Thứ Tư tuần 5 Thường niên

Suy niệm Mác-cô 7:14-23

 

Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được. (Mác-cô 7:15)

 

          Bạn có thể hiểu được bởi đâu mà có sự lẫn lộn.  Sự lẫn lộn bắt đầu với cái cây trong vườn địa đàng khi Thiên Chúa phán dạy ông bà nguyên tổ:  Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết" (Sáng Thế 2:17).  Như thế có phải mọi sự chung quy đều là do những gì chúng ta ăn phải không?  Nghĩa là cách tốt nhất để làm Chúa vui lòng là phải chú ý hơn đến những gì chúng ta nuốt vào miệng.  Nhưng chúng ta phải ăn uống ra sao?  “Đừng ăn mỡ màng?”  “Đừng ăn đồ có nhiều hóa chất các-bon?”  “Đừng ăn thịt đỏ?”

          Chúa Giê-su nói rõ ràng rằng ăn uống theo cách mới ấy không phải là câu trả lời.  Cách ăn uống nào cũng tốt nếu nó giúp chúng ta giảm cân và sống khỏe mạnh.  Nhưng như Chúa Giê-su đã bảo dân chúng, những gì chúng ta “ăn” – mỡ màng, hóa chất các-bon hay thịt đỏ – tự chúng không có gì làm cho chúng ta ra ô uế.

          Chính vì theo bản năng nên con người mới đặt ra kế hoạch này nọ hoặc giảm thiểu những gì phức tạp để có được một công thức kiểm soát con người thể chất của mình.  Do đó người ta mới có những sách dạy cách tự làm hoặc những chương trình tự hoàn chỉnh hết sức thông dụng.  Nhưng Chúa Giê-su muốn chúng ta hãy nhắm vào mục tiêu đích thực của mình.  Quan trọng không phải là những gì phải làm hoặc không được làm.  Nhưng điều quan trọng là chúng ta có để cho tình yêu Thiên Chúa uốn nắn lối sống của chúng ta hay không.

          Quan trọng là sống mối tương quan, chứ không phải theo công thức.  Càng biết Chúa Giê-su nhiều hơn, chúng ta càng xác tín hơn được tình yêu Người yêu thương chúng ta, và xác tín ấy sẽ thay đổi con người nội tâm của chúng ta.  Rồi chính sự thay đổi nội tâm này sẽ ảnh hưởng đến những gì chúng ta chọn để ăn hoặc nói, đến cách chúng ta sử dụng thời giờ và cách chúng ta đối xử với những người chung quanh.

          Vậy thì bạn cứ phát huy mối tương quan ấy đi!  Đây là một cách:  hôm nay khi bạn cầu nguyện, đừng chỉ xin Chúa ban điều này điều kia.  Bạn hãy dành ít phút chăm chú nhìn vào tượng Chúa chịu đóng đinh thập giá.  Bạn hãy tưởng tượng nhé, không phải chỉ những đau đớn Chúa Giê-su phải chịu, nhưng là tình yêu, tình yêu của Người dành cho riêng bạn, đã treo Người lên thập giá kia.  Nếu bạn bắt đầu thấy mình chia trí, hãy chú ý trở lại.  Bạn thử nghĩ bạn quan trọng như thế nào đối với Chúa nên Người mới làm thật nhiều cho bạn.  Khi những chân lý này đã in sâu vào tâm hồn bạn, thì bạn sẽ cảm thấy “những gì xuất ra” từ nơi bạn sẽ làm Chúa vui lòng hơn (Mác-cô 7:15).

 

          “Lạy Chúa Giê-su, con muốn yêu mến Chúa trước hết và trên hết.  Con cũng muốn tình yêu ấy sẽ ảnh hưởng trên mọi việc con làm hôm nay”.