BÀI 3: SỐNG ĐỨC ÁI NƠI GIA ĐÌNH

Cuộc đời nếu không có yêu thương?

 

 

Đọc bản tin của báo thanh niên online ngày 29.11.2005 có tin: “Ái nữ của ông Samsung tự tử”. Bản tin đó như sau:

“Cuối tuần rồi tập đoàn sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới Samsung đã xác nhận Lee Yoon-Hyung, con gái út của tập đoàn này đã tự kết liễu đời mình”. Lee 26 tuổi đang học cao học ngành quản trị nghệ thuật tại đại học New York đã tự treo cổ bằng dây điện trong căn hộ của cô ở Manhattan.

Cô đang ở tuổi thanh xuân, giầu có, có cổ phần 191 triệu đô la mỹ ở công ty Samsung vào năm 2003, tính đến ngày nay chắc chắn là phải nhiều hơn. Giầu có như vậy tại sao lại tự tử? Cô còn thiếu cái gì?

Chắc chắn cô đâu còn thiếu gì! Cô sống vương giả như một người có quyền thế lớn. Ở nhà đắc tiền. Đi xe sang trọng. Giầu có như cô thật là hiếm có trong thế giới hôm nay. Cô đi đâu người ta vẫn tưởng cô là một viên chức nhà nước đương quyền, có kẻ đón người đưa. Rồi cô bỏ lại tất cả giầu có đó, sang trọng đó, để đi về thế giới bên kia. Tại sao?

Thưa, vì cô thiếu tình thương. Cô có cảm giác ba cô không thương yêu cô khi ngăn cấm tình duyên của cô. (Nhiều trường hợp tự tử vì thiếu sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là sự bạo hành)

Trong trại tập trung cùa Đức Quốc xã, các cai tù đã quan xác thấy rằng: những tù nhân nào mà chỉ nghĩ tới mình, chỉ biết sống cho bản thân mình thì cơ may sống sót rất ít. Ngược lại, người nào còn nghĩ tới gia đình, bạn bè, thân thuộc, họ ước ao sống vì những người thân đang cần họ, thì cơ may sống sót nhiều hơn trong trại tù khắt nghiệt của phát xít Đức. Chính những ý tưởng yêu thương đó đã giúp họ sống.

Thực vậy, có thể nói rằng: “người ta sống để yêu và để được yêu”. Không có tình yêu thì sẽ như cây xanh thiếu lá sẽ héo úa theo thời gian. Ngược lại, nếu có tình yêu thì cuộc đời luôn là mùa xuân, là hạnh phúc miên trường.

Hôm nay, chúng ta thử nhìn lại sự yêu thương cùa chúng ta có còn cho gia đình chúng ta hay không? Chúng ta có thực sự dành tình yêu của mình cho gia đình hay chúng ta đang muốn phá huỷ gia đình vì thiếu tình yêu của chúng ta?

Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểm: Gia đình ky-tô giáo phải có những đặc điểm nào?

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “gia đình là Giáo hội thu nhỏ”, thế nên, gia đình cũng phải mang lấy những đặc tính mà Chúa Giê-su muốn cho Giáo hội của Ngài mang lấy. Những đặc tính ấy chình là: “yêu thương và hợp nhất, thực thi lời Chúa, cử hành phụng vụ và loan truyền tin mừng.

Thực vậy, Chúa Giê-su đã từng nói: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau”. Ngài cũng xác định cho chúng ta một dấu hiệu riêng biệt, một bộ đồng phục của người môn đệ. Dấu hiệu ấy không phải là đi nhà thờ, làm dấu thánh giá, tham dự thánh lễ . . . Bộ đồng phục ấy không phải là chiếc áo đủ kiểu đủ màu của từng nhóm, từng hội dòng khác nhau, của từng giới khác nhau, cũng không phải là chiếc khăn theo cấp của thiếu nhi nhưng là tình thương.

Phải, dấu hiệu và bộ đồng phục của người tín hữu chính là tình bác ái yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thương nhau”.

