ta cũng nên nói đến gương sám hối của vua Đa vít.  Vua Đavít phạm tội ngoại tình với bà Bát Seva, vợ của tướng Urigia. Sau khi phạm tội vua Đavít cố tình che đậy tội lỗi của mình.  Nhà vua gọi Urigia đang ở ngoài chiến trường về nhà với vợ.  Vua tính toán là  Bát Seva có sinh con, thiên hạ sẽ nói đó là con của Urigia.  Tướng Urigia không biết âm mưu của Đavít, nhưng nhất định không chịu về nhà, ông chỉ muốn sống chết với binh sĩ ngoài chiến trường.  Đavít dùng thủ đoạn đẩy Urigai ra ngoài trận địa, đến nơi nguy hiểm nhất, vị tưởng đã tử trận.

 

          Thiên Chúa đã sai tiên tri Nathan  đến thức tỉnh lương tâm của nhà vua.  Ý thức về tội lỗi đã phạm, vua Davít liền ăn năn sám hối, trở về với Chúa.  Nhà vua thốt lên :”Tôi đã đắc tội với Chúa” (2Sm 12,13).  Vua tỏ lòng ăn năn sám hối về tội lỗi đã phạm. Thánh vịnh 50 (51) bộc lộ tâm tình sám hối, và truyền thống cho rằng vua Đavít là tác giả.

 

          Trong lịch sử thế giới, chúng ta thấy có biết bao nhiêu những cuộc sa ngã tầy đình của mọi hạng người, không trừ ai, từ vua chúa cho đến thường dân, từ những người thánh thiện cho đến người tội lỗi.  Đấy là số phận của con người. Bản tính con người đã trở nên yếu đuối từ khi nguyên tổ loài người phạm tội.

 

          Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy người khác hay chính bản thân mình sa ngã.  Sa ngã mà biết chỗi dậy là chuyện bình thường. Còn sa ngã mà không biết chỗi dậy ăn năn sám hối thì mới là chuyện bất bình thường.  Người Nhật nói : “Ngã bảy lần mà còn chỗi dậy là còn tốt”.  Đừng thất vọng vì những lần sa ngã của mình, hãy chỗi dậy và bắt đầu lại.

 

                                       Truyên : Phải bắt đầu lại

 

        Một thanh niên thấy cuộc sống mình bê bối, muốn sám hối ăn năn, đến gặp một vị Linh mục và nói :

        - Thưa cha, hôm nay con đến xin cha giúp con, con bê bối lắm nhưng con không biết bắt đầu từ đâu cả : Mười điều răn Đức Chúa Trời, sáu điều răn Hội thánh, bảy mối tội đầu con đều phạm hết.  Con nản quá !  Bạn bè khuyên con, con trả lời rằng : Thôi đã lỡ phạm tội thì phạm cho hết mọi tội, xuống lót đáy hỏa ngục luôn. Nằm dưới đáy có lẽ đỡ nóng, hơn là nằm hơ hơ trên ngọn lửa, nóng lắm ! Nói thì nói thế cho vui, chớ con không yên tâm chút nào.

        Vị Linh mục cười và nói :

        - Cha lại thích mấy con cá bự, cá nhỏ ăn hoài chán rồi.

        Cả hai cha con cười xòa.

        Vị Linh mục nói tiếp :

        - Cha kể cho con một câu chuyện nhé : Một người con trai kia thất nghiệp, trở về nhà buồn bã. Nguời cha an ủi : Thôi con ạ, nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông thì nhì sĩ ; con trở lại với miếng ruộng của gia đình đi. Sáng mai con ra làm cỏ năm sào ruộng để mùa tới chúng ta sẽ xạ lúa.  Người con nghe lời, sớm mai vác cuốc ra đồng. Nhưng khi nhìn thấy đám ruộng mênh mông chỉ có cỏ với cỏ, anh ngán ngẩm, tìm một gốc cây nằm ngủ.

        Người cha biết sự việc, không la rầy, ôn tồn nói với con :

- Mỗi ngày con làm cho cha 20 mét vuông thôi, con làm được không ? 

- Dạ, ít vậy thì được.

        Và cứ như thế, chẳng bao lâu đám ruộng đã sạch cỏ.

        Tâm hồn con bây giờ cũng như đám ruộng kia, đầy cỏ dại, nhưng con hãy bắt đầu đi rồi con sẽ thấy kết quả.  Rồi đây con sẽ còn sa ngã, nhưng cái quan trọng là luôn biết bắt đầu lại. Tội con Chúa đã tha rồi, Chúa chỉ đòi hỏi con cố gắng mà thôi.

        Mười năm sau đó, vào một buổi sáng đẹp trời, một tu sĩ bước vào nhà xứ và cúi đầu chào Linh mục, rồi nói :

        - Cha còn nhớ con nữa không ? Con là người  cha đã chỉ cho cách làm cỏ cách đây khoảng mười năm.

 

        Trong mùa Chay này, chúng ta phải củng cố và đổi mới đời sống đạo của mình. Những vấp ngã trong cuộc sống không làm cho chúng ta chùn bước vì đã có Chúa nâng đỡ.  Chúng ta hãy coi mình như trẻ thơ, nếu có vấp ngã trên đường, đã có Chúa nâng đỡ ủi an như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã từng tin tưởng :

                        Bình an con là sống bé nhỏ,

                        Nên, khi con té ngã trên đường

                        Thật mau con chỗi dậy luôn

                        Giêsu nắm lấy tay con đỡ đần.

                                (Têrêsa Hài Đồng)

 

        Ngoài ra, chúng ta hãy tăng cường sự cầu nguyện để xin Chúa gìn giữ trên đường đời bởi vì như người ta nói :”Khỏe như voi không coi cũng ngã”, như thế có nghĩa là không có ơn Chúa chúng ta không thể đững vững được như Chúa đã nói :”Không có ơn của Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga 15,4-8). Chúng ta hãy đọc kinh Lạy Cha với lòng tin tưởng sẽ được Chúa ban ơn “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Amen.

                                       

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Mục Lục