Thứ Tư Tuần Thánh

Suy niệm I-sai-a 50:4-9

 

Còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.  (I-sai-a 50:5)

 

          Thật là tuyệt vời với chi tiết trong bài ca về Người Tôi Trung diễn tả lối sống của Chúa Giê-su, nhất là trong cuộc Thương khó của Người.  Thí dụ đoạn Kinh Thánh mô tả một hình ảnh hết sức sống động về sức chịu đựng và phấn đấu của Chúa Giê-su để chu toàn sứ mệnh trên thế gian, một thế gian thù nghịch với Người và tất cả những gì Người chủ trương.

          Tuy nhiên đau khổ và chịu đựng nhân danh Thiên Chúa không chỉ là dành riêng cho Chúa Giê-su.  Những đoạn Kinh Thánh này cũng diễn tả những khó khăn các vị ngôn sứ đã chịu khi công bố lời Chúa cho Ít-ra-en.  Vì những lời chứng của họ, các ngôn sứ như Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, A-mốt và nhiều vị khác đã chịu đau khổ trong tay đồng bào của các ngài.  Thí dụ ngôn sứ Giê-rê-mi-a bị người ta ném xuống giếng bùn và bỏ mặc ở đó chờ chết đói.  Vậy mà ngài đã được cứu thoát, nhưng sau này bị bắt cóc và đưa sang Ai-cập trái với ý muốn của ngài.  Ngôn sứ Ê-li-a thì luôn luôn sống trong hiểm nguy do hoàng hậu I-de-ven bách hại.  Thậm chí ngôn sứ Ê-dê-ki-en dù sống với những đồng bào Do-thái lưu đày cũng vẫn bị họ tẩy chay.

          Vậy điều khác biệt giữa những đau khổ của Chúa Giê-su và các vị ngôn sứ, đó là Người đã tự ý gánh chịu những bách hại ấy (I -sai-a 50:5-6).  Do tình yêu thúc đẩy, Chúa Giê-su đã tự ý chọn hiến mạng sống mình để đem lại sự tự do cho chúng ta.  Người đã thấy trước những tàn ác, cực hình và cái chết sẽ đến với Người, nhưng Người vẫn tiến lên.  Hoàn toàn là một con người, Chúa Giê-su cũng có thể bị đau đớn thể xác và tinh thần, nhưng Người đã nộp mình cho những kẻ bách hại (50:6).  Người vô tội đã chết thay cho kẻ có tội;  người trung tín đã chết thay cho kẻ bất trung.  Đó là hành vi yêu thương lớn lao nhất chưa từng thấy trong thế giới.

          Ngày mai chúng ta bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua (Triduum) là ba ngày trọng đại cử hành ơn cứu độ của chúng ta.  Trong những ngày này, chúng ta sẽ nhớ lại những đau khổ Chúa Giê-su đã chịu để mở đường cho những ai bị lưu đày vì bất tuân và phạm tội được trở về với Chúa.  Trong phụng vụ, chúng ta sẽ lại sống tấm thảm kịch những giờ phút cuối cùng của Chúa Giê-su và việc khai mở kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Chúng ta hãy lấy ngày hôm nay để suy niệm về Chúa Giê-su, Người Tôi Trung của Thiên Chúa đã tự nguyện nộp mình cho kẻ thù.  Ước gì trong lòng chúng ta sẽ dâng lên lời ngợi khen khi chúng ta ngắm nhìn Đức Vua và Đấng Mê-si-a của chúng ta chịu đau khổ!

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin chúc tụng Danh Chúa!  Nhờ sự chết và sống lại, Chúa đã đổ đầy tâm hồn chúng con bằng những ân sủng thiêng liêng trên trời.  Chúng con tuyên xưng Chúa là Con Yêu Dấu của Chúa Cha, là Con Thiên Chúa và là Đấng được xức dầu.  Nguyện cho Danh Chúa được tôn vinh muôn đời!”