Thế nhưng, xem ra có nhiều người đã không muốn chấp nhận bộ đồng phục này. Họ trang nghiêm sốt sắng trong giờ kinh nguyện, nhưng lại thiếu đứng đắn khi sống giữa đời. Ở nhà thờ họ là con chiên ngoan đạo, nhưng ở trường đời họ mặc áo lang sói, với lòng gian gian tham, độc ác (xin phấn)

Có lẽ vào ngày phán xét chúng ta sẽ ngạc nhiên:

Có những người chúng ta tưởng họ là môn đệ Chúa dựa vào một nếp sống đạo đức giả tạo bên ngoài, nhưng thực sự không phải như thế, chỉ vì họ không thực thi giới luật yêu thương.

Có những người chúng ta tưởng họ là vô thần, là chống đối Thiên Chúa, nhưng thực sự họ là môn đệ của Chúa, chỉ vì họ đã sống tình bác ái. Đức Cha Bùi Tuần trong cuốn “giới luật yêu thương” cũng nói:

“Người vô thần không tin Chúa, chúng ta bảo họ là kẻ vô đạo. Còn chúng ta, mặc dù là tin Chúa, nhưng nếu không thương yêu anh em thì chúng ta cũng chỉ là một loại vô đạo mà thôi.

 

THỰC HÀNH

 

Vì vậy, để thực sự trở thành người ky-tô hữu mỗi người đều phải có khả năng yêu thương anh em mình, và người anh em cũng là người thân cận mà chúng ta phải yêu thương chính là gia đình chúng ta. Mỗi thành viên trong gia đình phải biết yêu thương và được yêu thương từ gia đình. Cha mẹ, vợ chồng và con cái phải luôn nghĩ đến nhau, sống cho nhau và có thể chết vì nhau.

Gia đình là trường đào tạo cho đời những con người biết yêu thương thuận lợi và hữu hiệu nhất.

Thuận lợi vì cùng một xương, một thịt, một dòng máu nên dễ dàng yêu thương nhau hơn.

Hữu hiệu vì là bước đầu để từ đó chiếu toả tình yêu ra bên ngoài: Yêu mọi người như chính mình và yêu tha nhân như Chúa đã yêu. Đồng thời cũng biết yêu thương cả kẻ thù chúng ta như Chúa đã dạy và làm gương khi nói lời tha tội cho kẻ làm hại người.

 Muốn đạt tới tình yêu này chúng ta phải trau dồi, tu luyện hằng ngày. MỖi ngày phải rà xét lại tình yêu với đồng loại, mỗi ngày phải sống tình yêu đó cho anh em, cho dẫu có thiệt thòi cho bản thân.

Có một chàng thanh niên, gõ cửa một nhà dòng để xin vào tu. Cha bề trên nhìn chàng, khẽ miển cười và hỏi:

-  Thế con đã yêu ai chưa?

Chàng thanh niên đỏ mặt, ấp úng trả lời:

-  Dạ thưa cha, chưa ạ

Cha bề trên lại mỉn cười và bảo:

Thế thì con hãy về, học yêu thương trước, rồi mới tới tu học sau.

Câu chuyện này chỉ muốn nói lên rằng: chúng ta phải học cả những cái tầm thường như câu tục ngữ đã bảo: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, huống chi là học yêu thương.

Yêu thương thì dài bằng cả cuộc đời. Bao lâu còn sống, chúng ta vẫn phải tập luyện yêu thương, để tình yêu của chúng ta mỗi ngày một thêm tinh tuyền hơn. Vì tình yêu, đầu tiên thường mang tính vị kỷ, chúng ta phải tập luyện để thoát khỏi tình trạng ấu trĩ đó để tiến tới tình yêu vị tha, một tình yêu trưởng thành.

Vậy thế nào là một tình yêu vị kỷ?

