Thứ Sáu tuần 23 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 6:39-42

 

Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.  (Lu-ca 6:40)

 

          Một vị ráp-bi thời Chúa Giê-su rất khó khăn trong việc chọn lựa môn đệ.  Mọi đứa trẻ phải nhớ hết hàng đống luật lệ Mô-sê.  Chỉ có những em đọc không sai sót mới được nhận để học hỏi thêm và ông thầy nổi danh chỉ tuyển lựa những em nào giỏi giang nhất trong số những học trò đã trổi vượt.  Các môn đệ như thế đều cố gắng muốn trở thành giống như thầy mình, không chỉ nói năng và suy nghĩ như thầy mà còn bắt chước lối ăn mặc, cách thức cầu nguyện, thậm chí cả đến những cử chỉ nữa.

          Chúa Giê-su thì lại cầu nguyện rất nhiều khi tuyển chọn các môn đệ, nhưng những tiêu chuẩn và mục tiêu của Người hoàn toàn khác biệt.  Không có ai trong số mười hai là người sẽ được chọn để học thêm;  một số trong họ còn không đạt được ngay cả trình độ thần học kém nhất.  Họ cũng rất khác biệt nhau, từ Mát-thêu nhân viên thu thuế đến Gia-cô-bê và Gio-an, “những người con của sấm sét”, rồi một Phê-rô nông nổi.  Mục đích của Chúa Giê-su là nắn đúc từng môn đệ nên giống hình ảnh Người và để cho họ tự do phát triển những tài năng của riêng họ.  Phải, các môn đệ sẽ trở nên giống Thầy mình trong những chính yếu, là được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, nhưng mỗi người cũng sẽ lớn lên trong những điều Thầy nhận thấy và yêu thích nơi họ.  Rồi cái nhóm tạp nham ấy đã cùng nhau ra đi và xây dựng Nước Thiên Chúa!

          Thánh Phao-lô cho chúng ta một thí dụ thật đẹp về điều này.  Ngài công nhận rằng khi Chúa Giê-su gọi ngài, ngài là “kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược”, nhưng Thiên Chúa lại thấy “tín nhiệm” ngài mà gọi ngài đến phục vụ (1 Ti-mô-thê 1:12,13).  Vì Chúa Giê-su yêu thương ngài nên Phao-lô đã được ban ân sủng để thăng tiến trong ơn gọi của ngài.

          Chẳng phải cũng như vậy đối với chúng ta hay sao?  Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta không phải vì chúng ta đã hoàn hảo, nhưng chỉ vì Người yêu thương chúng ta.  Người mỉm cười với chúng ta và quyết định chọn chúng ta không phải vì những gì chúng ta có nơi mình, nhưng vì những gì Người thấy nơi chúng ta, tức là những gì Người biết chúng ta có thể trở nên khi chúng ta kết hợp với Người.  Trong tình bạn ấy, chúng ta trở nên toàn diện con người mình, tức là những người theo như ý Chúa Cha khi Người tạo dựng.  Đồng thời chúng ta cũng trở nên giống như Thầy chúng ta, chiếu tỏa tình yêu của Người vào thế giới qua lăng kính của nét độc đáo nơi con người chúng ta.

 

          “Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa đã gọi con làm bạn hữu và môn đệ của Chúa.  Xin dạy con biết tự nguyện theo Chúa và không hãi sợ trên con đường tình yêu”.