Tình yêu vị kỷ là tình yêu vì mình, chúng ta luôn đòi người khác phải phục vụ mình, phải đem lại niềm vui cho chúng ta, giống như đứa bé yêu mẹ nó không phải vì là mẹ nó tốt, mẹ nó đẹp mà vì mẹ nó luôn sẵn sàng sống chết vì nó. Khuynh hướng vị kỷ sẽ làm cho tình yêu chết dần, chết mòn, và nếu tồn tại thì cũng chỉ là một tình yêu èo uột và nhơ nhớp, như hình ảnh Tagor đã dùng để so sánh:

-  Tình yêu giống như một con suối, nếu ta đắp đập chặn nước, thì dòng suối sẽ khô. Tình yêu giống như một bông hồng, nếu ta ngắt đi và ép vào ngực, thì chẳng bao lâu bông hồng sẽ héo.

Còn thế nào là tình yêu vị tha?

Tình yêu vị tha là tình yêu vì mọi người. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, chúng ta vui lòng quên mình để dấn thân, đem lại niềm vui mừng và hạnh phúc cho người khác. Đặc tính của loại tình yêu này là cho đi và cho đi không ngừng. Như người mẹ cho con cả cuộc đời vất vả vì con.

Khuôn mẫu lý tưởng cho tình yêu vị tha là chính Chúa Giê-su, Ngài đã nói và đã làm: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu dám hiến mạng vì bạn hữu.

Nhưng để có một tình yêu vị tha như Chúa, chúng ta phải tập luyện hằng ngày, và không một môi trường nào thuận tiện cho việc tập luyện bằng đời sống gia đình. Vì “Tu đâu cho bằng tu nhà – Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.

Nếu chúng ta không yêu thương chính những người cùng máu huyết với mình, làm sao chúng ta có thể yêu thương người dưng nước lã và hơn nữa, còn phải yêu thương cả kẻ thù mình.

Trong năm giáo dục gia đình, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện cho gia đình mình một số ưu tiên sau:

 

1.     Hãy biết tha thứ cho nhau

 

Vì cuộc sống chúng, chúng ta không thể tránh hết được những va chạm, những bực bội, những buồn phiền, hiểu lầm, vì “bá nhân bá tánh”, và lại “nhân vô thập toàn” nên cần phải tôn trọng và cảm thông với nhau. Phải biết quên đi và tha thứ, biết nhường nhịn và chịu đựng, vì một sự nhịn là chín sự lành, để nhờ đó bầu khí gia đình sẽ luôn hoà thuận, bằng không đời sống gia đình sẽ luôn là bãi chiến trường căng thẳng. rồi dần dần “già néo thì đứt dây” sẽ dẫn đến sự đỏ vỡ của gia đình.

 

2.     Hãy giúp đỡ nhau

 

Phải, hãy giúp đỡ nhau chu toàn những công việc nhỏ bé trong đời sống thường ngày, cộng tác với nhau rong sinh kế làm ăn, hầu bảo đảm một đời sống vật chất ấm no.

Nói tóm lại, những người trong gia đình, phải biết nghĩ đến nhau, phải biết sống cho nhau và có thể dám chết vi nhau, để biến gia đình thành một cộng đoàn ngập tràn yêu thương

Với tình yêu, chúng ta sẽ thấy cuộc đời thật đáng sống, dù có phải vất vả, cực nhọc, dù có phải nghèo túng:

“Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa”

“Canh tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”

Tình yêu còn có khả năng mang lại nguồn nghị lực mới để vượt qua mọi khó khăn:

“Thuận vợ, thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”

Trái lại, không có tình yêu gia đình sẽ trở thành một địa ngục, một nhà tù, trong đó người này cầm chân và giam hãm người kia.

Ước gì mỗi người chúng ta đều có một trái tim hãy dành tình yêu đó cho gia đình. Mỗi người hãy sống tình yêu bao dung và dâng hiến cho gia đình được mãi êm ấm thuận hoà và hạnh phúc.

 

Jos Tạ Duy Tuyền

 


Mục Lục